Quốc hội thận trọng với diễn biến kinh tế

(ĐTCK) Đánh giá về báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sáng 20/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nền kinh tế có chuyển biến nhưng chưa vững chắc.
hó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo kinh tế xã hội nửa đầu năm 2014 trước Quốc hội (Ảnh: Dân trí)

hó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo kinh tế xã hội nửa đầu năm 2014 trước Quốc hội (Ảnh: Dân trí)

Theo báo cáo của Chính phủ, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2013, có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Có 3 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch (tốc độ tăng trưởng GDP, tạo việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo) và 2 chỉ tiêu không đạt (tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ giảm hộ nghèo). Như vậy, so với số đã báo cáo Quốc hội, có 9 chỉ tiêu đạt cao hơn và 2 chỉ tiêu thấp hơn.

Trong 4 tháng đầu năm, kết quả là tích cực, kinh tế vĩ mô có xu hướng ổn định hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 12/2013 tăng 0,88%, thấp nhất trong 4 năm qua. Nền kinh tế tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, giá cả, thị trường cơ bản ổn định.

Về phát triển doanh nghiệp, trong 4 tháng đầu năm 2014, cả nước có 25.729 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 8,1% với số vốn đăng ký 143.408 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Có 21.489 doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động; 5.863 doanh nghiệp ngừng hoạt động, nay quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, báo cáo đánh giá do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phân tích rằng, hiện tổng cầu nội địa còn yếu, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 chỉ tăng 12,6%, thấp hơn nhiều so với con số trung bình khoảng 20% trong các năm trước năm 2011 và thấp hơn mức tăng 16% của năm 2012.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc phát hành trái phiếu chính phủ quy mô lớn nhưng chủ yếu qua ngân hàng thương mại chiếm 86% tổng nguồn huy động sẽ ảnh hưởng đến tín dụng cho sản xuất - kinh doanh. Việc này còn tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất và chi phí vốn vay. Đây là nguyên nhân khiến DN khó tiếp cận vốn tín dụng.

Ủy ban Kinh tế đánh giá tiến độ giải ngân gói hỗ trợ nhà ở xã hội đạt thấp, đến 15/3/2014 mới giải ngân được 1.322 tỷ đồng cho 3.023 khách hàng.

Lượng hàng tồn kho bình quân tiếp tục xu hướng giảm nhẹ còn 73,7%, nhưng vẫn cao hơn ngưỡng thông thường các năm, khoảng 65%. Số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng cao so với năm 2012 (tăng 11,9%). Nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản, nợ công ngắn hạn đến hạn và quy mô trả nợ ngày càng lớn.

Về tình hình xã hội, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng lên do sản xuất vẫn gặp khó khăn, đáng chú ý là trong số lao động thất nghiệp, số người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chiếm tỷ lệ khá cao.

Ngoài ra, năng suất lao động và chất lượng lao động chậm cải thiện so với yêu cầu, tỷ lệ người lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ còn thấp, tỷ lệ người lao động trong khu vực phi chính thức có xu hướng tăng lên, tỷ lệ giảm nghèo năm 2013 sụt giảm so với những năm trước...

Mặc dù Chính phủ đã đề ra 7 nhóm giải pháp cụ thể nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ cần dự báo, đánh giá và có các giải pháp xử lý sát tình hình trước những diễn biến phức tạp, khó lường từ tình hình quốc tế, khu vực và trong nước.

Đó là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng đồng thời tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất; phân bổ hợp lý trong năm và phấn đấu cả năm đạt mức tăng trưởng tín dụng 12 - 14%,

Đồng thời, tập trung các giải pháp tăng tổng cầu ở mức hợp lý, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý. Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, ODA; điều chuyển vốn của các dự án, công trình chậm tiến độ cho các công trình quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2014, tạo điều kiện tăng năng lực sản xuất, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế.

Ngoài ra, một số đại biểu Quốc hội đánh giá, việc điều chỉnh quản lý đầu tư công vừa qua của Chính phủ là sự thành công bước đầu, nhất là kiểm soát chặt chẽ từ chủ trương đầu tư đến xem xét phân bổ nguồn vốn từng dự án, công trình, từng địa phương... đã khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, giảm lãng phí.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, các dự án sử dụng vốn từ nguồn 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ phát hành bổ sung thêm sẽ phát huy hiệu quả rõ rệt vào những tháng cuối năm 2014. Dù vậy, vẫn cần quản lý đầu tư công chặt chẽ hơn nữa, quyết tâm cắt bỏ những bất hợp lý, quy trách nhiệm dến cùng với người đứng đầu khi vi phạm hoặc để lãng phí xảy ra.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xử lý hiệu quả hơn vấn đề tồn kho hàng hóa, nợ xấu DN, nợ xấu ngân hàng, nợ xây dựng cơ bản. Đồng thời, nâng cao tính ổn định và lành mạnh các thị trường chứng khoán, bất động sản, tiền tệ.

“Cần nhìn rõ thực trạng và đưa ra giải pháp cụ thể “

Đại biểu quốc hội Trần Du Lịch

Về thách thức tổng cầu thấp thì các giải pháp đưa ra chưa có tác dụng đáng kể. Bên cạnh báo cáo, Chính phủ cần quan tâm hơn những phân tích của Ủy ban Kinh tế về những vấn đề đang đặt ra. Chúng ta cần quyết sách mạnh mẽ hơn, đặc biệt củng cố niềm tin cho thị trường là sẽ ổn định được vấn đề tỷ giá, giá vàng và tâm lý của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI sau sự cố vừa rồi.

Những năm vừa qua, ta giữ được đà tăng xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng khá là nhờ khu vực FDI. Do đó, cần có biện pháp mạnh mẽ hơn để giữ được sự phát triển của khu vực này. Báo cáo cần thừa nhận và phân tích rõ hơn rằng, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế còn khá chậm, cần giải pháp cấp bách hơn, ví dụ, công nghiệp hỗ trợ thế nào…

Báo cáo của Chính phủ đã nêu được con số, nêu được vấn đề, nhưng bản chất vấn đề thì báo cáo thẩm định của Ủy ban Kinh tế cần làm rõ hơn và tôi mong rằng, kỳ họp này, Quốc hội có những quyết sách mạnh mẽ hơn theo các kiến nghị của Ủy ban Kinh tế.

Tin bài liên quan