Hiện rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến quản lý phát thải carbon và điều này là nguy cơ khi doanh nghiệp muốn huy động vốn. Ông có thể cho biết, giới đầu tư toàn cầu đang mong muốn, đặt ra điều kiện gì trong đầu tư liên quan đến phát thải carbon?
Khí thải carbon điôxít (CO2) là nguyên nhân chính của tình trạng gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu, vì vậy các quốc gia trên thế giới và các tổ chức quốc tế đã và đang có nhiều nghiên cứu, định hướng chính sách lớn ở cấp độ từ quốc gia, khu vực đến toàn cầu để kìm chế, giảm phát thải khí nhà kính, tránh những tác động tàn phá nhất của biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Nguyễn Vinh
Kế thúc Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào ngày 23/9 vừa qua, đã có 77 quốc gia, 10 khu vực và 100 thành phố cam kết các mục tiêu then chốt giảm lượng khí thải carbon về bằng 0 vào năm 2050, đồng thời kêu gọi không xây dựng các nhà máy điện than mới từ năm 2020 trở đi.
Cũng tại Hội nghị, 130 ngân hàng hàng đầu, nắm giữ 47.000 tỷ USD, tương đương 1/3 khối ngân hàng toàn cầu, đã ký kết văn bản “Các nguyên tắc ngân hàng có trách nhiệm”, cam kết hành động vì khí hậu và phát triển bền vững. Bộ nguyên tắc khuyến khích các ngân hàng dịch chuyển vốn cho vay vào các dự án phát thải khí độc hại hiện nay sang các ngành công nghiệp xanh hơn.
Ngoài ra, các quỹ đầu tư của thế giới với tổng tài sản đang quản lý tương đương hơn 34.000 tỷ USD, đại diện cho gần một nửa số vốn đầu tư toàn cầu, đã yêu cầu các chính phủ thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu, đề nghị đưa một mức giá có ý nghĩa đối với carbon, cắt bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới.
Với xu hướng này, trong tương lai, nhiều quốc gia sẽ bắt đầu áp dụng các chuẩn mực báo cáo phát thải mang tính bắt buộc để đo lường một cách có hệ thống và giám sát lượng phát thải của họ. Các quốc gia sử dụng hệ thống dữ liệu này để nâng cao sự hiểu biết về nguồn phát thải trong từng ngành, hoạch định chính sách và đánh giá các tiến trình hướng đến các mục tiêu hiệu quả, nhằm giảm bớt khí thải nhà kính. Hiện có khoảng 40 quốc gia, bao gồm những nước phát triển và đang phát triển đã thực hiện chương trình báo phát thải carbon vào trong luật như một quy định bắt buộc. Một số nước khác cũng đang thử nghiệm thực hiện với mô hình báo cáo bắt buộc theo từng địa phương trước và sau đó sẽ cân nhắc để áp dụng cho cả quốc gia.
Do vậy các công ty hiện phải đối mặt với một áp lực ngày càng tăng từ các bên liên quan như người tiêu dùng, chính phủ, nhà cung cấp, nhà đầu tư, tổ chức tài chính, truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và công chúng trong việc buộc phải tiến hành đánh giá, giảm thiểu và thực hiện công báo cáo khí thải. Bởi lẽ, các hoạt động của công ty đều có ảnh hưởng đáng kể đến lượng khí thải GHG toàn cầu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Tại Dragon Capital thì sao? Công ty có thúc đẩy hoạt động quản lý phát thải CO2 ở các doanh nghiệp đầu tư vào, ít nhất là ở mức độ chủ động giảm phát thải carbon?
Quản lý lượng khí thải trong danh mục đầu tư, trước tiên về cơ bản là đo lường lượng phát thải khí nhà kính phát sinh trực tiếp (hay còn gọi là phạm vi 1) và gián tiếp (phạm vi 2) của từng doanh nghiệp nằm trong danh mục đầu tư của Quỹ. Số liệu phát thải công bố bởi doanh nghiệp cần được xác thực bởi các tổ chức đánh giá độc lập có uy tín.
