Quản trị doanh nghiệp yếu, không thể là “chuyện muôn thủa”

Quản trị doanh nghiệp yếu, không thể là “chuyện muôn thủa”

(ĐTCK) Muốn thu hút vốn đầu tư, yếu tố đầu tiên mà doanh nghiệp Việt cần cải thiện chính là câu chuyện quản trị.

Điểm yếu chí mạng

Mặc dù đã có sự cải thiện, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, yếu tố quản trị vẫn là điểm yếu đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi khoảng cách so với các nước trong khu vực còn lớn. Theo kết quả đánh giá quản trị công ty khu vực ASEAN (thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN) khu vực 2017 - 2018, điểm quản trị trung bình của Việt Nam ở mức 41,3 điểm, so với điểm trung bình toàn khu vực là 71,01 điểm (thang tối đa 130 điểm).

Thực tế, trong 6 thành viên ASEAN được đánh giá trong thẻ điểm quản trị công ty gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam thường xếp vị trí “đội sổ”.

Bên cạnh đó, theo khảo sát 485 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE năm 2018 được công bố năm 2019, nhiều công ty thuộc Top đầu về quy mô trên sàn niêm yết nhưng vẫn chưa thể đáp ứng những yêu cầu cơ bản trong quản trị doanh nghiệp, thậm chí có những công ty bị điểm liệt trong việc đảm bảo quyền cổ đông và đối xử công bằng giữa các cổ đông.

Chưa kể, một thực tế đáng lưu ý đã được chỉ ra trong thời gian qua là tại không ít doanh nghiệp, xảy ra tình trạng tập trung quyền lực vào một nhóm người, trong khi các biện pháp phòng ngừa rủi ro chưa phát huy hiệu quả. Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) từng nhận định, nhiều công ty đại chúng ở Việt Nam được kiểm soát bởi một cổ đông duy nhất hoặc một nhóm cổ đông, những người chi phối các hoạt động và kiểm soát việc quản lý công ty. Các chủ sở hữu còn lại thường bị “đẩy” vào vị thế thứ yếu, thiếu nguồn lực và thông tin để giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ mình trước sự lạm dụng có thể xảy ra từ phía cổ đông lớn.

Không ít các sự vụ trong thời gian qua đã bộc lộ rõ thực trạng này trên thị trường. Chẳng hạn, các thành viên thị trường từng đặt câu hỏi với CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) về những giao dịch quy mô hơn nghìn tỷ đồng với bên liên quan là Công ty TNHH Đầu tư Hoa Sen – cổ đông lớn nắm giữ hơn 25% vốn của HSG do ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HSG làm chủ.

Hay gần đây hơn, câu chuyện “lộn xộn” tại Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – VCG) cũng thu hút sự chú ý đặc biệt. Việc nhóm cổ đông lớn An Qúy Hưng nắm 5/7 ghế HĐQT, cho phép Chủ tịch, Tổng giám đốc duyệt chi khoản tiền lên tới nghìn tỷ đồng mà không cần thông qua HĐQT, chia nhau kiểm soát nhiều vị trí tại công ty mẹ và doanh nghiệp thành viên… khiến không chỉ cổ đông của VCG lo lắng, mà mọi nhà đầu tư đều cảm thấy bất an. Bởi tại môi trường đầu tư nơi yếu tố quản trị doanh nghiệp chưa được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, người chịu thiệt hại đầu tiên chính là nhà đầu tư.

Bắt đầu từ HĐQT

Năm 2019, các quỹ đầu tư coi trọng yếu tố quản trị, xã hội, môi trường đã đón nhận thêm 20,6 tỷ USD dòng vốn đầu tư mới, cao gấp 4 lần năm 2018, thiết lập kỷ lục mới từ trước tới nay, theo số liệu của Morningstar.

Quản trị doanh nghiệp yếu, không thể là “chuyện muôn thủa” ảnh 1

Dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào các quỹ coi trọng ESG

Trong bối cảnh này, muốn thu hút vốn đầu tư, yếu tố đầu tiên mà doanh nghiệp Việt cần cải thiện chính là câu chuyện quản trị. Mà trong đó, vấn đề quan trọng nhất là xây dựng HĐQT, ban điều hành doanh nghiệp vận hành một cách minh bạch, quy củ, cân bằng và được kiểm soát quyền lực.

Doanh nghiệp cần nâng cao tính độc lập và hiệu quả thực thi vai trò của hội đồng quản trị, thông qua việc đảm bảo tỷ lệ thành viên độc lập và xây dựng các ủy ban chuyên trách trực thuộc hội đồng quản trị. Điều này nhằm đảm bảo hiệu quả làm việc, kiểm soát quyền lực của HĐQT và ban giám đốc của nhà đầu tư, hạn chế tình trạng thao túng, lợi dụng vị trí.

Bên cạnh đó, có không ít trường hợp xảy ra mâu thuẫn lợi ích trong doanh nghiệp, khi HĐQT và ban giám đốc sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp để phục vụ lợi ích riêng (chuyển nhượng hoạt động cho công ty có liên quan cá nhân, tận dụng nhân lực – tài sản phục vụ mục đích cá nhân…). Chính điều này dẫn tới những bất bình trong nội bộ doanh nghiệp, tác động tới hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh, cũng như diễn biến giá cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết.

Đáng chú ý, tính minh bạch luôn được đề cập đến một cách rộng rãi trong thông lệ quốc tế như một tiêu chí hàng đầu để đánh giá kỷ luật và hiệu quả quản trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thiếu minh bạch vẫn là câu chuyện được nhắc tới kèm những cái lắc đầu ngao ngán. Trong đó, minh bạch trong cơ chế giao tiếp, chia sẻ với cổ đông là yêu cầu hàng đầu.

Một ví dụ điển hình là việc thị trường đang xôn xao khi cổ phiếu LMH giảm sản 25 phiên liên tiếp, nguyên nhất xuất phát từ việc nhà đầu tư bất ngờ với kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý IV. Điều đáng nói là hoạt động kinh doanh đi xuống bởi lãnh đạo doanh nghiệp giảm mạnh hoạt động kinh doanh xăng dầu, vốn đóng góp chủ đạo cho doanh thu và lợi nhuận của Công ty, trước khi trình xin ý kiến của Đại hội đồng cổ đông, cũng như không chia sẻ thông tin này với các cổ đông.

Sự không minh bạch này đáng để cổ đông đặt ra vấn đề liệu họ có đang bị trục lợi một cách có chủ đích, HĐQT Công ty đã không hành động vì lợi ích chung của toàn bộ cổ đông?

Bản chất của quản trị công ty là nhằm bảo vệ lợi ích của tất cả các bên có lợi ích liên quan như nhà đầu tư, người lao động, nhà cung ứng, khách hàng, cộng đồng xã hội, các cơ quan quản lý, cũng như bản thân các nhà quản lý doanh nghiệp. Với yếu tố quản trị tốt, doanh nghiệp sẽ nâng cao được khả năng quản lý, tiếp cận các đối tác kinh doanh, nguồn vốn mới, thu hút được nhân tài, qua đó, giá trị doanh nghiệp sẽ tự tăng lên trên thị trường vốn.

Tin bài liên quan