Quản trị rủi ro CTQLQ: khác biệt là do cách nhìn

Quản trị rủi ro CTQLQ: khác biệt là do cách nhìn

(ĐTCK) Sau khi ĐTCK phản ánh bước đầu những quan điểm trái chiều về dự thảo Quy chế quản trị rủi ro của công ty quản lý quỹ (CTQLQ), một số công ty được khảo sát thêm đã đưa ra cái nhìn ủng hộ hơn với dự thảo này.

> Quản trị rủi ro công ty quản lý quỹ: Những quan điểm trái chiều

Những ý kiến trái chiều chủ yếu nhằm vào hai nội dung: Ban đại diện quỹ/khách hàng ủy thác quyết định chính sách quản trị rủi ro của quỹ/danh mục của khách hàng ủy thác; CTQLQ phải xây dựng chiến lược và chính sách quản trị riêng cho từng quỹ/khách hàng ủy thác. Những quy định này sẽ làm tăng chi phí và khối lượng công việc cho CTQLQ.

Thừa nhận có những khó khăn nhất định cho các CTQLQ nhỏ khi phải tuân theo đúng các quy định trong Dự thảo, nhưng ông Võ Văn Minh, Tổng giám đốc CTQLQ Đầu tư chứng khoán Hapaco (IFM) nói rằng, ông hiểu UBCK đang căn cứ vào tầm nhìn trung và dài hạn, trong đó CTQLQ sẽ phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với khách hàng khi xây dựng và thực thi chính sách quản trị rủi ro.

“Trước kia, nhiều công ty tự xây dựng chính sách quản trị rủi ro và tự giám sát, nhưng bây giờ công ty sẽ phải làm việc chặt chẽ và giải thích với khách hàng nhiều hơn. CTQLQ thực chất đưa ra một vài quan điểm phản biện là căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng tuân theo đúng quy định cũng như các tác động có thể có của khách hàng vào hệ thống. Nhưng nói chung, những khác biệt không quá lớn nên tôi cho rằng, CTQLQ vẫn điều chỉnh được”, ông Minh nói.

Đại diện CTQLQ Bảo Việt có quy mô tài sản quản lý xấp xỉ 19.000 tỷ đồng cho biết, Công ty không gặp khó khăn gì khi đáp ứng các yêu cầu trong dự thảo Quy chế quản trị rủi ro của CTQLQ, vì Công ty trước đó đã quản trị rủi ro ở các tiêu chuẩn cao, theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

“Chúng tôi nghĩ rằng, quản trị rủi ro ít nhất cũng quan trọng như thành tích đầu tư, đặc biệt cho khách hàng tổ chức như các công ty bảo hiểm và có thể trong tương lai là cho các quỹ hưu trí”, lãnh đạo CTQLQ Bảo Việt nói.

Lãnh đạo một CTQLQ khác không muốn nêu tên cho hay, thông thường, các khách hàng tổ chức (DN bảo hiểm, quỹ hưu trí, khách hàng DN) đều xác định trước rất rõ khẩu vị rủi ro của mình khi giao tiền cho CTQLQ. Các chính sách về rủi ro thường xuyên được thảo luận giữa khách hàng và CTQLQ trước khi đầu tư và thường được quy định chi tiết trong hợp đồng quản lý đầu tư giữa hai bên. Vì vậy, trên thực tế, khách hàng luôn có vai trò quan trọng trong chính sách quản trị rủi ro của công ty.

Tuy nhiên, vị này đặt câu hỏi, với tình trạng một phần không nhỏ trong số 47 CTQLQ trên thị trường hiện nay đều có quy mô rất nhỏ, với nhân sự mà “đến hoạt động đầu tư còn khó phân bổ”, thì UBCK sẽ giám sát như thế nào để đảm bảo Quy chế quản trị rủi ro của CTQLQ được thực hiện chính xác khi ban hành?

“Với những trường hợp này, sẽ xảy ra tình trạng lách luật, công ty lo đối phó với việc tuân thủ”, vị này nhận định, đồng thời nhận xét chung về các quy định trong dự thảo Quy chế không chặt như các văn bản luật thường thấy. Ví dụ, bằng cấp của các nhân sự phụ trách quản trị rủi ro được nêu dưới dạng khuyến nghị thay vì nêu chính xác yêu cầu, dễ gây ra nhiều cách hiểu và cách thực thi đối với Quy chế về sau này.