Quản trị công ty, đường còn dài

Quản trị công ty, đường còn dài

(ĐTCK)Ông Juan Carlos Fernandez Zara, Chuyên gia cao cấp về quản trị công ty khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới, nhận xét, nhiều DN Việt Nam coi quản trị công ty là điều xa vời chưa cần thiết.

Qua kết quả thẻ điểm quản trị công ty năm nay, theo ông thách thức lớn nhất về vấn đề quản trị công ty ở Việt Nam là gì?

Thách thức lớn nhất là các công ty ở Việt Nam vẫn chưa thực sự nhận thức hết sự quan trọng của quản trị công ty. Phần lớn các công ty niêm yết trên thị trường chỉ cố gắng tuân thủ luật lệ được ban hành mà họ gần như không tin tưởng vào quản trị công ty và thực hiện các bước để nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị công ty. Doanh nghiệp có tư tưởng là chỉ tập trung làm sao để sống sót trong thời điểm khó khăn này và coi quản trị công ty vẫn còn là điều gì đó xa vời chưa thực sự cần thiết. Chính tâm lý này khiến hành vi của nhiều công ty không thay đổi. TTCK hiện nay suy giảm một phần cũng là hậu quả của những hành vi trên.

So sánh với các nước trong khu vực thì khoảng cách về quản trị công ty ở Việt Nam “tụt hậu” bao xa, thưa ông?

Ngay gần chúng ta thôi, Thái Lan đã áp dụng thẻ điểm quản trị công ty khoảng 10 năm. Trong 6 năm đầu tiên, họ cũng vật lộn với tâm lý chỉ cố gắng để tuân thủ nhưng không chủ động. Tuy nhiên, sau đó họ đã thay đổi và đến thời điểm bây giờ thì họ đã vượt xa Việt Nam . Các công ty của Thái Lan không chỉ tuân thủ luật lệ được nước họ ban hành mà đã nỗ lực và tự nguyện làm ngày càng tốt hơn cả luật lệ để nâng cao quản trị công ty.

Ở Singapore và Hồng Kông, các công ty hiểu rất rõ rằng, các nhà đầu tư nước ngoài, những người còn chân ướt chân ráo đến một môi trường đầu tư mới, sẽ chỉ đổ tiền vào những doanh nghiệp có mức quản trị công ty cao thể hiện qua sự minh bạch và trung thực.

Trong khi đó, ở Việt Nam , ngay cả mức chuẩn quản trị công ty được Nhà nước ban hành vẫn còn có khoảng cách so với mức chuẩn của khu vực ASEAN và còn thấp hơn nhiều so với mức chuẩn quốc tế.

Lời khuyên với Việt Nam bây giờ là các công ty tại Việt Nam hãy sớm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, nên quan tâm đến vấn đề quản trị công ty trước tiên nếu muốn thu hút các nguồn đầu tư lớn từ bên ngoài và có một tương lai phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Theo kết quả khảo sát năm 2012, các doanh nghiệp mới niêm yết nằm trong rổ khảo sát rất kém trong thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin. Vậy cần làm gì để cải thiện điều này?

Tôi nghĩ rằng, các cơ quan quản lý cần phải làm chặt chẽ hơn nữa đối với điều kiện về quản trị cho các công ty có nhu cầu niêm yết. Một công ty không đạt mức quản trị công ty tốt thì không nên cho phép niêm yết. Bên cạnh đó, các công ty mới niêm yết cũng nên sớm nhận ra nếu họ không nghiêm túc trong vấn đề công bố thông tin ngay từ đầu thì các nhà đầu tư cũng không có lòng tin đối với họ và không đầu tư vào công ty nữa. Một viễn cảnh có thể diễn ra là ngay sau IPO, hàng loạt các nhà đầu tư sẽ muốn bán cổ phần của họ, giá cổ phiếu sẽ đi xuống và bản thân các công ty mới niêm yết này sẽ tự hiểu rằng muốn hấp dẫn và giữ chân các nhà đầu tư họ chỉ có một cách duy nhất là trước tiên hãy cải thiện sự minh bạch trong công bố thông tin của mình.

Trách nhiệm của thành viên HĐQT qua kết quả khảo sát cũng thấp. Trước đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có ý định buộc thành viên HĐQT công ty đại chúng phải học một lớp về quản trị công ty, nhưng lại không thấy thực hiện tiếp. Theo ông, có nên triển khai giải pháp này để nâng cao trách nhiệm của HĐQT công ty?

Điều mà chúng ta đang nhìn thấy ở Việt Nam là các thành viên trong HĐQT mà đặc biệt là chủ tịch HĐQT có quá nhiều quyền lực và điều này dẫn đến một việc là ở các cuộc họp hay cuộc tranh luận của ban lãnh đạo trong công ty, họ thường có xu hướng kiểm soát quá mức. Nếu có lớp học này mà các thành viên hay chủ tịch HĐQT đi học thì họ nên học để hiểu làm thế nào để không kiểm soát quá nhiều một cuộc tranh luận, để họ có thể nhận ra được lợi ích của việc càng có nhiều thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau sẽ thực sự mang lại nhiều hiệu quả, giá trị cho công ty. Ở các nước khác, họ hiểu vấn đề này tốt hơn và rõ ràng là nhờ có như vậy mà họ đưa ra được nhiều quyết định sáng suốt hơn và nâng cao được khả năng cạnh tranh của họ. Thế nên, theo tôi, điều cần làm ở đây là các vị lãnh đạo HĐQT nên có tư tưởng thoáng hơn chứ không nên bảo thủ và kiểm soát quá mức các cuộc tranh luận của HĐQT. Tôi được biết, theo Quy chế quản trị công ty mới ban hành, tham gia đào tạo về quản trị công ty là yêu cầu bắt buộc với thành viên HĐQT của các công ty niêm yết và công ty đại chúng lớn. Hy vọng, điều này sẽ sớm được thực thi.

Đối xử với cổ đông bình đẳng là lĩnh vực có số điểm cao nhất ( 57,8%) nhưng thực tế trên thị trường, nhiều vụ việc về quản trị công ty như ở các ngân hàng hay các công ty chứng khoán thời gian qua, cổ đông nhỏ lẻ vẫn là người bị thiệt hại và là người biết thông tin muộn nhất về các vấn đề rủi ro, thông tin xấu của công ty?

Con số mà bạn nói (57,8%) mới chỉ đạt ở mức tương đối thôi. Nếu nói là tốt thì con số đạt được cần phải ở mức 65 - 70% và xuất sắc là ở mức 80%. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2013 của Nhóm Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam đứng thứ 169 trên tổng số 185 nước trên thế giới về vấn đề bảo vệ quyền cổ đông. Chứng tỏ trong lĩnh vực này so với các nước khácViệt Nam làm vẫn còn rất kém. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, quyền cơ bản của cổ đông và việc đối xử bình đẳng giữa các cổ đông chỉ được thực hiện khi và chỉ khi quản trị công ty của các doanh nghiệp được nâng lên. Và các doanh nghiệp ở Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều để đạt mức chuẩn đó.