Cảnh báo sớm
Khi đại lý tổ chức bán bảo hiểm theo phương thức đa cấp, không thể phủ nhận kênh phân phối mới sẽ giúp người dân có thêm cơ hội tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, việc này có thể gây ra nhiều hệ lụy.
Thứ nhất là nguy cơ "săn" người từ kênh đại lý truyền thống, không đóng góp cho sự tăng trưởng nhân lực toàn ngành. Người của đại lý tổ chức dự kiến sẽ phát triển nhanh nhờ áp dụng phương thức bán hàng đa cấp, các đại lý tổ chức này có thể phát triển mạng lưới hàng trăm, hàng ngàn, hay hàng chục ngàn người.
Các đại lý tổ chức nhiều khả năng sẽ tập trung tuyển dụng những người có kinh nghiệm kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, cụ thể là các đại lý bảo hiểm nhân thọ cá nhân. Nếu làm như vậy, họ sẽ không đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng nhân lực cũa ngành bảo hiểm nhân thọ, mà chỉ lôi kéo nhân lực của chính doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang là đối tác, hoặc của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác.
Thứ hai, tỷ lệ duy trì hợp đồng từ năm thứ hai trở đi dự báo ở mức thấp, phá bỏ tính chất đóng phí thường niên của bảo hiểm nhân thọ. Đại lý tổ chức hình thành mô hình kim tự tháp, trong đó người tham gia mạng lưới của đại lý tổ chức sẽ phải mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để lấy quyền gia nhập mạng lưới.
Đây là chiêu trò của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính, vốn đã bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật bán hàng đa cấp (điểm b, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 40/2018/NĐ-CP). Nếu những hành vi này thâm nhập vào lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ thì nguy cơ cao là tỷ lệ duy trì hợp đồng từ năm thứ hai trở đi sẽ thấp, ảnh hưởng đến kết quả tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Thứ ba, chất lượng tư vấn của thành viên đại lý tổ chức khó đảm bảo. Với phương thức bán hàng đa cấp, tình trạng một người có mã số đại lý đứng ra bán số lượng sản phẩm cho nhiều khách hàng trong một tháng do những thành viên khác giới thiệu về, mà không có điều kiện gặp mặt khách hàng để thẩm định sơ bộ là dễ xảy ra. Ngoài ra, mỗi thành viên của đại lý tổ chức phải nắm vững sản phẩm của tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đối tác, việc này chỉ khả thi với một số lượng thành viên nhất định.
Thứ tư, đại lý tổ chức ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác nhau, có doanh nghiệp sẽ bị thiệt. Một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ với thương hiệu còn mới, có sản phẩm “yếu” hơn về tài chính sẽ bị thiệt vì sản phẩm không được thành viên của đại lý tổ chức quan tâm, hoặc không được đại lý tổ chức đưa vào các “gói” sản phẩm (các giải pháp bảo hiểm) của họ.
Khuyến nghị nào?
Mỗi đại lý tổ chức chỉ nên ký hợp đồng với một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và đại lý tổ chức cho tất cả nhân viên/người hợp tác, những người có dính dáng đến công việc tư vấn bảo hiểm cần đi học, thi để được cấp mã số đại lý cho từng doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ một (điểm b, khoản 1 và 2 Điều 86, Luật Kinh doanh bảo hiểm).
Nhân viên/người hợp tác có được hợp đồng bảo hiểm với tư cách đại lý bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi trả hoa hồng bảo hiểm trực tiếp cho nhân viên/người hợp tác đó theo mức hoa hồng năm nhất mà Bộ Tài chính đã phê chuẩn.
Theo định nghĩa của pháp luật bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm là tỷ lệ phần trăm trên phí bảo hiểm thực thu, thông thường từ 25 - 40% phí bảo hiểm năm hợp đồng thứ nhất. Việc chi trả hoa hồng trực tiếp này là cần thiết vì doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần biết ai sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý có liên quan đến nội dung và chất lượng tư vấn bảo hiểm. Về nguyên tắc, đại lý tổ chức phải chịu trách nhiệm chung, nhưng khi có vấn đề pháp lý phát sinh, người trực tiếp tư vấn và thu xếp việc giao kết hợp đồng phải chịu trách nhiệm chính.
Thông thường, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi trả cho đại lý tổ chức một tỷ lệ phần trăm khá cao trên phí bảo hiểm năm nhất. Đại lý tổ chức có thể trích từ khoản này để chi thưởng, chi đẩy mạnh kinh doanh, phần còn lại là lợi nhuận cho bản thân đại lý tổ chức.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đại lý bảo hiểm (đại lý tổ chức, đại lý cá nhân) và môi giới bảo hiểm là hai hoạt động khác nhau. Thành viên của đại lý tổ chức có tham gia hoạt động giống như đại lý bảo hiểm cá nhân thì phải qua đào tạo, huấn luyện, dự thi để được cấp chứng chỉ và mã số đại lý bảo hiểm.
Đại lý tổ chức áp dụng phương thức tuyển dụng và trả thù lao cho nhân viên/người hợp tác (không phải là đại lý cá nhân) theo phương thức bán hàng đa cấp thì phải đăng ký theo quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay quy định, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được phép tham gia kinh doanh dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tài chính nói chung và bảo hiểm nói riêng.