Quản trị khủng hoảng - quản trị dòng tiền

Quản trị khủng hoảng - quản trị dòng tiền

(ĐTCK) Có không ít doanh nghiệp dù tài sản còn rất nhiều, nhưng chỉ vì quản trị dòng tiền yếu kém đã lâm vào phá sản.

Quản trị dòng tiền hiệu quả để doanh nghiệp vượt qua khó khăn là kinh nghiệm quản trị được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ và nhận được sự đồng tình từ các diễn giả trong diễn đàn “CEO – Quản trị khủng hoảng”  được tổ chức vào chiều ngày 15/3 tại Hà Nội.

Năm 2012, nền kinh tế được ví như một cơ thể vừa thiếu máu, vừa không tiếp nhận được máu. Doanh nghiệp thiếu vốn hoạt động, nhưng ngân hàng lại không tăng được tín dụng. Nợ xấu như “cục máu đông” gây tắc nghẽn hệ tuần hoàn, “sức khoẻ” của nền kinh tế suy giảm nặng, niềm tin thị trường giảm sút. Tuy nhiên, trong khó khăn chung, vẫn có những doanh nghiệp ngược dòng thành công, không phải vì may mắn mà do đã biết tập trung sức lực đúng cách, đúng chỗ.

Năm tài chính niên độ 2011 - 2012, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã đạt hơn 10.000 tỷ đồng doanh thu, trên 368 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng trưởng 130% so với năm trước và vượt xa kế hoạch ĐHCĐ đề ra. Tương tự, CTCP Cơ khí và khoáng sản Hà Giang (HGM) đạt 182,9 tỷ đồng doanh thu, 149,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 14,3% kế hoạch doanh thu và 43,8% kế hoạch lợi nhuận, tỷ lệ cổ tức năm 2012 là 100%...

Chia sẻ tại diễn đàn “CEO - Quản tri khủng hoảng”, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết, nhìn vào biểu đồ giá cổ phiếu HSG có thể thấy, giai đoạn 2008 - 2011, HSG đã phải đối mặt với khó khăn như thế nào. Từ mức giá 60.000 đồng/CP vào năm 2008 (khi nền kinh tế bắt đầu đối mặt với khủng hoảng), đến cuối năm 2011, giá cổ phiếu HSG chỉ còn xấp xỉ 8.000 đồng/CP. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/3, giá cổ phiếu HSG đang ở mức 34.600 đồng/CP.

Quản trị khủng hoảng - quản trị dòng tiền ảnh 1

Nhờ quản trị dòng tiền tốt, HSG đã vượt qua được giai đoạn khó khăn

“Với kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp trong nhiều năm qua, theo tôi, nếu giải quyết được dòng tiền tốt, DN sẽ vượt qua khủng hoảng. Muốn vậy, doanh nghiệp phải mạnh dạn cắt bỏ những gì bất hợp lý, những chi phí lãng phí, những khoản đầu tư không mang lại lợi nhuận”, ông Vũ nói.

Cũng theo ông Vũ, khủng hoảng chính là lúc bản thân doanh nghiệp phải nhìn lại mình, phải thoát khỏi các hoạt động mang tính đầu cơ, ngắn hạn; chấp nhận thua thiệt để mạnh dạn cắt bỏ những hoạt động không hợp lý.

Đồng tình với ý kiến của ông Vũ, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng chia sẻ, cuộc khủng hoảng kinh tế này đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp, nhưng trong khó khăn, các doanh nghiệp cần tìm cách để biến những khó khăn thành lợi thế kinh doanh của mình. Là người hoạt động trong ngành ngân hàng, bà Hồng cho rằng, một trong những điểm rất quan trọng đối với doanh nghiệp là làm sao quản trị được dòng tiền, khi quản trị tốt dòng tiền, doanh nghiệp sẽ chứng minh cho các ngân hàng thấy được khả năng trả nợ của mình. Khi đó, sẽ có nhiều ngân hàng đến chào doanh nghiệp những khoản vay với lãi suất tốt.

Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC), người có rất nhiều kinh nghiệm trong tái cấu trúc, xử lý khủng hoảng tại doanh nghiệp nhận xét rằng: doanh nghiệp thậm chí có thể thua lỗ, không còn vốn chủ hoặc âm vốn chủ, nhưng khi biết cách quản trị dòng tiền tốt, thì cơ hội phục hồi là hoàn toàn có thể.

Trên thực tế, đã có không ít doanh nghiệp dù tài sản còn rất nhiều, nhưng chính vấn đề quản trị dòng tiền yếu kém đã đẩy doanh nghiệp đến bước phá sản. Theo quy định pháp lý, một chủ nợ hoàn toàn có quyền kiện yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không thể thanh toán nợ đến hạn.

Theo ông Thường, một doanh nghiệp nếu thua lỗ hay âm vốn chủ, nhưng khi dòng tiền còn tốt, thì sẽ tránh được nguy cơ bị phá sản trong ngắn hạn. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp tục sản xuất, từ đó phát huy hiệu quả của tài sản. “Duy trì được bộ máy hoạt động sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển khi thị trường thuận lợi trở lại. Đây là mấu chốt nhất của vấn đề khôi phục doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đã mất hết vốn chủ. Vì thế, khi tham gia tái cấu trúc một doanh nghiệp, việc đầu tiên chúng tôi làm là tăng cường quản trị dòng tiền”, ông Thường nhấn mạnh.