4 lý do tiền điện tử còn lao dốc

4 lý do tiền điện tử còn lao dốc

(ĐTCK) Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có nhiều mối lo trong tuần qua, từ việc giá cổ phiếu giảm mạnh, những tín hiệu của thị trường giá xuống, cổ phiếu công nghệ mất vị trí con cưng… Tuy nhiên, họ vẫn có thể vui mừng phần nào vì đã không rót tiền vào tiền điện tử. Trong tuần trước, giá của Bitcoin đã giảm thêm hơn 25%, khiến đồng tiền này giảm giá hơn 75% so với mức đỉnh vào tháng 12/2017. Các đồng tiền điện tử khác thậm chí còn giảm mạnh hơn.

Đà giảm mới nhất này diễn ra sau gần 1 năm thị trường tiền điện tử trở nên sôi động. Có một vài yếu tố dẫn tới diễn biến này và một số yếu tố có khả năng kéo các đồng tiền điện tử tiếp tục lao dốc trong thời gian tới. 

Rủi ro thị trường và hạ tầng

Đa phần các đồng tiền điện tử đang giao dịch tại các nền tảng điện tử mà thiếu sự kiểm soát của chính quyền. Điều này cho phép nhà đầu tư trở nên tự do hơn nhưng đồng thời cũng phải chấp nhận những rủi ro lớn.

Chẳng hạn, một nghiên cứu của Đại học Texas đã chỉ ra các chứng cứ cho thấy, Bitfinex – một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, là tổ chức tạo ra đồng tiền Tether, đã sử dụng các thủ thuật để tăng giá đồng Bitcoin và một số đồng tiền điện tử khác.

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, mỗi đơn vị Tether đều được đảm bảo bằng đồng USD tại tài khoản ngân hàng, nhưng Bitfinex không thể chứng minh được sàn này có tài khoản ngân hàng. Rất nhiều nhà đầu tư đã buộc phải bán tháo đồng Tether để vớt vát phần nào vốn.

Một sàn giao dịch khác cũng khiến nhà đầu tư “hoảng hốt” là OKEx khi tự ý thay đổi một số quy tắc giao dịch mà không có thông báo trước. Amber AI – một quỹ đầu cơ lớn đã công bố thông tin cảnh báo rằng, việc thay đổi quy định của OKEx khiến các nhà đầu tư mất hàng triệu USD. 

Được kiểm soát bởi các… lập trình viên

Mạng lưới Bitcoin được tạo ra từ một mã nguồn mở từ tháng 1/2009. Kể từ đó, cộng đồng Bitcoin làm việc với nhau để phát triển hệ thống này. Tuy nhiên, sự gắn bó đã đổ vỡ. Năm ngoái, sau những bất đồng, một nhóm các nhà phát triển đã tách ra và công bố phiên bản mới của Bitcoin với một số quy định khác nhau và tạo ra đồng tiền mới tên Bitcoin Cash.

Những nhà phát triển Bitcoin Cash thường xảy ra xung đột và trong tuần trước, nhóm này đã chia làm 2, trở thành Bitcoin ABC và Bitcoin SV. Các đồng tiền mới này không thay thế cho đồng Bitcoin ban đầu, nhưng lại tạo ra sự hỗn độn trên thị trường tiền điện tử vì tính chất tương tự, thậm chí, ngay cả các sàn giao dịch cũng khó khăn khi xác định nhà đầu tư đang giao dịch đồng tiền nào. Chưa kể, những cuộc chiến này làm dấy lên mối nghi ngờ về một trong những yếu tố thu hút cơ bản của tiền điện tử, đó là sự khan hiếm.

Các nhà sáng lập Bitcoin cho biết, chỉ có 21 triệu Bitcoin được tạo ra. Vậy nhà đầu tư phải ứng xử như thế nào với thêm 21 triệu Bitcoin Cash, và hiện tại là thêm Bitcoin ABC, Bitcoin SV? 

Chưa đi vào thực tiễn

Bitcoin được tạo ra với mục tiêu trở thành phương thức thanh toán dễ dàng hơn, rẻ hơn xuyên biên giới và các đồng tiền điện tử khác cũng có mục tiêu tương tự. Nhưng cho tới nay, thứ duy nhất trở nên phổ biến là hoạt động đầu cơ trên thị trường tiền điện tử.

Đáng chú ý, ngay cả các nhà phát triển cũng phàn nàn rằng, Bitcoin, Ethereum và đa số các đồng tiền điện tử khác gặp các vướng mắc về kỹ thuật khiến khó có thể đưa vào giao dịch trong thế giới thực. Cộng đồng tiền điện tử đang tìm cách tháo gỡ những khó khăn này, nhưng rõ ràng tiến trình rất chậm và các đồng tiền điện tử vẫn chưa thể góp mặt vào cuộc sống thường nhật. 

Chính phủ vào cuộc

Trong bài phát biểu tuần trước, bà Christine Lagarde, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhắc tới việc tại sao các ngân hàng trung ương nên thiết kế đồng tiền điện tử tương tự như Bitcoin, trong bối cảnh, một số quốc gia đã trải nghiệm điều này.

Theo đó, bà Lagarde nhấn mạnh tới việc, nếu các ngân hàng trung ương vào cuộc, việc quản lý thị trường tiền điện tử sẽ trở nên hiệu quả hơn, góp phần đáng kể vào cải thiện hệ thống thanh toán, đồng thời hạn chế được nhiều rủi ro về niềm tin, quy định trên thị trường còn hỗn loạn hiện tại. Như vậy, trong thời gian tới, không loại trừ khả năng các ngân hàng trung ương sẽ trực tiếp tham gia vào thị trường điện tử và chắc chắn sẽ làm tốt hơn các nhà phát triển tiền điện tử hiện tại.

Tin bài liên quan