Vùng đất huyền bí
Khi bộ phim bom tấn“Kong: Skull Island” được công chiếu, khán giả trên toàn thế giới đã sửng sốt trước khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp trong bộ phim. Ngay sau đó, những hình ảnh, thông tin về Quảng Bình, Hạ Long…, nơi bộ phim bấm máy quay được tìm kiếm và chia sẻ rộng rãi.
Với khung cảnh hoang sơ, hệ thống hang động hùng vĩ, nhũ đá đa dạng, gần như còn nguyên vẹn, đạo diễn Jordan Vogt Roberts đã đưa cảnh đẹp của Quảng Bình vào những cảnh quay hoành tráng. “Tôi rất ấn tượng với vẻ đẹp của của Phong Nha, Quảng Bình. Một vẻ đẹp hùng vĩ và huyền bí”, đạo diễn Jordan Vogt Roberts nói khi được hỏi về bộ phim.
Quả thật, hiếm nơi nào trên thế giới có hệ thống hang động như ở Quảng Bình. Khi Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới, được mệnh danh là vương quốc hang động với hàng ngàn hang động lớn, nhỏ. Đó là động Thiên Đường, được mệnh danh là “Hoàng cung trong lòng đất”, là hang Sơn Đoòng, hang động tự nhiên lớn nhất thế giới… Bước chân vào những hang động ở Quảng Bình như lạc vào một xứ sở huyền bí và choáng ngợp.
Quảng Bình có cát trắng, nắng vàng, biển xanh, người dân hiền hòa. Ngoài ra, tỉnh còn có sân bay, cảng biển, đủ điều kiện để trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Nếu được các “sếu đầu đàn” như Sun Group, Vingroup, Sovico… hay các tập đoàn nước ngoài đầu tư thì du lịch Quảng Bình sẽ phát triển mạnh mẽ
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng
Không chỉ có hang động, Quảng Bình cũng sở hữu những dải cát ven biển dài nhất Việt Nam, cùng nhiều bãi tắm đẹp, là nơi lý tưởng để đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng. Những giá trị về du lịch nổi bật của Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví là “viên kim cương màu xanh”. New York Times cũng bình chọn Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn nhất châu Á và xếp ở vị trí thứ 8 trên 52; Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp tục là đại diện cho thương hiệu du lịch quốc gia trong quảng bá du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Tận dụng tiềm năng, Quảng Bình đã vươn lên thành điểm sáng của du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành du lịch đón khoảng 17,16 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân 18,05%/năm, tăng 90% so với giai đoạn 2011 - 2015. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 19.200 tỷ đồng.
Mũi nhọn du lịch
Giàu tài nguyên phát triển du lịch, lại có hệ thống giao thông kết nối thuận tiện với các tỉnh, cũng như các địa phương tại Lào, Thái Lan và các trung tâm du lịch lớn qua Cảng hàng không Đồng Hới, Quảng Bình đang trở thành địa chỉ đỏ trong bản đồ du lịch. Vì vậy, thật dễ hiểu khi hàng loạt nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã rót vốn vào đây.
Từ năm 2016 đến nay, Quảng Bình đã phê duyệt chủ trương đầu tư khoảng 59 dự án của nhà đầu tư trong nước về lĩnh vực dịch vụ - du lịch, với tổng mức đầu tư khoảng 21.800 tỷ đồng. Nhiều dự án lớn, tác động tích cực đến du lịch của tỉnh như Dự án quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp của Tập đoàn FLC; Dự án Trung tâm thương mại Vincom; Dự án Khu nghỉ dưỡng Sun Spa Đảo Yến, sân golf Bảo Ninh Trường Thịnh, Khu du lịch suối nước khoáng nóng Bang; Dự án khách sạn Pullman… Các thương hiệu cơ sở lưu trú hàng đầu thế giới và Việt Nam đã đăng ký đầu tư tại Quảng Bình như Pullman, MGallery, Movenpick (Tập đoàn Acor), Melia (Tập đoàn Melia), Radison (Tập đoàn Radison), Wynham (Tập đoàn Wynham), Best Western Premier, TUI Blue (Tập đoàn TUI)...
Ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ, xác định du lịch là mũi nhọn cho phát triển kinh tế nên địa phương nỗ lực để đầu tư hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm mới; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá và liên kết phát triển du lịch. Tỉnh đã tổ chức các hoạt động quảng bá ở nhiều nước trên thế giới, quảng bá du lịch ở Hội chợ Du lịch Travex và Diễn đàn Du lịch châu Á tại Chiang Mai (Thái Lan); xúc tiến du lịch tại Hội chợ VITM London (Vương quốc Anh), Hội chợ ITB Berlin (Đức), chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các nước Tây Âu, Australia, New Zealand… Xúc tiến và mở thành công đường bay quốc tế Đồng Hới - Chiang Mai (Thái Lan), quan tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại địa phương
Định hướng phát triển ngành du lịch giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Bình đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng, phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Quảng Bình là điểm đến hàng đầu tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch giai đoạn 2020 - 2025 của Quảng Bình đạt 10 - 12%. Đến năm 2025, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình đạt 7 triệu lượt khách. Tỷ lệ đóng góp của du lịch đạt 10 - 12% GRDP và ngành du lịch - dịch vụ đạt 50,5 - 55%.
Theo ông Hồ An Phong, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư hạ tầng, bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, phát triển các dự án du lịch, nghỉ dưỡng theo tiêu chí xanh, bền vững.
Với những kỳ quan thiên nhiên có một không hai mà tạo hóa ban tặng, tỉnh Quảng Bình hướng đến đưa ngành du lịch trở thành mũi nhọn phát triển. Chắc chắn, định hướng đúng đắn mà Đảng bộ và chính quyền tỉnh đặt ra, du lịch Quảng Bình sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển của địa phương. Quảng Bình sẽ sớm trở thành trung tâm du lịch của khu vực Bắc Trung bộ, là địa chỉ đỏ trong bản đồ du lịch của thế giới.