Kinh tế golf, du lịch golf là lĩnh vực đầy tiềm năng để thu hút khách quốc tế.

Kinh tế golf, du lịch golf là lĩnh vực đầy tiềm năng để thu hút khách quốc tế.

Quảng Ninh muốn đón khách quốc tế thông qua du lịch golf

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tọa đàm “Du lịch golf – Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế” đã được tổ chức tại Quảng Ninh chiều ngày 23/11. Chương trình do Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn FLC phối hợp tổ chức.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã tập trung bàn thảo về tiềm năng thu hút khách quốc tế thông qua du lịch golf. Trong đó, Quảng Ninh là tỉnh đang có nhiều lợi thế - là một trong 5 địa phương được đón khách quốc tế khi bình thường mới trở lại.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, golf là loại hình du lịch chuyên biệt có mức tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam những năm qua, đã thành công và khẳng định được vị trí trong khu vực và thế giới. Minh chứng là liên tục trong 5 năm liền, từ 2017 - 2021, Việt Nam đều được vinh danh là điểm đến golf tốt nhất châu Á và thế giới.

“Chúng ta có tiềm năng to lớn về golf. Có hạ tầng, có điều kiện thì không có lý gì không phát triển và đã đóng góp vào thành công chung của ngành du lịch. Khách golf là khách ít tiếp xúc, tác động thấp, ở lâu, chi tiêu nhiều, là nhóm khách hàng chất lượng. Du lịch Golf trái ngược với đại trà, đám đông, nên rất an toàn và hiệu quả”, ông Siêu nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của đơn vị nghiên cứu về thị trường, ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng giám đốc VGS Media - Golf News cho biết, thời gian từ năm 2019 - 2020, số người chơi golf trên hệ thống VGS Media - Golf News thống kê được là 26.000 người, nhưng đến 2021 con số này đã tăng lên gần 51.000 người, tức tỷ lệ tăng lên gần 100% chỉ sau 1 năm và sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.

Lấy ví dụ về hiệu quả của du lịch golf, kinh tế golf, ông Minh cho biết: "Hiện trong khu vực thì Thái Lan là nước đi đầu về kinh tế golf, du lịch golf, số lượng sân golf toàn Việt Nam hiện cũng không bằng số sân golf quanh thủ đô Băng Cốc của Thái Lan, vì thế họ mới có thể trở thành điểm đến của cả châu Á, của thế giới. Đây là điều mà Việt Nam có thể học hỏi".

Còn theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, thời gian qua, tỉnh đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và từ đầu tháng 10 đã đẩy mạnh lại du lịch nội địa. Quảng Ninh đã có nhiều kinh nghiệm đón khách quốc tế và tỉnh sẽ xây dựng những chương trình, cụ thể hóa việc đón khách để vừa an toàn cho cộng đồng, cho cả khách du lịch.

Ông Thủy cũng cho biết, Quảng Ninh đã theo dõi sát các diễn biến từ việc Quảng Nam, Kiên Giang đón khách quốc tế sau dịch để rút kinh nghiệm, chuẩn bị kỹ lưỡng và thu xếp ổn thỏa các hạng mục liên quan.

Riêng về thời gian 7 ngày khép kín với các du khách, ông Thủy cho biết, tỉnh và Tổng cục Du lịch đã có những trao đổi và hiểu rằng, 7 ngày là khoảng thời gian dành cho du khách quốc tế tham gia các tour mở rộng ở các địa bàn khác, còn với trường hợp du khách chỉ đến ở, chơi golf và quay về nước thì thời gian này có thể rút ngắn lại.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc FLC Group, tiềm năng khai thác du lịch golf của Việt Nam là vô cùng lớn. Nếu so với 2.200 sân golf của Nhật Bản thì con số 70 sân ở Việt Nam cho thấy dự địa phát triển của chúng ta còn rất lớn, trong đó có việc hướng đến khách du lịch quốc tế.

"Tiềm năng đã có, nhưng để hiện thực hóa thì quan trọng là sự phối hợp, kết nối giữa các bên để tạo nên các sản phẩm du lịch hiệu quả", ông Hùng nói.

Lấy ví dụ cụ thể, ông Hùng cho biết, FLC Hạ Long - là địa điểm được chọn đón khách có hộ chiếu vắc-xin trong hệ thống FLC toàn quốc. Hiện chương trình đón khách quốc tế đang được đưa ra là 7 ngày, 6 đêm, tuy nhiên, nếu tổ chức golftour thì việc rút ngắn thời gian còn 4 ngày, 3 đêm là hợp lý, thuận tiện cho việc thu hút khách và công tác quản lý.

Đồng tình và đánh giá cao tiềm năng đón khách quốc tế thông qua du lịch golf, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Golf Việt Nam cho rằng, ngành du lịch đã nhìn thấy khách hàng tiềm năng, câu chuyện hiện giờ là giải bài toán về giá dịch vụ sao cho cạnh tranh. Điều này cần có sự phối hợp từ doanh nghiệp sân golf, hàng không, lữ hành…

"Trước khi nghĩ đến cạnh tranh với thế giới thì phải tính chuyện cạnh tranh với ngay các nước trong khu vực", ông Linh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Linh cũng cho rằng, nói đến du lịch golf thì không nên chỉ hướng đến khách quốc tế mà phải coi trọng khách nội địa. Trước mắt có thể ưu tiên thu hút khách quốc tế để phù hợp với bối cảnh hiện tại, nhưng về dài hạn thì khách nội địa cần được quan tâm, chăm sóc thường xuyên, làm nền từ đó mới tính chuyện thu hút khách nước ngoài.

Tin bài liên quan