Quản trị doanh nghiệp và những đại hội đồng cổ đông kịch tính

Quản trị doanh nghiệp và những đại hội đồng cổ đông kịch tính

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán có lúc thăng, lúc trầm, nhưng một hoạt động không thể thiếu đối với các doanh nghiệp niêm yết là các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ). Có nhiều cuộc họp để lại ấn tượng mạnh với người tham dự và cũng là bài học kinh nghiệm trong công tác quản trị của các doanh nghiệp.

Ðại hội đồng cổ đông - “sàn đấu” của các cổ đông lớn

ÐHCÐ của Tổng công ty Vinaconex tổ chức hồi cuối tháng 6 năm nay diễn ra đầy kịch tích. Trước thềm đại hội, hai nhóm cổ đông lớn nhất trong doanh nghiệp đã xuất hiện liên tục trên báo chí, lời qua tiếng lại, “vạch áo cho người xem lưng”.

Hôm đại hội, công tác kiểm tra tư cách cổ đông cực kỳ nghiêm ngặt, Ban Tổ chức thậm chí còn thuê một lượng lớn nhân viên an ninh, phá sóng điện thoại tại hội trường... để tăng cường an ninh.

Ðại hội nóng ngay từ đầu khi nhóm cổ đông nắm xấp xỉ 30% cổ phần đề xuất bổ sung nhiều nội dung vào chương trình nghị sự và không được chấp thuận.

Ở mỗi phần xin ý kiến cổ đông, Ban Tổ chức đều thực hiện bỏ phiếu, kiểm phiếu nên thời gian kéo dài.

Đến phần thảo luận, đại hội đã thực sự biến thành “sàn đấu” của hai nhóm cổ đông lớn, với đủ các chiêu trò tấn công nhau bằng lời lẽ.

Các bên có liên quan tham dự đại hội như đại diện Sở Giao dịch chứng khoán, kiểm toán viên, các cổ đông nhỏ lẻ… chỉ còn biết trở thành khán giả bất đắc dĩ. Ðến 14h30, đại hội mới kết thúc, nhưng dư âm của nó khiến nhiều cổ đông của doanh nghiệp ngán ngẩm, còn giới phân tích chứng khoán dự đoán, mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông có lẽ còn rất lâu nữa mới có thể giải quyết.

Ðầu tháng 7/2019, ÐHCÐ lần 2 của Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên (TMG) đã phải dừng ngay sau khi khai mạc ít phút, tương tự như diễn biến phiên đại hội lần 1 diễn ra hồi tháng 5/2019. Nguyên nhân là do bất đồng giữa hai nhóm cổ đông lớn nhất trong doanh nghiệp.

Tại TMG, Nhà nước sở hữu 51% vốn, nhóm cổ đông bên ngoài nắm giữ gần 40%. Vài năm trở lại đây, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hiệu quả, có quy mô lợi nhuận bình quân hơn 100 tỷ đồng/năm, cổ tức chi trả 70-80%/năm.

Ðến năm 2018, cổ đông Nhà nước muốn sử dụng một phần lợi nhuận để lại để tái đầu tư, song nhóm cổ đông bên ngoài không đồng thuận vì muốn tiếp tục duy trì mức chia cổ tức cao như các năm trước và cho rằng dự án cải tạo, nâng cấp nhà máy có nhiều rủi ro.

Ðại hội đã phải dừng ngay từ những phút đầu vì cổ đông biểu quyết không thông qua bất cứ nội dung nào…

Trước đây, thị trường cũng ghi nhận không ít vụ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa các nhà đầu tư lớn trong doanh nghiệp, với đỉnh điểm là các màn đấu nhau tại các kỳ họp ÐHCÐ.

Chẳng hạn, ÐHÐCÐ của Vicostone năm 2012 diễn ra căng thẳng khi nhóm cổ đông nước ngoài do Red River Holding tập hợp phủ quyết tất cả các nội dung Hội đồng quản trị Công ty đề xuất tại cuộc họp.

Sau đó là chuỗi ngày dài hai bên "cơm không lành, cnah chẳng ngọt", sử dụng nhiều chiêu thức và cuối cùng cổ đông nước ngoài đã phải chấp nhận thoái vốn khỏi Vicostone với giá bán có lời chút đỉnh, cho dù rõ mười mươi tiềm lực của doanh nghiệp còn rất lớn và đây là một thương vụ thoái vốn bất lợi cho cổ đông ngoại này.

CTCP Everpia (EVE) cũng có phiên ÐHCÐ để đời năm 2016 khi luật sư của nhóm cổ đông lớn nước ngoài tung ra nhiều cáo buộc về những nghi vấn vi phạm của Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Lee Jae Eun.

Ngày 11/1/2016, ông Lee Jae Eun đã bị  Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 60 triệu đồng do không tuân thủ đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ về quản trị công ty theo quy định của pháp luật, vi phạm quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích.

Cụ thể, ông Lee Jae Eun đã phê duyệt việc tăng lương năm 2013 và 2014 cho chính mình (trên cương vị Tổng giám đốc Công ty) mà không đưa vấn đề này ra thông qua trước Hội đồng quản trị. Năm 2014,  ông Lee Jae Eun tiếp tục phê duyệt việc Công ty cấp khoản vay 615 triệu đồng cho ông Cho Yong Hwan, Thành viên Hội đồng quản trị khi chưa có quyết định của ÐHCÐ.

