Quyền sở hữu trí tuệ
Mỹ từng cáo buộc Trung Quốc buộc các doanh nghiệp Mỹ phải chia sẻ các sáng kiến công nghệ và ăn cắp sản phẩm trí tuệ. Trong vòng đàm phán tới, giới chức 2 bên sẽ tập trung vào việc thay đổi cấu trúc hiện tại trong quá trình chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ăn trộm công nghệ cao và các vấn đề khác.
Thực tế, Trung Quốc đã có động thái thông báo một loạt quy định mới góp phần hạn chế tình trạng các doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước được dễ dàng tiếp cận với các công nghệ mới được chuyển giao, đồng thời đang soạn thảo luật mới với quy định không buộc doanh nghiệp ngoại phải chuyển giao công nghệ.
Huawei và 5G
Huawei Technologies Co, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc đang bị Mỹ và các đồng minh cáo buộc cung cấp thiết bị có liên quan tới hoạt động tình báo cho khách hàng. Trong khi đó, Huawei đang theo đuổi cuộc đua phát triển công nghệ 5G và hiện đang là chủ sở hữu của 1/10 các bằng sáng chế thuộc lĩnh vực viễn thông trên toàn cầu.
Đáng chú ý, Bắc Kinh đang yêu cầu Canada thả giám đốc tài chính của Huawei là bà Meng Wanzhou, người đã bị bắt tại Canada theo yêu cầu từ phía Mỹ với tội danh liên quan tới gian lận tài chính.
“Made in China 2025”
Kế hoạch “Made in China 2025” được Bắc Kinh xây dựng với mục tiêu biến Trung Quốc trở thành người dẫn đầu tại 10 lĩnh vực mới nổi bao gồm robot, phương tiện sử dụng năng lượng sạch và công nghệ sinh học. Tham vọng này của Trung Quốc ngay lập tức đã khiến Mỹ phải dè chừng, khi Nhà Trắng liên tục lên tiếng chỉ trích đây là chương trình vi phạm quy tắc của WTO, có thể tạo nên sự bất bình đằng với nhà đầu tư nước ngoài… Thực tế, rất nhiều loại thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt với hàng hóa từ Trung Quốc tập trung vào những lĩnh vực thuộc kế hoạch này.
Năng lượng
Trước khi chiến tranh thương mại diễn ra, Mỹ và Trung Quốc là “2 nửa hoàn hảo” tại lĩnh vực năng lượng: Mỹ là nhà xuất khẩu dầu và khí tự nhiên lớn hàng đầu thế giới, trong khi Trung Quốc là khác hàng lớn nhất toàn cầu của cả dầu và khí tự nhiên. Tuy nhiên, với việc 2 quốc gia xung đột thương mại, các doanh nghiệp dầu khí hàng đầu của Mỹ như American LNG chứng kiến doanh số bán hàng sụt giảm, đồng thời dòng tiền đầu tư từ Trung Quốc cũng dần rút lui.
Nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp
Giới đầu tư đang theo dõi việc liệu Trung Quốc có gỡ bỏ các loại thuế hiện tại đối với sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm đậu nành, ngô, bông, lúa mì và thịt lợn… vốn đang tác động mạnh tới nền nông nghiệp Mỹ. Chưa kể, các loại hạt khô từ Mỹ cũng bị đánh thuế chống bán phá giá, trong khi Trung Quốc là khách hàng lớn nhất đối với sản phẩm này. Nếu vòng đàm phán thất bại, nông nghiệp Mỹ chính là ngành chịu tổn thương nặng nề bậc nhất.
Thuế với ô tô
Sau khi đánh thuế 25% đối với các phương tiện nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc đã tạm thời gỡ bỏ hàng rào này kể từ 1/1/2019. Thực tế, việc áp thuế của Trung Quốc khiến tất cả các nhà sản xuất xe hơi sản xuất xe tại Mỹ bán vào Đại lục chịu tác động tiêu cực, bao gồm Tesla Inc, BMW AG và Daimler AG. Doanh số bán xe tại Trung Quốc đã giảm trong 6 tháng liên tiếp tính tới tháng 11/2018 và nhiều khả năng chưa dừng lại.
Khả năng thâm nhập ngành ngân hàng
Trung Quốc từng cam kết sẽ mở rộng cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại lĩnh vực tài chính, nhưng chưa có nhiều bước tiến đáng kể.
Tới tháng 11/2018, UBS Group AG trở thành tổ chức tài chính ngoại đầu tiên giành quyển kiểm soát một liên doanh hoạt động tại lĩnh vực chứng khoán, đánh dấu bước tiến lớn trong việc mở cửa thị trường tài chính tại quốc gia này. Trong khi đó, JPMorgan Chase & Co và Nomura Holdings Inc vẫn đang đợi được chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% tại các doanh nghiệp hoạt động ở Trung Quốc.
Theo ước tính của Bloomberg Economics, các nhà băng và công ty chứng khoán ngoại có thể kiếm lợi nhuận lên tới 32 tỷ USD/năm cho tới năm 2030 khi hoạt động tại Trung Quốc.