Ảnh Internet

Ảnh Internet

Quản vốn nhà nước: Cần chuẩn hóa nhiều quy định

(ĐTCK) “Là một mô hình mới của Chính phủ, được thành lập với mục tiêu tách bạch chức năng sở hữu và quản lý vốn nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cần nâng cao năng lực, tham mưu kiến nghị cơ quan quản lý ban hành thêm những cơ chế chính sách mới nhằm đảm nhận tròn vai của mình hơn nữa”. 

Đây là những kiến nghị được Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh tại Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nhiệm vụ đối với SCIC.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một tồn tại trong công tác chuyên nghiệp hóa hoạt động quản lý vốn nhà nước hiện nay. Đó là tình trạng trì hoãn việc tách bạch quản lý vốn nhà nước, chậm chuyển giao vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do địa phương quản lý về SCIC.

Cụ thể, tại một số địa phương, công tác chỉ đạo người đại diện vốn trong xác định đối tượng thuộc diện chuyển giao và hoàn thiện hồ sơ chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước còn nhiều sai sót, dẫn đến chậm chuyển giao theo quy định. Một số bộ ngành, địa phương chậm xử lý các tồn tại về tài chính, lấy lý do doanh nghiệp chưa đủ điều kiện chuyển giao để trì hoãn việc chuyển giao, nhằm giữ lại các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, hoặc để trực tiếp thực hiện việc thoái vốn.

Chẳng hạn, UBND TP. HCM được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. HCM, trong đó thí điểm giao cho công ty này thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tổng công ty và công ty nhà nước, công ty TNHH hai thành viên trở lên, các công ty cổ phần được chuyển đổi từ các công ty nhà nước độc lập trực thuộc UBND Thành phố. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có tổng kết về việc thí điểm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trực thuộc trên địa bàn. Trong khi theo quy định của Chính phủ đều không có quy định về trường hợp đặc thù của TP. HCM.

Hay UBND Thành phố Hà Nội không chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC theo quy định của Chính phủ.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vi phạm trong quản lý đối với Công ty TNHH Côn Đảo, lợi nhuận hàng năm của công ty này không thực hiện chuyển về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định, không chuyển giao doanh nghiệp, mà thực hiện bán vốn nhà nước tại Công ty TNHH Côn Đảo, sau đó chỉ đạo chuyển cho ngân sách huyện Côn Đảo không đúng quy định.

UBND tỉnh An Giang có văn bản chỉ đạo việc thoái vốn nhà nước đầu tư tại CTCP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang chưa đúng quy định…

Một thách thức khác đối với SCIC là những khó khăn trong công tác quản lý người đại diện. Thanh tra Chính phủ đề cập đến việc SCIC ban hành Quy chế người đại diện vốn theo hướng mở rộng độ tuổi, dẫn đến sự khác biệt trong quy định đối với Người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong việc cử người đại diện đã quá tuổi nghỉ hưu. Đến thời điểm 30/9/2015, còn có 21 người đại diện của SCIC quá tuổi nghỉ hưu.

“Việc ủy quyền người đại diện chủ sở hữu vốn của SCIC tại doanh nghiệp còn chưa thực hiện đầy đủ. Có trường hợp, từ khi tiếp nhận đến thời điểm kiểm tra, SCIC không có văn bản ủy quyền, hoặc đã tiếp nhận một thời gian dài, sau đó mới ban hành văn bản ủy quyền người đại diện, hay là trường hợp người đại diện vốn của SCIC tại doanh nghiệp 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng SCIC không xem xét để thực hiện việc chấm dứt ủy quyền…”, kết luận chỉ rõ.

Tuy hoạt động trong lĩnh vực tài chính bậc cao, đòi hòi cơ chế lương thưởng, đãi ngộ linh hoạt để tuyển dụng được nhân sự tốt, song là doanh nghiệp nhà nước, SCIC phải tuân thủ các quy định theo cơ chế hiện hành. Khối lượng công việc lớn so với khả năng đáp ứng của SCIC dẫn tới việc, nhiều cán bộ SCIC (nhất là đội ngũ lãnh đạo) vừa tham gia đại diện vốn nhà nước tại 4-5 doanh nghiệp lớn, hoặc tham gia quản trị, điều hành tại 5-6 doanh nghiệp, vừa thực hiện các hoạt động quản lý tổng công ty, quản lý các phòng, ban tại SCIC.

Liên quan đến chức năng đầu tư, Thanh tra Chính phủ kết luận rằng, việc đầu tư của SCIC về cơ bản là có lợi nhuận, tuy nhiên, còn một số khoản đầu tư xác định hiệu quả chưa rõ ràng. Đơn cử, khoản đầu tư tăng vốn điều lệ tại CTCP Giao thông Hà Nội thực chất chỉ là đối trừ công nợ cổ tức phải trả của công ty này với SCIC, sau khi đầu tư tăng vốn điều lệ đến nay, công ty vẫn trong tình trạng hoạt động khó khăn, hiệu quả thấp. Hoặc khoản đầu tư hơn 43,3 tỷ đồng vào dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa được Tổng công ty Giấy Việt Nam xác nhận.

Tin bài liên quan