Không chỉ có các vấn đề về quản trị công ty, mâu thuẫn giữa cổ đông lớn Red River Holding và ông Lee Jae Eun đã lên đến đỉnh điểm khi ngày 15/12/2015, Ban chấp hành Công đoàn Everpia đã có công văn gửi các cơ quan báo chí với nội dung phản ánh những hoạt động nằm ngoài quyền hạn cổ đông của hai nhà đầu tư nước ngoài Red River Holding và Temasia Capital. Ðây là 2 quỹ thành viên của Groupe Artemis, nắm giữ 13,7% vốn điều lệ Everpia.

Ngày 22/12/2015, Red River Holding đã có công văn trả lời Công đoàn Everpia và các cơ quan báo chí rằng, các vấn được nêu là không chính xác và không thuộc phạm vi, quyền hạn của đề tổ chức này.

Nội dung văn bản của Công đoàn Everpia có những thông tin sai lệch và phiến diện do ông Lee Jae Eun cung cấp và thao túng.

Red River Holding và Temasia Capital tuy là cổ đông lớn theo tiêu chí của Luật Chứng khoán, nhưng lại là cổ đông không tham gia điều hành Everpia và không nắm cổ phần chi phối, nên không có khả năng phản đối việc chia thưởng cho người lao động. Họ cũng chưa được biết kết quả kinh doanh năm 2015 của Everpia, cũng như đề xuất phân phối lợi nhuận.

Red River Holding cho biết đã cung cấp các thông tin về những nghi vấn vi phạm của ông Lee Jae Eun lên Ủy ban Chứng khoán và sự việc đang được điều tra xem xét bởi cơ quan này.

Ðồng thời, Red River Holding đã tiến hành các hành động pháp lý để kiện ông Lee Jae Eun ra tòa án nhân dân TP. Hà Nội.

Nhà đầu tư này cũng tuyên bố sẽ sử dụng mọi nguồn lực để điều tra, thu thập và đánh giá các nghi vấn vi phạm của ông Lee Jae Eun, cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, để gửi tới các cơ quan chức năng có liên quan.

Cuối cùng, mâu thuẫn được 2 bên dàn xếp bằng cách nhà đầu tư nước ngoài thoái toàn bộ vốn tại Everpia.

Minh bạch, đồng lợi để đi xa cùng nhau

Khó có thể kể hết những phiên đại hội kịch tính, những chuyện “thâm cung bí sử” của các doanh nghiệp niêm yết, nhưng trong nhiều trường hợp, mọi chuyện được phơi bày xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ.

Từ câu chuyện của nhiều doanh nghiệp, thị trường chứng khoán Việt Nam nổi lên một vấn đề, đó là quản trị doanh nghiệp còn khá yếu, đi kèm với đó là tính minh bạch kém và quyền lợi nhà đầu tư ít khi được thỏa mãn.

Trong những doanh nghiệp kể trên, bằng kinh nghiệm đầu tư quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài nghi ngờ lãnh đạo doanh nghiệp chuyển giá và chuyển lợi nhuận cho công ty của người thân trong gia đình.

Họ chắc chắn rằng, nếu làm công tâm, lợi nhuận của doanh nghiệp phải gấp rưỡi, gấp đôi mức công bố.

Sự nghi ngờ cộng thêm phản ứng “không mấy khéo léo” đã khiến mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm và kết quả là nhà đầu tư này đã phải cay đắng chia tay doanh nghiệp, dù đồng vốn bỏ ra vẫn có lời nhưng không đạt kỳ vọng khi rót vốn vào doanh nghiệp.

Theo ông Phan Ðức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, những bài học trong quản trị công ty, quản trị quan hệ cổ đông, thúc đẩy sự hợp tác giữa các cổ đông chưa bao giờ mất tính thời sự trên thị trường chứng khoán Việt Nam. T

heo ông Hiếu, chỉ khi nào các nguyên tắc quản trị công ty hiện đại được thực thi trong doanh nghiệp, thì khi đó mới có thể hạn chế bớt những mâu thuẫn như đã kể trên.

Nhìn rộng hơn ở nền kinh tế Việt Nam, các công ty cổ phần, với cơ cấu cổ đông đa dạng đang trở thành xu thế khi chủ trương thu hút đầu tư, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, đại chúng hóa của các doanh nghiệp ngày càng mở rộng.

Ðể có được sự phối hợp tốt, đồng thuận giữa các cổ đông lớn về những dự án, chiến lược, chủ trương quan trọng của doanh nghiệp, đòi hỏi nỗ lực lớn của các bên liên quan, trong đó có vai trò trọng yếu của những nhà đầu tư bỏ vốn vào doanh nghiệp, cũng như ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp niêm yết đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng số doanh nghiệp có chiến lược phát triển lâu dài và tập trung theo định hướng vạch sẵn không nhiều.

Thị trường cũng thiếu nhiều câu chuyện thành công của các nhà đầu tư để lan tỏa và hấp dẫn các nhà đầu tư mới, mà trong đó rào cản và thách thức đến từ mối quan hệ cổ đông chưa được xây dựng và vun đắp tốt đẹp.

Ðây là những bài học mà nhiều doanh nghiệp có chiến lược tận dụng cơ hội huy động các nguồn lực đại chúng, các nguồn vốn đầu tư dài hạn từ thị trường chứng khoán cần lưu ý.

Tin bài liên quan