2019 sắp qua, vận rủi vẫn đeo bám Boeing

2019 sắp qua, vận rủi vẫn đeo bám Boeing

(ĐTCK) Năm 2019 rõ ràng không phải là năm của Boeing Co khi tới tận những ngày cuối tháng 12, nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới này phải nhận thêm nỗi đau khi tàu vũ trụ Starliner của hãng gặp thất bại.

Cuối tuần trước, tàu vũ trụ không người lái của Boeing - nhà thầu quốc phòng được NASA rót tiền cho dự án tàu vũ trụ mang tên Starliner đã được đưa vào phóng thử nghiệm, nhưng thất bại.

NASA thuê cả Boeing và SpaceX phát triển phương tiện tái sử dụng nhằm chở phi hành gia qua lại giữa Trái Đất và Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Từ sau khi ngừng vận hành tàu con thoi vào năm 2011, NASA phụ thuộc vào tàu Soyuz của Nga trong việc tiếp cận phòng thí nghiệm trên quỹ đạo.

Trước đó, cả Boeing và SpaceX đều đặt mục tiêu thử nghiệm bay có người lái vào năm 2020.

Thất bại của Starlines giáng thêm một cú đòn vào di sản cả thế kỷ của hãng sản xuất thiết bị hàng không hàng đầu này, nhất là khi năm 2019 đã phải hứng chịu rất nhiều áp lực.

Trước đó, vào tháng 10/2019, khi điều trần trước Quốc hội Mỹ, CEO Dennis Muilenberg của Boeing đã lên tiếng thừa nhận sai lầm có liên quan tới 2 vụ tai nạn máy bay 737 Max của hãng trong vòng 1 năm qua khiến 346 người thiệt mạng.

Theo đó, có một số vấn đề an toàn máy bay và hãng đã sơ suất không thông báo đầy đủ cho phi công về những thay đổi đã được thực hiện trên dòng máy bay bán chạy nhất lịch sử này.

Những diễn biến xấu trong thời gian qua, khiến nhiều kế hoạch của Boeing bị trì hoãn, trong đó có việc lùi thời gian thực hiện chuyến bay đầu tiên đối với thế hệ máy bay mới 777X sang đầu năm 2020.

Đáng chú ý, dòng 777X được nhận định là đối thủ hàng đầu với dòng A350 của nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus.

Trong bối cảnh này, các cổ đông của hãng cũng bắt đầu cảm nhận “nỗi đau”, khi giá cổ phiếu Boeing chỉ tăng 1,7% kể từ đầu năm tới nay, kém xa mức tăng 29% của chỉ số S&P 500 và là con số thấp nhất kể từ năm 2001.

“Boeing đang gặp vấn đề nghiêm trọng về hình ảnh xuất phát từ sự thể hiện, cũng như kế hoạch thực hiện các chiến lược của người lãnh đạo”, Richard Aboulafia, chiến lược gia ngành hàng không tại Teal Group nhận định.

Cùng quan điểm, Wall Street Journal, Financial Times và Economist cùng lên tiếng kêu gọi trục xuất CEO hiện tại với góc nhìn rằng, người đứng đầu Boeing đã phản ứng chậm chạp trước thảm họa tai nạn máy bay năm 2018 và thiếu minh bạch trong việc cung cấp thông tin liên quan tới các lỗi phần mềm của dòng máy bay 737 Max.

Tờ Economist mô tả cách phản ứng của Boeing là “một tập hợp xấu xí của sự vô cảm, lảng tránh và ngông nghênh”.

Steve Dickson, người đứng đầu Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng lên tiếng chỉ trích CEO Dennis Muilenberg về việc hấp tấp thúc giục nhà quản lý, thay vì tập trung vào chất lượng và tuân thủ các quy định của FAA.

Mặc dù đón nhận nhiều chê trách, nhưng Dennis Muilenberg lại có trợ lực là lòng tin từ Ban lãnh đạo Boeing. Chủ tịch Boeing Dave Calhoun chia sẻ: “Ban lãnh đạo Công ty có sự tự tin vào Muilenberg” và việc cắt chức CEO hiện tại chỉ khiến Công ty rơi sâu vào khủng hoảng.

Trong bối cảnh hiện tại, giới chuyên gia nhận định, Boeing sẽ chỉ phục hồi cho tới năm 2022 hoặc xa hơn nữa, khi nhà chế tạo và cung cấp linh kiện lớn nhất là Spirit AeroSystems Holdings Inc tạm ngừng sản xuất sản phẩm liên quan tới 737 Max vô thời hạn.

Trong khi đó, Airbus SE đang tận dụng tốt cơ hội để gia tăng sản lượng và nắm chắc hơn nữa vị trí dẫn đầu đối với phân khúc cốt yếu là máy bay cánh đơn, khi sản phẩm A321neo của hãng này đang giữ ngôi vương.

Tới nay, United Airlines Holdings Inc, American Airlines Group Inc và JetBlue Airways Corp là những tên tuổi mới nhất đặt hàng dòng sản phẩm A321 của Airbus thay thế sản phẩm của Boeing.

Tin bài liên quan