Ngoài ra nhằm thu hẹp khoảng cách, các doanh nghiệp cần mở rộng phạm vi 3, tính toán tất cả nguồn khí thải từ gián tiếp khác phát sinh từ chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Lượng phát thải carbon từ chuỗi giá trị có thể chiếm khá lớn, đến 80-90% đối với một số ngành nghề, bởi nếu không bao gồm phạm vi 3, có khả năng doanh nghiệp bỏ lỡ nhiều cơ hội để thúc đẩy các đối tác trong chuỗi giá trị cùng cải thiện.
Tóm lại, muốn thực hiện việc quản lý, định lượng được phát thải carbon trong danh mục đầu tư, thì trước tiên các doanh nghiệp nằm trong danh mục đầu tư của Quỹ phải thiết lập việc tự nguyện công bố chỉ số phát thải carbon của mình. Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp định lượng và công bố phát thải là rất ít.
Biến đổi khí hậu và định giá khí thải carbon rõ ràng sẽ là hướng đi của tương lai, nên các doanh nghiệp cần bắt đầu quan tâm ngay từ bây giờ.
Dragon Capital đã quản lý giảm phát thải carbon trong hoạt động của mình ra sao?
Dragon Capital tự nguyện tham gia mua tín chỉ phát phải carbon (carbon offset) nhằm đóng góp vào quỹ hỗ trợ các chương trình phát triển khí sinh học (biogas, biomass).
Là loại hình công ty dịch vụ, quy mô văn phòng cũng nhỏ, nên phát thải carbon của chúng tôi chủ yếu đến từ việc sử dụng điện, nước, thiết bị văn phòng trong toà nhà và phương tiện di chuyển đi lại (xe, máy bay…). Do vậy, việc tính toán dấu chân carbon chủ yếu là ở Phạm vi 1 và 2. Hàng năm, các số liệu sẽ được thu thập và báo cáo cho “Nexus for Development” và tổ chức này sẽ tùy vào tính chất để đưa ra phương pháp tính và cấp tín chỉ đền bù carbon.
Những cải thiện như việc trang bị hệ thống video conference trong các phòng họp giúp chúng tôi giảm thiểu tần xuất di chuyển xa bằng máy bay, hạn chế sử dụng nhựa, khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế... Trồng rừng cũng là một trong những hoạt động giúp chúng tôi góp phần giảm thiểu khí thải carbon trên quy mô hoạt động nhỏ.
Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chủ động tham gia vào quản lý phát thải carbon theo xu hướng tích cực trên toàn cầu.
Nguồn: Greenhouse Gas Protocol (GHG)
Trong “Bộ Tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững hợp nhất GRI” đang giới thiệu và đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam, tiêu chuẩn GRI 305 hướng dẫn báo cáo về phát thải carbon dựa theo “Nghị định thư về khi thải nhà kính (GHG)”, mà cụ thể tổng phát thải khí nhà kính tại doanh nghiệp có thể được đo lường ở 3 phạm vi:
Phạm vi 1 (scope 1) – tất cả lượng phát thải nhà kính phát sinh trực tiếp từ các nhà máy, hoạt động của một tổ chức, lượng khí thải này nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của tổ chức.
Phạm vi 2 (scope 2) - Phát thải gián tiếp phát sinh từ việc tổ chức mua điện, năng lượng để sử dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây là lượng phát thải được tạo ra trong quá trình sản xuất năng lượng của các đơn vị cung cấp năng lượng, nhưng được tổ chức mua lại để sử dụng cho hoạt động kinh doanh.
Phạm vi 3 (scope 3)- Tất cả các phát thải gián tiếp khác phát sinh từ các hoạt động có liên quan từ chuỗi giá trị, xuất phát từ các nguồn mà doanh nghiệp không sở hữu hoặc kiểm soát.