Cuộc khủng hoảng nợ sẽ là bước ngoặt cho cả Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng nợ sẽ là bước ngoặt cho cả Mỹ và Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ - Trung thay đổi sau khủng hoảng nợ

Trung Quốc hiện là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, nhưng lại là chủ nợ lớn nhất của nước này, với gần 1.200 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ.

Khi tổng thống Nixon có chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc vào năm 1972, có lẽ ông cũng không ngờ được rằng đất nước đang phải vật lộn sau hàng thập kỉ suy thoái kinh tế khi ấy, sau 40 năm, lại trở thành một cường quốc, có quyền gay gắt thúc giục Mỹ áp dụng nhiều chính sách tài khóa có trách nhiệm hơn trong vai trò là chủ nợ lớn nhất của nước này.

 

Trung Quốc hiện là cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Thậm chí, người ta còn dự đoán rằng họ sẽ soán ngôi Mỹ chỉ trong một thập kỉ tới, khi GDP nước này cứ tăng trưởng đều đặn với gần 10% mỗi năm, để càng ngày càng thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Thế nhưng, Trung Quốc hiện cũng đóng vai trò là người giữ tiền tận tụy nhất của Mỹ khi trở thành chủ nợ lớn nhất của nước này với gần 1,2 nghìn tỉ USD trái phiếu chính phủ Mỹ.

 

Sau khi Standard & Poor hạ bậc tín nhiệm của Mỹ, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua nhận xét rằng: “Với vai trò là chủ nợ lớn nhất của quốc gia quyền lực nhất thế giới, Trung Quốc hoàn toàn có quyền yêu cầu Mỹ giải quyết vấn đề nợ công và bảo đảm an toàn cho số tài sản bằng USD mà Trung Quốc đang nắm giữ”. Tuyên bố này chẳng khác nào kết tội Mỹ là “con nghiện vay nợ” và có các chính sách tài chính “thiển cận”.

 

Todd Lee – Giám đốc của IHS Global Insight nói với CNBC rằng: “Nếu sự hoán đổi quyền lực xảy ra, thì cuộc khủng hoảng tài chính đúng là cột mốc”. Việc Trung Quốc nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ là nền tảng cho rất nhiều lý thuyết về sự thay đổi trong mối quan hệ giữa hai cường quốc này.

 

Thuyết khải huyền thì cho rằng: việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự đang làm phương Tây kinh hãi. Và đến cuối cùng thì một cuộc khủng hoảng – cũng như khi các nước phương Tây cố gắng ngăn không cho Trung Quốc tiếp cận nguồn dầu mỏ Trung Đông – sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh toàn diện.

 

Quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ngày càng tăng cũng làm cho Mỹ cảm thấy lo ngại. Tim Stanley – nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ tại Đại học hoàng gia Holloway nói với CNBC.com rằng: “Vấn đề là Trung Quốc đang tiếp quản thế giới và phương Tây sẽ sụp đổ. Trong suốt 20 năm qua, đã từng có rất nhiều cuộc nói chuyện về việc Trung Quốc chơi không đẹp trên thị trường quốc tế. Và giờ chủ đề ấy đã phát triển thành ‘Trung Quốc làm chủ nước Mỹ’”.

 

Nhưng liệu Trung Quốc có thật sự muốn sở hữu một quốc gia có tốc độ tăng trưởng thấp và tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Hay họ chỉ đang muốn bình ổn hóa sự phát triển kinh tế của chính mình?

 

Damian Tobin – giảng viên khoa Kinh doanh và quản lý Trung Quốc tại Đại học nghiên cứu về phương Đông và châu Phi tại London nói: “Các động thái của Trung Quốc cho thấy họ không có ý định soán ngôi Mỹ. Kể cả sau cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc cũng không phản ứng như một nước muốn trở thành bá chủ. Họ chẳng hề mua lại các ngân hàng hay quỹ đầu tư đang kiệt quệ của Mỹ”.

 

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nước này với khoảng 385,3 tỷ USD giá trị thương mại song phương năm 2010. Năm 2009, khi hàng nhập khẩu của Trung Quốc với Mỹ giảm đi, nền kinh tế Trung Quốc cũng tăng trưởng chậm lại và xuống còn 8,7% cho dù đã áp dụng một gói kích thích rất mạnh mẽ.

