Kỳ vọng Trung Quốc sẽ thắt chặt các quy định về môi trường đã củng cố đà tăng đối với giá đồng, vì đây được xem là yếu tố quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Theo đó, Chỉ số giao ngay hàng hóa Bloomberg tiếp tục lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ.
Các nhà phân tích hàng hóa của Goldman Sachs cho biết, một “kịch bản Goldilocks” có thể đang hình thành khi tăng trưởng toàn cầu kết hợp với áp lực tiền lương hạn chế và chính sách tiền tệ ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Trong đó, Goldilocks trong kinh tế được hiểu là sự duy trì tăng trưởng kinh tế nhờ vào chính sách tiền tệ nới lỏng.
Bên cạnh đó, rủi ro đối với bất kỳ ai đặt cược vào lợi nhuận cao từ cổ phiếu và trái phiếu chính là sự gia tăng nguyên liệu thô dẫn đến lạm phát tăng và cuối cùng buộc các ngân hàng trung ương phải thực hiện chính sách thắt chặt.
Vivek Dhar, nhà phân tích hàng hóa tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho biết, quặng sắt “đang rất, rất nóng. Nguồn cung vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu mạnh mẽ đó”.
Ngày 10/5, giá quặng sắt tương lai ở Singapore đã tăng lên mức kỷ lục trên 226 USD/tấn và kéo dài mức tăng của năm nay lên khoảng 40%. Các nhà sản xuất quặng sắt đã dẫn đầu mức tăng trong Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương, trong khi chỉ số chứng khoán của Úc đang giao dịch gần mức cao nhất mọi thời đại vì quặng sắt là nguồn xuất khẩu lớn nhất của Úc.
Đồng thường được xem là thước đo sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu cũng tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 10.639 USD/tấn trên Sàn giao dịch kim loại London.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs do chiến lược gia Sabine Schels dẫn đầu đã viết: “Đồng vẫn là một cuộc đánh cược dài hạn được yêu thích trong khu phức hợp hàng hóa, vì nhu cầu phát triển xanh được thiết lập trong khi phía cung hoàn toàn không được chuẩn bị”. Họ cho biết, đồng có thể tăng lên 11.000 USD/tấn trong 12 tháng và lên 14.000 USD/tấn vào năm 2024.
Sam Spring, Giám đốc điều hành của Kincora Copper cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Nguồn cung đã bị thiếu hụt nghiêm trọng trong thời gian gần đây với các dự án kích cầu, nhu cầu xe điện và quá trình khử cacbon, khiến giá tăng vọt. Trước khi Covid và giá đồng tăng đột biến, bạn đã phải vật lộn với ngành công nghiệp để giữ cho nguồn cung không đổi. Đầu tư từ chu kỳ hàng hóa cuối cùng đã đạt đỉnh và không có nhiều dự án mới được khởi động sau giai đoạn 2015 - 2016”.
Sự bùng nổ giá quặng sắt diễn ra khi các nhà sản xuất thép của Trung Quốc duy trì mức sản lượng trên 1 tỷ tấn mỗi năm, bất chấp một loạt biện pháp hạn chế sản xuất nhằm giảm lượng khí thải cacbon và kiềm chế nguồn cung. Những biện pháp đó đã thúc đẩy giá thép và lợi nhuận tại các nhà máy để cho phép họ thích ứng tốt hơn với chi phí quặng sắt cao hơn và khả năng sản xuất có nhiều hạn chế hơn về môi trường.
Các nhà sản xuất thép của các quốc gia còn lại của thế giới chẳng hạn như ArcelorMittal SA cũng đang hưởng lợi từ sự bùng nổ khi nhu cầu tăng trở lại từ mức thấp của đại dịch.
“Có khả năng nhu cầu của các nước ngoài Trung Quốc có thể quay trở lại đến mức chúng tôi vẫn thấy nhu cầu thép tăng trên toàn cầu và điều đó sẽ khiến nhu cầu quặng sắt vẫn ở mức cao này”, chiến lược gia Vivek Dhar cho biết.
Các trader sẽ theo dõi chặt chẽ cách phản ứng của Trung Quốc về giá thép. Hãng thông tấn Tân Hoa xã đã đưa tin hôm Chủ nhật (9/5) và trích dẫn một phân tích từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc rằng, các nhà sản xuất tàu biển và hàng gia dụng cuối cùng sẽ không thể chịu được giá thép tăng cao. Báo cáo cho biết, rất khó để thép tiếp tục tăng giá.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc đã lên lịch kiểm tra trên toàn quốc về việc cắt giảm công suất thép. Theo một tuyên bố hôm thứ Hai (9/5), Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc kêu gọi cơ quan quản lý tài sản nhà nước và các nhóm công tác cấp tỉnh hoàn thành việc tự kiểm tra trước ngày 15/5. Sau đó các nhà chức trách sẽ tiến hành kiểm tra tại chỗ vào tháng 6 và tháng 7.