Cách điều hành của Abigail Johnson khiến cánh mày râu trên phố Wall ngả mũ thán phục

Cách điều hành của Abigail Johnson khiến cánh mày râu trên phố Wall ngả mũ thán phục

Abigail Johnson - người phụ nữ quyền lực nhất phố Wall

(ĐTCK) Trong danh sách những nước có tỷ lệ lãnh đạo nữ cao vừa công bố nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 vừa qua, Mỹ là nước xếp hạng thấp. 

Nhưng dù như vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp nữ ở quốc gia này khá đặc biệt, quyền lực và tầm ảnh hưởng mà họ tạo ra không kém gì các nam giới, và Abigail Johnson là một ví dụ như vậy.

Trở thành nhân vật nằm trong số những người giàu nhất thế giới, ban đầu Abigail Johnson không được chú ý nhiều là bởi đó là thành quả mà bà được nhận từ gia đình. Nhưng điều này đã thay đổi khi Abigail Johnson xây dựng thành công Fidelity trở thành một cường quốc dịch vụ tài chính, một quyền lực thực sự tại phố Wall. Câu chuyện của bà đã trở thành bài học kinh điển vì những người thừa kế thường không có khuynh hướng “xóa đi” được cái bóng của cha, ông.

Sinh năm 1961 trong một gia đình thành công về kinh doanh, Abigail tên đầy đủ là Abigail Pierrepont "Abby" Johnson lại chọn con đường nghệ thuật với tấm bằng cử nhân về lịch sử nghệ thuật vào năm 1984.

Tuy nhiên, vị trí thừa kế của gia đình khiến bà phải lựa chọn con đường khác. Sau thời gian ngắn làm việc ở vị trí tư vấn tài chính tại Booz Allen Hamilton, Abigail tiếp tục hoàn thành bằng MBA tại Harvard Business School và tham gia vào tập đoàn Fidelity ở vị trí chuyên gia phân tích tài chính và quản lý danh mục đầu tư vào năm 1988.

Kể từ đó, các vị trí thử thách được nâng dần từ vai trò điều hành trong ban quản lý Fidelity và FMR vào năm 1997, tham gia quản lý mảng dịch vụ tài chính hưu trí Fidelity và quản lý điều hành trong tập đoàn Fidelity Investments…

Thử thách thực sự mà Abigail Johnson phải đối mặt xảy ra vào năm 2014 khi bà nhậm chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Fidelity, thay thế cho cha là ông Edward "Ned" Johnson, III, và trở thành thế hệ lãnh đạo thứ ba.

Fidelity được sáng lập bởi ông nội của Abigail năm 1946, ông Edward C. Johnson II. Và cho đến nay, gia đình Johnson vẫn nắm tới 49% cổ phần tại Fidelity.

Nhậm chức khi mà “bóng ma” khủng hoảng tài chính 2008 chưa chấm dứt hẳn, ngành quỹ mới lấy lại đà phục hồi sau nỗi “ám ảnh” tràn lan trên phố Wall có tên là “các sản phẩm phái sinh”, sự mạnh mẽ của Abigail Johnson đã giúp Fidelity khẳng định vị trí là một tập đoàn hùng mạnh trong ngành công nghiệp dịch vụ tài chính.

Là một trong số ít những người phụ nữ nắm vị trí lãnh đạo cao cấp trong ngành công nghiệp tài chính mà gần như từ lâu đã được thống trị bởi nam giới, Abigail biết tận dụng thế mạnh của những người phụ nữ là sự khéo léo kết hợp với sự quyết đoán và trí tuệ, khiến cánh đàn ông phải nghiêng mình nể phục.

Công việc của bà là không chỉ để chăm sóc Fidelity ngày càng lớn mạnh, mà còn để phục vụ những khách hàng nổi tiếng và khó tính của mình một cách tốt nhất. Cách mà Abigail làm được những điều đó chính là tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ ứng dụng, thuận lợi hơn, thu hút các khách hàng hơn chứ không chỉ thụ động quản lý chỉ số quỹ.

Ngoài ra, bí quyết điều hành của bà nằm ở chỗ cung cấp cho khách hàng những lựa chọn đầu tư hợp lý với chi phí thấp, và thiết lập các cơ chế để khách hàng nắm rõ sự di chuyển các nguồn vốn đầu tư của mình. Điều này có tính chất mấu chốt trong cạnh tranh khi mà uy tín của nhiều quỹ bị đặt dấu hỏi.

Cho đến nay Fidelity là công ty quỹ tương hỗ lớn thứ hai của Mỹ (sau quỹ Vanguard) với 2 nghìn tỷ USD giá trị tài sản thuộc quyền quản lý.

Còn cá nhân Abigail Johnson, năm 2015, bà đứng thứ 19 trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes. Abigail Johnson cũng nằm trong top những người phụ nữ quyền lực nhất trong ngành công nghiệp tài chính chỉ sau Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen và Ana Patricaia Botin Chủ tịch điều hành của Santander Group.

Ngoài điều hành tập đoàn của gia đình, Abigail Johnson hiện còn là thành viên của Ủy ban về Quy chế thị trường vốn. Bà cũng là một thành viên của Hội đồng quản trị của ngành chứng khoán và Hiệp hội thị trường tài chính (SIFMA). Bà trở thành là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất là thành viên trong hội đồng quản trị dịch vụ tại Diễn đàn tài chính thế giới.

Tin bài liên quan