Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của các ngân hàng vừa diễn ra cho thấy, phần lớn đều lên kế hoạch bán vốn cho đối tác nước ngoài, thậm chí có ngân hàng tỷ lệ này lên đến 50%. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cho biết, các ngân hàng tự tin đặt mục tiêu bán vốn với tỷ lệ cao là điều dễ hiểu, bởi rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến hệ thống ngân hàng Việt Nam.
“Các ngân hàng Việt thực tế quy mô vẫn còn nhỏ, nhưng quan trọng hơn đã có những thay đổi lớn trong quản trị điều hành an toàn, minh bạch và thể hiện rõ nhiều tiềm năng. Do vậy, họ tự tin bán vốn với tỷ lệ cao”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa phân tích cụ thể hơn, trong ngân hàng, vai trò của HĐQT đặc biệt quan trọng và có nhiều ảnh hưởng. Điều này là do tính cạnh tranh trong ngân hàng rất mạnh mẽ, trong khi các quy định quản trị rủi ro lại vô cùng khắc nghiệt và thông tin không cân xứng ở mức độ cao đã làm cho quản trị công ty trong ngân hàng trở nên phức tạp hơn. Theo đó, thành phần và quy mô của HĐQT ngân hàng liên quan đến khả năng của HĐQT trong việc giám sát các giám đốc điều hành.
“Không phải là 'sính ngoại', bởi kinh nghiệm cho thấy, có chuyên gia quốc tế với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính làm việc, những ngân hàng này sẽ có biến chuyển lớn, thay đổi phong cách quản lý, làm việc theo hướng tiên tiến và đảm bảo an toàn hoạt động trên cơ sở tuân thủ các chuẩn mực quốc tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế nhận định.
Thực tế, từ năm 2012, thời điểm bắt đầu giai đoạn tái cơ cấu của toàn hệ thống ngân hàng, một trong những điểm nổi bật là “làn sóng” thay tướng và nhiều ngân hàng tuyển dụng dàn lãnh đạo người nước ngoài, thậm chí thuê chuyên gia tư vấn người nước ngoài giàu kinh nghiệm về làm việc. Một trong những nguyên do tạo nên làn sóng này được giám đốc một công ty “săn đầu người” cho biết: “Nhân sự cấp cao trong hệ thống ngân hàng Việt lâu nay thường trong tình trạng 'đói' người có năng lực”.
Quả vậy, tại VIB, VPBank, Techcombank…, “dàn” lãnh đạo tại HĐQT và Ban Điều hành rất nhiều nhân sự là người nước ngoài như: Ban Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ, Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Giám đốc Khối Vận hành và công nghệ, Giám đốc Chuyển đổi, Ban Giám đốc Khối Quản trị rủi ro, Quản lý Dự án lớn về công nghệ thông tin, thẻ, kênh thay thế, E-banking…
“Những nhân sự này không chỉ mang đến các ngân hàng một làn gió mới, một bề dày kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức đa quốc gia lớn như Commonwealth Bank of Australia (CBA), HSBC, Standard Chartered Bank, Citi Bank, ING Bank, Deloitte…, mà còn được giao sứ mệnh quan trọng trong việc đào tạo, trao đổi công nghệ, thay đổi phong cách quản lý và đi kèm với đó là sự minh bạch thông tin”, vị giám đốc công ty “săn đầu người” trên cho biết.
Sự minh bạch thông tin còn giúp nhà đầu tư chiến lược của các ngân hàng hiểu rõ và sẵn sàng song hành. Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về việc CBA có cảm thấy “sốt ruột” bởi tăng trưởng của VIB thấp so với những ngân hàng cùng quy mô?
Ông Coenraad Johannes Jonker, Giám đốc điều hành cao cấp Khối Ngân hàng điện tử tại CBA Hồng Kông, tham gia vào HĐQT khóa VII (2016-2019) của VIB cho biết, những thành công của HĐQT VIB trong việc quản trị Ngân hàng những năm qua, đặc biệt là năm 2017 cho thấy, việc cân bằng giữa quy mô và chất lượng là lựa chọn phù hợp. CBA cũng đồng tình với chủ trương tăng tốc độ tăng trưởng chỉ khi thấy hoạt động đã được đảm bảo rất hiệu quả.
“Việc bán CBA TP.HCM cho VIB là một trong những động thái thể hiện sự quan tâm sâu sắc của CBA vào VIB. Chiến lược của CBA đối với VIB trong thời gian tới là tiếp tục mục tiêu tăng vốn điều lệ, cũng như thúc đẩy VIB lên sàn chứng khoán”, ông Jonker nhấn mạnh.
Mùa ĐHCĐ của những năm trước, lãnh đạo nhiều ngân hàng khá né tránh khi cổ đông đề cập đến vấn đề niêm yết. Việc các ngân hàng chưa hào hứng lắm với kế hoạch lên sàn được các cổ đông nhận định nguyên nhân sâu xa là do ngân hàng "ngại" phải minh bạch thông tin khi kết quả kinh doanh không được khả quan. Tuy nhiên, câu chuyện này đã thay đổi mạnh mẽ từ năm 2017, khi một loạt ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán và hiện tại, thị trường vẫn đang chờ đón các cổ phiếu ngân hàng "hot" lên giao dịch.