IR cần thực chất hơn
Hoạt động quan hệ nhà đầu tư là một hoạt động mang tính chiến lược, trong đó tích hợp các yếu tố tài chính, truyền thông, tiếp thị và tuân thủ pháp luật về chứng khoán nhằm tạo ra các thông tin liên lạc hiệu quả nhất giữa doanh nghiệp với cộng đồng tài chính và các đối tượng liên quan khác.
Hoạt động quan hệ nhà đầu tư hiệu quả sẽ giúp giá cổ phiếu phản ánh đúng giá trị hợp lý của doanh nghiệp và gia tăng niềm tin cũng như tỷ lệ gắn bó lâu dài của nhà đầu tư.
Hoạt động quan hệ nhà đầu tư nhìn chung chưa được nghiêm túc triển khai, hoặc mang tính chất thời vụ khi doanh nghiệp có kế hoạch huy động vốn, hoặc lợi dụng hoạt động này để tạo hiệu ứng “kéo” giá cổ phiếu.
Kể từ năm 2016, hoạt động quan hệ nhà đầu tư có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, hoạt động này nhìn chung chưa được nghiêm túc triển khai, hoặc mang tính chất thời vụ, nhất là ở các doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa vừa và nhỏ.
Hoạt động quan hệ nhà đầu tư chủ yếu được đẩy mạnh khi doanh nghiệp có kế hoạch huy động vốn hoặc lợi dụng hoạt động này để tạo hiệu ứng “kéo” giá cổ phiếu. Sau đó, hoạt động quan hệ nhà đầu tư giảm dần, hoặc không còn duy trì vì doanh nghiệp đã đạt được mục đích. Việc này có thể gây thiệt hại cho các nhà đầu tư và khiến nhà đầu tư không đủ niềm tin để gắn bó lâu dài.
Xếp hạng IR
Xếp hạng hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR Rating) được coi là giải pháp đẩy mạnh hiệu quả hoạt động quan hệ nhà đầu tư.
Thông qua chỉ số xếp hạng, nhà đầu tư dễ dàng đánh giá chất lượng hoạt động quan hệ nhà đầu tư của doanh nghiệp. Chỉ số ở mức cao sẽ củng cố tiêu chí định lượng để đưa ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, cũng như quyết định cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Chỉ số còn giúp các doanh nghiệp dễ dàng định lượng được chất lượng hoạt động quan hệ nhà đầu tư, từ đó dựa trên các tiêu chí để cải thiện mức xếp hạng.
IR Rating được tính toán dựa trên các tiêu chí định lượng và định tính, với thang điểm từ 0 - 5.
Các tiêu chí cụ thể bao gồm: 1) Thanh khoản và định giá doanh nghiệp; 2) Chính sách cổ tức; 3) Thu hút nhà đầu tư; 4) Quan hệ với công ty chứng khoán; 5) Mức độ tương tác với nhà đầu tư/nhà phân tích; 6) Mức độ đa dạng và hiệu quả truyền thông; 7) Chất lượng website; 8) Tuân thủ quy định về công bố thông tin; 9) Mức độ hài lòng đối với hoạt động IR của doanh nghiệp.
Trong đó, tiêu chí từ số 1 đến số 5 là tiêu chí định lượng dựa trên giao dịch của cổ phiếu, diễn biến giao dịch của các thành viên trên thị trường, báo cáo tài chính doanh nghiệp và báo cáo phân tích của khối công ty chứng khoán.
Các tiêu chí này phản ánh sự thay đổi hành vi của nhà đầu tư đối với cổ phiếu doanh nghiệp so với các cổ phiếu trong cùng nhóm ngành. Tiêu chí định lượng sẽ được cập nhật hàng quý sau mỗi kỳ công bố báo cáo tài chính.
Tiêu chí từ số 6 đến số 9 là tiêu chí định tính dựa trên các phương thức truyền thông (PR) ra bên ngoài, cả online và offline, đồng thời đánh giá mức độ tuân thủ với pháp luật và khảo sát chất lượng thực tế qua các diễn đàn và mạng xã hội. Tiêu chí định tính này mất nhiều thời gian trong quá trình đánh giá nên có thể tiến hành 6 tháng/lần.