Hạ tầng giao thông là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Ninh nhìn nhận điều này như thế nào, thưa ông?
Để tạo ra bước phát triển lớn trong thời gian qua, Quảng Ninh đã thực hiện đồng thời cả 3 mục tiêu đột phá chiến lược, gồm phát triển hạ tầng giao thông, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực.
Tỉnh xác định, cho dù đã có cơ chế mềm, mà hạ tầng cứng không đáp ứng thì cũng khó có thể thu hút các nguồn lực đầu tư, bởi hạ tầng giao thông chính là tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để phân bổ lực lượng sản xuất, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Khi hạ tầng giao thông của Quảng Ninh phát triển đồng bộ, sẽ mở rộng không gian kinh tế, kết nối và thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh phát triển.
Lấy ví dụ, nếu cây cầu Bãi Cháy không được đầu tư xây dựng, hoạt động giao thương giữa hai bên bờ sông Cửa Lục đến nay vẫn phải dùng phà thì phát triển kinh tế sẽ rất khó khăn. Hay như đường Quốc lộ 18 chạy qua Quảng Ninh mà không cải tạo, nâng cấp thì Quảng Ninh làm sao có thể hút được các dòng vốn đầu tư lớn, lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm như thời gian qua, cho dù cơ chế có mở đến đâu.
Ông Nguyễn Đức Long
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Quảng Ninh như Texhong, Yazaki, Rent A Port… đã chia sẻ, trước đây họ không đầu tư vào Quảng Ninh cũng vì lý do giao thông không thuận lợi, chi phí vận tải và thời gian quá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Nhưng giờ, họ không những có mặt ở Quảng Ninh, mà còn có dự định mở rộng kinh doanh. Đặc biệt, khi Quảng Ninh đã xác định chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành du lịch, dịch vụ, đưa ngành này thành mũi nhọn, thì yếu tố giao thông thuận lợi càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Động lực này đã được Quảng Ninh xác định thế nào trong Chiến lược Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh chuyển dịch theo hướng phát triển dịch vụ, công nghiệp. Quảng Ninh sẽ là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại…
Để thực hiện những mục tiêu trên, Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Một trong các giải pháp đó là tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược. Hoàn thành và đầu tư mới các dự án kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại như hệ thống đường cao tốc, sân bay, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế, nhất là đối với các địa bàn trọng điểm như TP. Hạ Long, hai khu kinh tế Vân Đồn, Móng Cái.
Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách hành chính theo hướng phát huy vai trò tích cực của chính quyền điện tử gắn với hoạt động hiệu quả của các trung tâm hành chính công, lấy hiệu quả phục vụ, sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp làm thước đo. Tạo môi trường thuận lợi thực sự để đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, thái độ văn minh, lịch sự gắn với tăng cường kỷ cương công chức, đổi mới chế độ công chức, công vụ.
Mục tiêu đã rõ, vậy đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông của Quảng Ninh sẽ được triển khai ra sao, thưa ông?
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, chúng tôi đang tập trung cao nhất nguồn lực về tài chính để hoàn thiện việc xây dựng đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Trong đó, đoạn Hải Phòng - Hạ Long đã được triển khai với 2 dự án thành phần là Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư 7.600 tỷ đồng và Dự án Đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng, được đầu tư bằng ngân sách tỉnh với tổng vốn là 6.400 tỷ đồng. Đoạn tuyến này sẽ được hoàn thành trong quý I/2018.
Đoạn Hạ Long - Vân Đồn đến nay đã cơ bản thực hiện xong dự án thành phần xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Cẩm Hải (Km0+00 - Km53+600) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18, đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư 10.062 tỷ đồng. Dự án thành phần xây dựng đường cao tốc đoạn Cẩm Hải - Vân Đồn (Km53+600 - Km59 +456) có tổng mức đầu tư 1.652 tỷ đồng cũng đang được nhà đầu tư gấp rút hoàn thành để đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành đồng bộ dự án.
Đoạn Vân Đồn - Móng Cái với chiều dài tuyến khoảng 91 km, tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư để khởi công trong quý III/2017 và hoàn thành việc xây dựng trong năm 2020.
Sau khi hoàn thành đồng bộ đoạn tuyến cao tốc qua Quảng Ninh, thì tuyến đường cao tốc kéo dài từ Móng Cái - Vân Đồn - Hạ Long đến Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai sẽ là tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Bắc Bộ, trực tiếp là các tỉnh mà tuyến cao tốc đi qua, đồng thời thúc đẩy phát triển giao thương quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, phát huy vai trò là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc.
Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh là dự án đầu tiên trên cả nước được giao cho địa phương thực hiện theo hình thức PPP. Dự án do Tập đoàn Sungroup đầu tư xây dựng với tổng vốn gần 7.500 tỷ đồng theo tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4E (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), có thể đón được các máy bay lớn như Boeing 777.
Hồi đầu tháng 2, Quảng Ninh đã đón tin vui khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Quảng Ninh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Hiện Cảng hàng không Vân Đồn đang được tích cực triển khai thi công để hoàn thành đưa vào khai thác vào đầu năm 2018.
Mới đây nhất, ngày 6/6, Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) đã chính thức trở thành điểm trung chuyển trên tuyến hàng hải quốc tế ACS đi qua 6 nước, gồm Ấn Độ, tới Malaysia, Singapore, Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc. Cảng có thể đón các tàu có trọng tải lên đến trên 5.000 TEU. Các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tại Quảng Ninh có hàng hóa đi đến các quốc gia trong tuyến hàng hải này sẽ tiết giảm được khá nhiều chi phí.
Với những dự án trên, nút thắt về hạ tầng giao thông của Quảng Ninh cơ bản đã được tháo gỡ, đáp ứng được nhu cầu hiện tại và tương lai gần. Để hoàn thiện hơn, Quảng Ninh vẫn tiếp tục kêu gọi các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, cả về cảng biển, đường sắt và đường bộ.