Diễn biến giá dầu trong thời gian qua cho thấy, dường như đã tới lúc Ả Rập Xê út nên từ bỏ việc cố gắng kiểm soát thị trường dầu mỏ toàn cầu và quay trở lại việc sản xuất theo chính sách tự do mà OPEC và các đồng minh đã từ bỏ vào năm 2014 nhằm nỗ lực thúc đẩy đà tăng của giá dầu.
Tất nhiên, khi Ả Rập Xê út thực hiện điều này, giá dầu sẽ lao dốc chóng mặt, tương tự diễn biến xảy ra vào năm 1986 khi quốc gia này từ bỏ việc bán hàng theo giá dầu chính thức được neo giữ.
Vậy nhưng, sau cơn địa chấn, nhà đầu tư toàn cầu sẽ thích nghi với một thị trường giao dịch tự do mới.
Chưa kể, động thái này có thể tạo thêm sức hấp dẫn cho các sự kiện lớn tại thị trường dầu mỏ Ả Rập Xê út thời gian tới: IPO doanh nghiệp dầu mỏ lớn nhất quốc gia, dòng vốn đầu tư mới hỗ trợ phát triển kinh tế theo hướng ít phụ thuộc hơn vào dầu mỏ, đúng như kế hoạch “Tầm nhìn 2030” mà hoàng tử Mohammed bin Salman đã đặt ra nhằm thay đổi nền kinh tế của vương quốc dầu mỏ này.
Thực tế cho thấy, hiện tại là thời điểm Ả Rập Xê út phải thừa nhận, nỗ lực “quản lý” thị trường dầu mỏ đã thất bại, bất kể việc quốc gia này và các đồng minh đã rất nỗ lực.
Thoả thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh đặt mục tiêu sẽ khiến lượng dầu dự trữ “bốc hơi” trong vòng 6 tháng, từ đó đẩy giá dầu đi lên, nhưng cho tới nay, sau 4 năm, giá dầu vẫn chưa diễn biến như kỳ vọng.
Ban đầu, khi lượng dầu dự trữ có dấu hiệu đi xuống, giá dầu thô Brent đã tăng từ mức 45 USD/thùng vào tháng 6/2017 lên mức cao nhất 86 USD/thùng vào tháng 10/2018.
Sau đó, giá dầu dần quay lại ngưỡng 50 USD/thùng và ngay cả việc kéo dài thêm thời gian cắt giảm sản lượng cũng không đủ sức giữ giá dầu ở mức trên 60 USD/thùng.
Thậm chí, việc các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Ả Rập Xê út bị tấn công gần đây cũng chỉ đủ sức khiến giá dầu đi lên trong vài ngày.
Những thông tin mới nhất từ OPEC, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Cơ quan Quản lý năng lượng Mỹ cho thấy, tình hình ngày càng khó khăn với giá dầu. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang phủ bóng đen lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tác động tới triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu mỏ năm 2019 và 2020.
Trong khi đó, 8 tháng đầu năm 2019, sản lượng dầu mỏ sản xuất trung bình của Ả Rập Xê út đã ở mức thấp nhất kể từ năm 2014.
Diễn biến sản lượng dầu mỏ tại Ả Rập Xê út và Nga.
Ở chiều ngược lại, nước Nga, đồng minh tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng cùng OPEC, lại chứng kiến sản lượng tiếp tục gia tăng trong năm nay, ngay cả khi đã tuân thủ các quy tắc trong thoả thuận.
Như vậy, ngay trong nội bộ nhóm OPEC và các đồng minh, Ả Rập Xê út cũng không thể kiểm soát được tình hình sản lượng cung cấp ra thị trường, chưa kể đến vấn đề dầu đá phiến tại Mỹ.
Cho tới nay, một điều dễ nhận thấy là chính sách cắt giảm sản lượng không phát huy tác dụng như kỳ vọng. Đã tới lúc Ả Rập Xê út cần tìm hướng đi khác cho giá dầu.