Nhân viên Công ty Winway bị “dội bom” tin nhắn từ nhóm người xưng là ở công ty tài chính và công ty đòi nợ thuê.
“Luật rừng” giữa ban ngày
Mới đây nhất, như Báo Đầu tư đã phản ánh, trong khi “cơn bão covid-19” khiến hàng loạt doanh nghiệp “tả tơi”, thì bằng nhiều giải pháp (chuyển đổi kinh doanh sản phẩm phụ du lịch, mở rộng hoạt động tư vấn, hỗ trợ làm thủ tục Visa…), Công ty cổ phần Winway (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM) vẫn trụ được, không những không nhân viên nào bị cho nghỉ việc, mà lương thưởng vẫn đảm bảo.
Đáng nói, trụ được như vậy, nhưng Winway mới đây phải làm đơn kêu cứu tới công an bởi liên tục bị một nhóm người khi thì xưng là công ty tài chính, lúc là công ty đòi nợ “khủng bố” bằng tin nhắn, điện thoại đến hầu hết cán bộ, công nhân viên đe dọa, xúc phạm yêu cầu phải tìm… người khác trả nợ.
Người vay nợ của nhóm người trên là nhân viên cũ đã nghỉ việc từ rất lâu, không liên quan tới tất cả cán bộ, công nhân viên Winway.
Hàng chục tin nhắn, hàng chục cuộc điện thoại “khủng bố” suốt ngày đêm, thậm chí tới cả khách hàng của Công ty đã khiến cán bộ, công nhân viên Winway lo sợ, khủng hoảng tinh thần phải làm đơn kêu cứu tới Công an phường Nguyễn Thái Bình.
Cũng mới đây, cuối tháng 2/2020, Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố băng nhóm 5 tên liên quan hành vi “khủng bố” bằng mắm tôm và sơn quán phở Hòa nổi tiếng ở đường Pasteur (phường 8, quận 3, TP.HCM).
Theo kết luận điều tra, con rể chủ quán là Trần Anh Tuấn có vay tiền của các đối tượng trên rồi không trả đúng hạn. Băng nhóm trên đã kéo đến quán phở Hòa chia ra ngồi nhiều bàn trong quán. Nếu có khách đến ăn thì đuổi ngồi bàn khác, thậm chí bỏ cả gián vào tô phở của khách, tạt sơn, ném mắm tôm vào quán nhằm mục đích ép gia đình phải trả nợ thay.
Tháng 8/2019, khi bắt giữ khám xét nơi ở các đối tượng trên, Công an TP.HCM đã thu giữ nhiều tang vật như sơn, bình xịt hơi cay, kiếm, còng số 8, áo giáp...
Đó chỉ là hai trong hàng chục vụ việc liên quan dịch vụ đòi nợ thuê lộng hành gây mất an ninh ở TP.HCM suốt nhiều năm qua.
99% công ty đòi nợ câu kết với “xã hội đen”
Liên quan vụ quán phở Hòa bị “khủng bố”, khi vụ việc bùng lên bức xúc xã hội, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) công khai thông tin, qua rà soát của công an thì 99% công ty đòi nợ thuê hoạt động trên địa bàn đều có dấu hiệu cấu kết với băng nhóm xã hội đen để đòi nợ. Họ còn sử dụng chiêu trò kéo đám đông tụ tập trước cơ sở kinh doanh hay nhà riêng của khách nợ để làm mất uy tín con nợ... và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Trong khi đó, việc xử lý các đối tượng đòi nợ như trên gặp nhiều khó khăn vì một mặt bị hại sợ không dám trình báo, hoặc nhận được trình báo, công an đến thì hiện trường đã được thu dọn.
Không ít trường hợp người dân vì sức ép của bọn đòi nợ thuê phải cấn nợ bằng nhà, đất, hoặc bỏ trốn biệt xứ… để được bình yên, tuy nhiên công an không thể can thiệp tranh chấp dân sự, chỉ có thể đến đảm bảo an ninh trật tự và can thiệp khi có hành vi gây rối an ninh trật tự.
Bức xúc tới mức, lần thứ 2, vào tháng 8/2019, UBND TP.HCM phải gửi văn bản kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh trước những biến tướng nguy hại của hoạt động này.
Trong khi đó, quy định pháp luật liên quan loại hình kinh doanh này lại còn nhiều khe hở dẫn tới không có chế tài xử phạt với nhiều hành vi.
Không chỉ TP.HCM bức xúc, mới đây, tại phiên họp thứ 43, ngày 23/3/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay có 217 doanh nghiệp hoạt động loại hình này, chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Nhiều doanh nghiệp hoạt động thiếu lành mạnh, có sự tham gia của xã hội đen để đòi nợ, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự, trong khi cũng không đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế.
Vướng mắc việc cấm?
