Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Chiều 17/11, tại phiên làm việc cuối kỳ, với sự biểu quyết tán thành của 466 đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Có 466 đại biểu tham gia biểu quyết. Kết quả có 443 đại biểu đồng ý, đạt tỷ lệ 91,91%; 16 đại biểu không tán thành, chiếm tỷ lệ 3,32% và 7 đại biểu không biểu quyết, chiếm tỷ lệ 1,46%. Với đại đa số ý kiến tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 để Chính phủ có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng các văn bản quy định chi tiết.

Riêng thời điểm có hiệu lực về nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường, để thực hiện đồng bộ với thi hành Luật Đầu tư công, xin Quốc hội cho thực hiện sớm hơn so với hiệu lực chung của Luật. Theo đó, khoản 3 Điều 29 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.

Tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, dự thảo luật đã chỉnh lý quy định thẩm quyền cấp giấy phép môi trường gắn với thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), quy định rõ thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện trong việc cấp giấy phép.

Về thời điểm cấp giấy phép môi trường, dự án nhóm III là dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Do đó, thời điểm cấp giấy phép đối với nhóm III, dự thảo Luật quy định được thực hiện tương tự thời điểm phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm bảo đảm các vấn đề môi trường được xem xét trước khi dự án triển khai như quy định tại điểm b khoản 2 Điều 42 Dự thảo Luật.

Giải trình thêm quy định về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật chỉ đưa ra nguyên tắc để chính quyền địa phương xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý, trong quá trình xây dựng sẽ căn cứ vào các yếu tố khác như công nghệ, cách thức thu gom, tổ chức như Đại biểu Quốc hội nhận xét để đưa ra quy định cho phù hợp.

Về lộ trình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo tính khả thi, nếu quy định sớm hơn thì nhiều địa phương chưa có điều kiện thực hiện.

Do đó, đề nghị cho phép lộ trình thực hiện việc phân loại và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024 như tại khoản 7 Điều 79.

Tin bài liên quan