Quảng Ninh thu hút FDI vào KCN và KKT gấp 11,5 lần năm ngoái

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) Quảng Ninh trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng gần 11,5 lần, vốn đầu tư trong nước tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh cho rằng, đây là kết quả của những nỗ lực bền bỉ trong mục tiêu tạo dựng điểm đến tin cậy cho giới đầu tư – kinh doanh.

Bức tranh thu hút vốn đầu tư của các khu kinh tế, khu công nghiệp Quảng Ninh đang như thế nào, thưa ông?

Sau 9 tháng, Ban Quản lý KKT đã cấp mới giấy chứng nhận đầy tư cho 13 dự án, trong đó có 2 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 515 triệu USD và 11 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 1.663,582 tỷ đồng.

Điều chỉnh tăng vốn cho 4 dự án FDI với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 26,86 triệu USD. Tính chung 9 tháng đầu năm 2014, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 13.093,66 tỷ đồng.

Cũng phải nói thêm, đây là năm có tổng vốn FDI mới và tăng thêm vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh cao nhất từ trước tới nay. 

Lũy kế đến nay, các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 224 dự án đầu tư ngoài ngân sách còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1.613,09 triệu USD và 33.220,14 tỷ đồng (46 dự án FDI và 179 dự án đầu tư trong nước).

Trong số này, 72 dự án (24 dự án FDI và 48 dự án DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1.235,05 triệu USD và 16.269,28 tỷ đồng đầu tư trong KCN. KKT Vân Đồn hiện có 73 dự án (5 dự án FDI và 68 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 131,39 triệu USD và 10.371,6 tỷ đồng.

Các KKT cửa khẩu hiện có 79 dự án (17 dự án FDI và 62 đầu tư trong nước), tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 246,65 triệu USD và 6.579,26 tỷ đồng).

Quảng Ninh đã hoàn thành dứt điểm các tuyến đường huyết mạch, động lực cho phát triển các địa bàn cửa khẩu, biên giới. Ảnh: Thanh Tân

Quảng Ninh đã hoàn thành dứt điểm các tuyến đường huyết mạch, động lực cho phát triển các địa bàn cửa khẩu, biên giới. Ảnh: Thanh Tân

Những con số và xu hướng tăng lên này phần nào nói lên được sức hấp dẫn về hạ tầng các KKT, KCN của tỉnh Quảng Ninh?

Đúng vậy. Có thể nói kết cấu hạ tầng KCN, KKT của tỉnh đang được quan tâm tập trung đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển.

Quảng Ninh hiện có 11/14 địa phương (cấp huyện) có quy hoạch KCN, KKT với tổng diện tích 368.434,3ha (gồm 206.434,3 ha diện tích đất tự nhiên và 162.000 ha mặt biển), bằng 33,8% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh.

Quảng Ninh có 11 KCN, với tổng diện tích khoảng 11.736,71 ha. Trong đó, 4 KCN là Cái Lân, Việt Hưng, Hải Yên, Đông Mai đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất. Các KCN đi vào hoạt động về cơ bản được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật cấp điện, nước, thoát nước và hệ thống xử lý nước thải tập trung. Diện tích lấp đầy đạt trên 55%.

3 KCN Hoành Bồ, Cảng biển Hải Hà giai đoạn 1 và KCN Phương Nam đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và tiến hành các thủ tục đầu tư.

4 KCN còn lại đang thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư.

Về khu kinh tế ven biển, KKT Vân Đồn có tổng diện tích 217.133 ha, trong đó diện tích đất tự nhiên 55.133 ha, phần vùng biển 162.000 ha.

3 Khu kinh tế cửa khẩu có tổng diện tích 144.644 ha gồm Móng Cái với diện tích 121.197 ha (diện tích đất liền là 66.197ha, diện tích mặt nước biển là 55.000ha); Hoành Mô - Đồng Văn với diện tích 14.236 ha; Bắc Phong Sinh có diện tích 9.302 ha.

Hiện nay, các KKT cửa khẩu đang được tập trung ưu tiên hoàn thiện công tác quy hoạch để từng bước thu hút đầu tư.

Như vậy, Quảng Ninh đã chuẩn bị khá kỹ cho việc đón bắt cơ hội đến từ hoạt động thu hút các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Ông có thể cho biết rõ hơn về sự chuẩn bị này?

