Dịch vụ giao hàng Prime Now vừa được Amazon triển khai tại Singapore, mở màn "cuộc tấn công" vào Đông Nam Á.

Dịch vụ giao hàng Prime Now vừa được Amazon triển khai tại Singapore, mở màn "cuộc tấn công" vào Đông Nam Á.

Amazon vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD: Lo nhiều hơn mừng

(ĐTCK) Chưa đầy 1 tháng sau khi Apple vượt qua ngưỡng 1 nghìn tỷ USD, Amazon đã nhanh chóng theo chân khi chạm tới mốc này vào ngày 5/9. Tuy nhiên, con số này đối với Amazon không hẳn mang lại niềm vui, thậm chí còn đến kèm nhiều nỗi lo ngại.

Ngày 28/9/2001 là ngày đen tối nhất trong lịch sử Amazon.com Inc khi giá cổ phiếu chạm đáy, trong bối cảnh bong bóng dot.com bùng nổ, thế giới hoảng sợ vì vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 và nhà đầu tư mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo của CEO Jeff Bezos.

Khi đó, vị doanh nhân mới 37 tuổi này lập tức đưa ra thông điệp: “Giá cổ phiếu không phản ánh giá trị của chúng ta” tới toàn bộ nhân viên. Và ngày hôm nay, câu nói này dường như vẫn chính xác, nhưng theo nghĩa tiêu cực hơn, khi Amazon đang được kỳ vọng quá nhiều.

Kể từ ngày đen tối kể trên, giá cổ phiếu Amazon đã tăng hơn 30.000%, đạt gần 1.995 USD/cổ phiếu và giúp giá trị thị trường của Công ty vượt qua ngưỡng 1 nghìn tỷ USD vào ngày 5/9/2018. Jeff Bezos trở thành người giàu có nhất trên thế giới với khối tài sản cao gần gấp đôi Bill Gates.

Con đường từ sắp phá sản vươn lên thành gã khổng lồ của Amazon là cực kỳ ấn tượng, nhưng việc vượt qua ngưỡng 1 nghìn tỷ USD được các chuyên gia đánh giá không phải là sự kiện để chúc mừng, mà là một tiếng chuông nhắc nhở cần cẩn trọng trong tương lai. Bởi hiện tại, Amazon đang đối diện với những thử thách thậm chí còn khắc nghiệt hơn cách đây 20 năm.

Trước tiên, cần phải nhắc tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là “người hâm mộ” của Amazon, khi thường xuyên có những phát biểu trên mạng xã hội công kích doanh nghiệp này về vấn đề bóc lột, bóp nghẹt doanh nghiệp nhỏ và có dấu hiệu trốn thuế.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cáo buộc Amazon trả lương rẻ mạt cho nhân viên, khiến nhiều người trong số này phải nộp đơn xin trợ cấp xã hội.

Thực tế, các chính trị gia tại cả 2 đảng lớn của Mỹ đều có cái nhìn không thiện cảm với Amazon về vấn đề lao động và tiền lương. Trong khi đây không phải câu chuyện dễ giải quyết đối với Amazon, khi Công ty có gần 600.000 nhân viên, con số khổng lồ để có thể kiểm soát hết những câu chuyện giữa nhân viên và người lãnh đạo, những lời cáo buộc về bóc lột, phân biệt đối xử và vấn đề tiền lương.

Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất mà Amazon đang phải đối diện chính là giá cổ phiếu và sự kỳ vọng quá lớn trên thị trường. Hiện tại, nhiều cổ đông của Công ty vẫn đang ngây ngất trong men say và họ có lý do để vui mừng bởi đã trải qua một hành trình tuyệt vời, nhất là trong 2 năm gần đây.

Tuy nhiên, P/E của cổ phiếu Amazon đang ở mức 207 lần, trong khi con số này của đối thủ mạnh nhất hiện tại là Walmart chỉ là 20 lần.

P/E cao thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư về sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai, nhưng “voi khó phi nước đại”, liệu Amazon có giữ được bước tiến trong thời gian tới vẫn là điều chưa thể đoán trước.

Trong khi đó, đối thủ Walmart lại đang có những bước tiến thần tốc, khi mới công bố kết quả kinh doanh cho thấy doanh thu bán hàng online quý II/2018 tăng 40% so với cùng kỳ năm trước và tăng 33% so với quý trước đó.

P/E của cổ phiếu Amazon đang ở mức 207 lần, trong khi con số này của đối thủ mạnh nhất hiện tại là Walmart chỉ là 20 lần.   

Không ít chuyên gia đề cao chiến lược phát triển của Walmart khi có sự lãnh đạo, giám sát chặt chẽ, kết hợp nhuần nhuyễn ưu điểm của mua sắm truyền thống và điện tử.

Một khó khăn khác đối với Amazon là môi trường lãi suất lên cao, với những tác động trực diện tới đời sống tiêu dùng, cũng như diễn biến giá cổ phiếu.

Các số liệu lịch sử chỉ ra rằng, giai đoạn lãi suất cao thường đi kèm với chứng khoán lao dốc, khi nhiều loại tài sản đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn cổ phiếu.

Chẳng hạn, giai đoạn từ tháng 12/1986 – tháng 10/1987, khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 7,19% lên 10,23%, chỉ số S&P giảm 200 điểm.

Một thập kỷ sau, khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ tăng từ 4,7% lên 6,2%, chỉ số S&P bốc hơi hơn 1.000 điểm. Gần đây nhất, giai đoạn 2005 – 2007, chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 940 điểm trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm tăng từ 4,24% lên 5,17%.

Hiện tại, lợi suất trái phiếu Mỹ cũng đang đi lên và các thành viên thị trường chờ đợi liệu lịch sử có tiếp tục lặp lại. Trong bối cảnh này, giá cố phiếu nhất định sẽ có sự điều chỉnh mà cổ phiếu Amazon sẽ không phải ngoại lệ.

Tin bài liên quan