 

Qinwei Wang – nhà kinh tế học người Trung Quốc tại Capital Economics nói với CNBC.com rằng: “Trong khi mọi người cứ bàn tán về việc Trung Quốc lớn mạnh ra sao, nắm nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ như thế nào, thì tôi chỉ nghĩ là Trung Quốc phải đầu tư vào đấy để bình ổn đồng nhân dân tệ mà thôi. Vì Mỹ và châu Âu là những thị trường lớn nên Trung Quốc phải đầu tư rất nhiều vào thị trường ngoại hối và trái phiếu chính phủ Mỹ. Họ chẳng còn lựa chọn nào khác và buộc phải làm vậy để bình ổn thị trường”.

 

Việc mua USD và trái phiếu chính phủ Mỹ đã giúp Trung Quốc kiềm chế đà tăng giá của đồng nhân dân tệ so với USD để từ đó tăng giá hàng xuất khẩu. Ông Tobin nói: “Vấn đề ngược lại sẽ là liệu rằng chúng ta có thể dùng nhân dân tệ làm đồng tiền dự trữ hay không. Đứng trên lập trường của Trung Quốc, nếu các công ty nước này có thể dùng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế thay vì đồng USD, thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng việc đó là rất khó”.

 

Ông Stanley cũng cho biết: “Các nước lớn thường dựa vào việc mua hàng hóa của nhau. Mỹ cũng cần có thương mại tự do với Trung Quốc vì họ cần thị trường mới cho hàng hóa của mình”. Trung Quốc đang vượt qua Mỹ và trở thành thị trường lớn nhất thế giới với nhiều chủng loại hàng hóa khi nguồn đầu tư vào xây dựng và cơ sở hạ tầng bùng nổ. Khi họ trở nên ít tách biệt với thế giới, họ sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các nước khác”.

 

Thế nhưng, theo ông Lee, Trung Quốc cũng có những vấn đề riêng, bao gồm cả những lo ngại về khủng hoảng nợ tại Mỹ. Châu Âu đang kém hấp dẫn, vì thế kể cả khi Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm, thì nếu muốn đầu tư với số lượng lớn, trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn là an toàn nhất.

 

Hơn nữa, dù phát triển với tốc độ ấn tượng, Trung Quốc cũng có trục trặc về nợ. Ông Lee cho biết: “Dù tỷ lệ nợ trên GDP khá thấp, nhưng đó là nợ chính phủ, chứ chưa tính đến các địa phương. Trong cuộc khủng hoảng 2008 - 2009, Trung Quốc đã phải tung ra gói kích thích lớn cho nền kinh tế, và một trong những hậu quả mà nó để lại là nợ địa phương. Vì thế, nếu có một cuộc suy thoái nữa xảy ra, họ sẽ không thể áp dụng các biện pháp tương tự như thế được nữa”.

 

Tình hình lạm phát ở đây cũng rất đáng lo ngại khi CPI tháng 7 tăng 6,5% so với tháng trước đó, bất chấp việc ngân hàng trung ương nước này đã 5 lần tăng lãi suất cơ bản kể từ tháng 10/2010. Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng là một trong những điểm làm các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc phải đau đầu.

 

Ông Tobin nói rằng: “Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc đang tăng trưởng theo hướng nào? Mô hình phát triển của họ là gì? Và tôi không cho rằng họ đã quyết định được việc đó. Người Trung Quốc dường như đã thử rất nhiều hướng. Nền kinh tế của họ quá thực dụng mà không dựa trên các nguyên tắc tập trung nào cả”.

 

Chính phủ Trung Quốc đã không thể kiểm soát được hoàn toàn các ảnh hưởng xã hội mà bùng nổ kinh tế mang lại. Họ bắt đầu có những đặc điểm giống các nước phương Tây phát triển khác như nhu cầu tiêu dùng tăng và tỉ lệ trẻ em béo phì nhiều lên.

 

Nếu người dân Trung Quốc - những người có tỷ lệ tiết kiệm cao do chi phí về giáo dục và y tế - bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn từ chính quyền, tăng trưởng của nước này có thể sẽ chậm lại. Ông Tobin nói: "Nếu Trung Quốc cải cách phúc lợi xã hội và tiền tệ, họ sẽ không thể soán ngôi Mỹ để trở thành một siêu cường kinh tế". Ông Stanley cũng đồng quan điểm khi cho biết: "Người Trung Quốc đang bắt đầu đòi hỏi những phúc lợi như người Mỹ. Ở Trung Quốc, người biểu tình luôn luôn đòi hỏi chính phủ phải làm nhiều hơn, chứ không phải là ít đi".

 

Vì vậy, Mỹ có lẽ sẽ giữ được ngôi vị nền kinh tế lớn nhất thế giới thêm một thời gian nữa, nhưng đấy là chỉ khi người Trung Quốc trở nên giống người phương Tây hơn mà thôi.