Trước những cơ hội, thách thức và hạn chế yếu kém đan xen nhau, Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Điều này đã được thể hiện rõ ở một số nội dung.

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hoạt động xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới, tạo chuyển biến về tư duy, hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Từng năm đều xác định rõ chủ đề để định hướng, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện.

Thứ hai, những “nút thắt” trong hoạt động đầu tư kinh doanh từng bước được tháo gỡ, môi trường đầu tư được cải thiện. Hệ thống quy hoạch toàn tỉnh đang được triển khai đồng bộ, đảm bảo chất lượng cao từ cấp tỉnh đến cấp huyện trong một tổng thể thống nhất. Trong đó, các quy hoạch quan trọng đều do các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới thực hiện, các quy hoạch đều có sự tham gia tích cực của các chuyên gia đầu ngành và đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân.

Tỉnh đã quan tâm hoàn thiện thể chế, chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, trọng tâm là xây dựng và triển khai Đề án Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và Đề án xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn... với đề xuất 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù ưu đãi đặc biệt dành cho tỉnh Quảng Ninh theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 108-TB/TW ngày 01/10/2012.

Quảng Ninh đã hoàn thành dứt điểm các tuyến đường huyết mạch, động lực cho phát triển các địa bàn cửa khẩu, biên giới. Đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô, vùng sâu, vùng xa. Phát triển hạ tầng thương mại, thông tin, văn hóa, thể thao, du lịch... Khởi công đường cao tốc nối Hạ Long với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tỉnh đang mời gọi đầu tư dự án động lực như Đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái; Cảng hàng không Vân Đồn...

Bên cạnh đó, hoạt động cải cách thủ tục hành chính được thực hiện quyết liệt. Điều chỉnh đơn giản hóa 80% thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh theo hướng rõ ràng, công khai, minh bạch. Thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và 5 huyện, thị xã, thành phố và thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư. 

Thứ ba, hoạt động xúc tiến đầu tư từng bước được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp. Quá trình triển khai dự án đều được thực hiện theo cơ chế một cửa và trong trường hợp cần thiết, được báo cáo trực tiếp và do Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết. Các nhà đầu tư đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ ở mức cao nhất, với các thủ tục đầu tư nhanh gọn và minh bạch.

Chúng tôi tập trung xác định rõ ngành, lĩnh vực, dự án trọng điểm và nhà đầu tư chiến lược. Tỉnh đã đón tiếp, làm việc, phục vụ khảo sát cho 130 lượt đoàn nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Thứ tư, tiếp tục cải thiện các bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh (xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố). Chỉ số cơ sở hạ tầng năm 2013 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 19/63 tỉnh/thành. 

Cuối cùng, tỉnh luôn chủ động đảm bảo vấn đề an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh..., qua đó tạo được niềm tin, hình ảnh về môi trường đầu tư an toàn, ổn định để các nhà đầu tư yên tâm, tiếp tục đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Vậy trong cái chung đó, vai trò của Ban quản lý KKT Quảng Ninh được xác định thế nào, thưa ông?

Có thể khẳng định, chúng tôi đã chủ động và mạnh dạn tham mưu đề xuất với tỉnh và các bộ, ngành Trung ương kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với khá nhiều đột phá.

Ban đã thực sự là đầu mối liên hệ với nhiều bộ, ngành Trung ương, giải quyết nhiều công việc quan trọng liên quan đến các dự án lớn như Sân bay Vân Đồn, Dự án Khu công viên phức hợp có Casino, các dự án trong KKT cửa khẩu Móng Cái, KCN Cảng biển Hải Hà, KCN Dịch vụ Đầm Nhà Mạc... 

Ban đã xây dựng xong quy hoạch xây dựng hệ thống các KCN, KKT phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển ngành, địa phương và vùng lãnh thổ. Huy động được lượng vốn đầu tư đáng kể từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Chúng tôi đã có đóng góp không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đa dạng hoá ngành nghề, nâng cao trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh và mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm.

Chỉ tính riêng khối doanh nghiệp FDI đã tạo ra khoảng 6.000 việc làm mới và có tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu lao động... 

Tin bài liên quan