Trong cả 2 lần (năm 2018 và 2019) gửi văn bản kiến nghị đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, UBND TP.HCM đều cho rằng, quan hệ vay - trả nợ là quan hệ hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế và Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật như toà án, viện kiểm sát, thi hành án… để xử lý vấn đề này.
Tức là, khi có tranh chấp, các bên tham gia tự thoả thuận hoặc để tòa án giải quyết. Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại… là cơ quan có thẩm quyền thi hành.
Pháp luật không thể cấm chủ nợ lựa chọn cá nhân, tổ chức đại diện cho mình để thu hồi nợ. Tuy nhiên, Nhà nước có quyền quy định phương thức thu hồi nợ. Các tổ chức thu hồi nợ đều phải thực hiện theo phương thức đó.
Tuy nhiên, có thực tế phát sinh, theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp thuê dịch vụ đòi nợ đạt hiệu quả tới 90%. Trong khi đó, nếu khởi kiện ra tòa và thu nợ qua cơ quan thi hành án, thì hiệu quả chỉ khoảng 50%.
Đó là chưa nói, theo luật sư Nguyễn Tấn Thi, Trưởng văn phòng luật sư Hoa Sen (TP.HCM), khởi kiện và nhờ cậy cơ quan thi hành án còn tốn kém hơn về thời gian và chi phí cho chủ nợ khi phải bỏ ra một khoản chi phí để nộp tạm ứng án phí và thuê người đại diện, hoặc mất công ăn việc làm khi đi kiện.
Mặt khác, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã thừa nhận tư cách tồn tại của dịch vụ đòi nợ thuê, mà minh chứng cụ thể nhất là sự ra đời của các công ty đòi nợ thuê trên cả nước.
Các quy định về ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ cơ bản đã có. Điển hình như điều kiện về vốn, về người quản lý, giám đốc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, cũng như tiêu chuẩn đối với người lao động trong dịch vụ đòi nợ tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Luật sư Nguyễn Tấn Thi cho rằng, hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có quy định rất đầy đủ, rõ ràng và cụ thể để cá nhân, tổ chức thực hiện quyền đòi nợ của mình. Chủ nợ có quyền lựa chọn phương thức thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện ở tòa án để đòi nợ. Chủ nợ hoàn toàn có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền đòi nợ của mình theo quy định của pháp luật dân sự.
Thực tế trên cho thấy, cái “vướng” tạo nên 2 luồng tranh cãi, 2 quan điểm cấm và không cấm không chỉ trong dư luận, mà trên cả diễn đàn Quốc hội.
Hiến kế loại bỏ đòi nợ kiểu “xã hội đen”
Giải pháp nào cho thực tế trên? Theo luật gia Ngô Minh Trực, Giám đốc Công ty luật hợp danh Anh Luật (TP.HCM), không cần thiết phải phát triển loại hình dịch vụ đòi nợ thuê, mà thay thế nó bằng loại hình thừa phát lại.
Còn luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, nên tăng cường quản lý, áp dụng chế tài đã được quy định trong các văn bản pháp luật. Ví dụ, nếu đòi nợ thuê theo hình thức xã hội đen có thể xử phạt về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Đáng lưu ý là ý kiến của luật sư Nguyễn Tấn Thi khi trao đổi với chúng tôi về tìm giải pháp. Ông Thi cho rằng, cần áp dụng hàng rào kỹ thuật để điều chỉnh hành vi.
Cụ thể, hiện nay trong xã hội đang tồn tại nhiều hình thức đòi nợ, bao gồm cả phương thức khởi kiện ở tòa án và phương thức đòi nợ ngoài tòa án, phổ biến là thuê các công ty thu hồi nợ.
Thực hiện việc thu hồi nợ qua tòa án đã được pháp luật quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc Luật Trọng tài thương mại. Nhưng việc thu hồi nợ thông qua công ty dịch vụ thu hồi nợ thì quy định pháp luật còn lỏng lẻo, dẫn đến biến tướng, phát sinh những hình thức, biện pháp đòi nợ tiêu cực, gây tổn hại cho cá nhân, tổ chức và xã hội.
Pháp luật không thể cấm chủ nợ lựa chọn cá nhân, tổ chức đại diện cho mình để thu hồi nợ. Tuy nhiên, Nhà nước có quyền quy định phương thức thu hồi nợ. Các tổ chức thu hồi nợ đều phải thực hiện theo phương thức đó.
Như vậy, nếu quy định chi tiết hơn như buộc tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ thu hồi nợ chỉ được thực hiện thủ tục đòi nợ thông qua khởi kiện ở tòa án hoặc trọng tài thương mai. Những hình thức đòi nợ khác là trái luật và có biện pháp chế tài. Quy định như vậy nghiễm nhiên sẽ loại các công ty thu hồi nợ mà không ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của cá nhân, tổ chức.