Theo dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và đang đưa ra lấy ý kiến, ủy ban này sẽ tiếp nhận quản lý 21 doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất của Nhà nước, trong đó đứng đầu là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Sau khi chuyển giao, SCIC tiếp tục đảm nhiệm chức năng là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng được chuyển giao từ các bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 20 doanh nghiệp được siêu ủy ban tiếp quản chủ yếu bao gồm công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối, đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải.
Trực tiếp quản lý số vốn “khủng” như vậy, vấn đề đặt ra là ủy ban này sẽ có những cơ chế quản lý, hoạt động như thế nào để đạt được mục tiêu quan trọng nhất là bảo toàn và phát triển nguồn vốn Nhà nước một cách tốt nhất tại các doanh nghiệp? Đâu sẽ là thước đo và cơ chế giám sát nào để đảm bảo trách nhiệm giải trình minh bạch của bộ máy quản lý?
Trả lời câu hỏi này, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đơn vị trực tiếp xây dựng và soạn thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho biết, Ban soạn thảo đã đề xuất phương án thành lập các vụ quản lý chuyên ngành dựa trên việc phân chia theo nhóm ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp, giúp lãnh đạo Ủy ban thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như thực hiện chức năng quản lý doanh nghiệp theo đúng chuyên môn để đảm bảo hiệu quả quản lý ở mức cao nhất.
Cụ thể, các vụ quản lý chuyên ngành được xây dựng theo nhóm ngành: Nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, năng lượng, công nghệ thông tin, viễn thông, truyền thông, xây dựng và hạ tầng cùng các vụ tham mưu theo chức năng.
Cơ chế làm việc của Ủy ban theo chế độ thủ trưởng và các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp với cấp trên, được nhất quán xuyên suốt từ cấp cao nhất là Chủ tịch Ủy ban chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ủy ban.
Các phó chủ tịch giúp việc Chủ tịch dự kiến không quá 4 vị trí sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
Đặc biệt, một cơ chế thu nhập và đánh giá kết quả công việc gắn trực tiếp hiệu quả quản lý và kinh doanh của các doanh nghiệp dưới quyền quản lý của Ủy ban được đề xuất áp dụng cho các nhân sự và cán bộ nhân viên Ủy ban.
“Để Ủy ban thực hiện các nhiệm vụ đặc thù được giao, dự thảo kiến nghị Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động tài chính của Ủy ban theo nguyên tắc ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, bao gồm cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên.
Nguồn chi ngân sách nhà nước được cân đối trong khoản thu ngân sách nhà nước từ cổ phần hoá, sắp xếp, thoái vốn nhà nước, cổ tức, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Ngoài ra, bên cạnh chế độ tiền lương theo quy định, cơ quan chuyên trách sẽ có phần thu nhập bổ sung gắn với hiệu quả quản lý vốn nhà nước và năng suất lao động của các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu”, đại diện CIEM cho biết.
Cơ chế giám sát chặt chẽ được áp dụng từ cấp cao nhất là Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện việc giám sát, đánh giá hoạt động của Ủy ban. Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan ngang bộ giám sát hoạt động của Ủy ban trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao quản lý theo quy định của pháp luật.
Cơ sở cho giám sát, đánh giá dựa trên hệ thống chỉ tiêu, nhiệm vụ giao cho Ủy ban cũng như trách nhiệm công bố thông tin, minh bạch hóa hoạt động thông qua chế độ báo cáo và thực hiện kiểm toán báo cáo hoạt động hàng năm của Ủy ban.
Theo dự thảo Nghị định, 20 doanh nghiệp nhà nước chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban bao gồm công ty mẹ các tổng công ty, tập đoàn: Tập đoàn Xăng dầu, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản, Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tổng công ty Viễn thông VTC, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.