Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.

Ẩn ý của Triều Tiên khi dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Trump

Bình Nhưỡng có thể đang tung đòn thăm dò mức độ nhân nhượng của Washington nhằm đổi lấy thành tựu trên bàn đàm phán ở Singapore.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA vừa tuyên bố nước này có thể hủy cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, do liên quân Mỹ - Hàn đang tiến hành cuộc tập trận Max Thunder quy mô lớn.

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan sau đó khẳng định Bình Nhưỡng "sẽ không còn quan tâm đến các cuộc đàm phán" nếu bị chính quyền Trump "dồn vào chân tường và đơn phương yêu cầu từ bỏ vũ khí hạt nhân".

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây chỉ là đòn "nắn gân" của Triều Tiên trước thềm sự kiện lịch sử này.

Theo bình luận viên Josh Smith của Financial Review, Trump đã rất kỳ vọng vào thành công của cuộc gặp với Kim Jong-un được lên kế hoạch vào ngày 12/6 ở Singapore, nên bất cứ sự hủy bỏ nào cũng sẽ là một đòn giáng nặng nề nhắm vào nỗ lực của ông nhằm đạt được thành tựu ngoại giao lớn nhất trong nhiệm kỳ.

Bởi vậy, Smith cho rằng động thái này nhiều khả năng là một hành động thăm dò của Kim Jong-un, nhằm đánh giá xem Trump sẵn sàng nhượng bộ đến mức nào để có thể đạt được kết quả mà ông rất mong đợi trong cuộc gặp thượng đỉnh.

Một chuyên gia về Triều Tiên làm việc trong chính phủ Mỹ đánh giá Kim Jong-un cũng có thể đang "đo đếm" khả năng Trump từ bỏ đàm phán nếu mọi việc không tiến triển khả quan. Trump từng tuyên bố sẽ lập tức "rời khỏi" nếu nhận thấy cuộc thảo luận với Kim không đi đến đâu.

Yonhap dẫn nguồn tin cho biết Mỹ đã có những nhượng bộ nhất định sau tuyên bố của Triều Tiên, khi máy bay ném bom chiến lược B-52 có thể sẽ không tham gia tập trận Max Thunder.

Đợt tập trận không quân quy mô lớn thường niên này được khởi động từ thứ sáu tuần trước và sẽ kéo dài trong hai tuần, với sự tham gia của khoảng 100 máy bay, trong đó có 8 tiêm kích tàng hình F-22 cùng nhiều chiến đấu cơ F-15K và F-16.

Triều Tiên coi cuộc tập trận này là hoạt động "chuẩn bị cho hành động xâm lược" của liên quân Mỹ - Hàn, trong khi Washington và Seoul khẳng định Max Thunder chỉ mang bản chất phòng thủ.

Bình luận viên Andrea Mitchell của NBC News cho rằng lời đe dọa rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh của Triều Tiên không khiến mọi người bất ngờ, "nhất là khi Tổng thống Mỹ háo hức đến mức sẵn sàng chấp nhận các điều khoản ngay cả khi chúng chưa được đưa ra".

Bà Mitchell tỏ ra ngạc nhiên trước sự nôn nóng của các quan chức chính quyền Mỹ, đặc biệt là Trump, trong việc đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên.

Ông chủ Nhà Trắng gần đây cảm ơn Triều Tiên và ca ngợi Kim Jong-un vì việc phóng thích ba công dân Mỹ, trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo thể hiện sự tự tin vào kết quả thành công của cuộc gặp thượng đỉnh.

Pompeo hôm 13/5 cho biết Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận nếu Triều Tiên nhất trí dỡ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân và hứa hẹn giúp nền kinh tế nước này đạt được mức độ thịnh vượng ngang ngửa Hàn Quốc. 

Ẩn ý của Triều Tiên khi dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Trump ảnh 1

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo (trái) bắt tay ông Kim ở Bình Nhưỡng hồi tháng 4. Ảnh: Reuters

Chuyên gia bình luận Michael McGough của LATimes thì dự đoán rằng lời đe dọa này của Triều Tiên mới chỉ là khởi đầu cho những trở ngại trên con đường gập ghềnh hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh sẽ diễn ra ở Singapore.

Theo McGough, dù Kim Jong-un chưa chính thức đưa ra tuyên bố đe dọa hủy cuộc gặp với Trump, đây vẫn là bài học cho Mỹ về việc Triều Tiên có thể "đổi giọng đột ngột đến mức nào".

Bởi vậy, vẫn còn quá sớm để Trump có thể khoe khoang về thành tựu mà những người tiền nhiệm không thể đạt được, hay đề cập đến giải Nobel Hòa bình vào năm sau.

Chuyên gia này dự đoán rằng các nhà ngoại giao và quan chức tình báo Mỹ trong hôm nay sẽ tìm mọi cách liên hệ với cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc để làm rõ ý định của Bình Nhưỡng sau lời đe dọa trên, mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh vẫn được xúc tiến vì chưa nhận được thông báo nào khác từ Triều Tiên.

Mitchell nhận định cách phản ứng của chính quyền Trump không khác gì "phơi bày mọi thứ lên bàn" và giúp Kim Jong-un đạt được thứ ông này muốn, đó là vai trò trên trường quốc tế và vị thế chủ động trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ.

Theo đó, nếu Trump khao khát đạt được thành tựu trong cuộc gặp với Kim đến mức sẵn sàng nhượng bộ và ngừng các cuộc tập trận trong khu vực, Mỹ có thể hủy hoại niềm tin của các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản vào cam kết đảm bảo an ninh của nước này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định Kim Jong-un khó có thể đơn phương hủy bỏ cuộc gặp rất được mong đợi với Trump một cách đột ngột như vậy.

Lãnh đạo Triều Tiên thời gian qua đã cho thấy nỗ lực thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với chiến lược ngoại giao của mình, thậm chí có những bước đi nhượng bộ trong việc đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri để chứng tỏ thiện chí.

Bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên đang tìm cách cản trở cuộc gặp thượng đỉnh với Trump đều có thể hủy hoại nỗ lực này.

"Ông ấy vẫn muốn gặp Trump, nhưng có thể không cần nó diễn ra vào tháng 6", Mitchell nói. "Với những gì đã chấp nhận, Mỹ bị dồn vào thế bị động và Kim Jong-un đạt được lợi thế về tuyên truyền".

Tin bài liên quan