Ảnh AFP
Kỳ vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, cùng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong cuộc họp kéo dài 2 ngày giữa tuần này giúp phố Wall có 3 phiên tăng điểm liên tiếp trước đó, đẩy S&P 500 lên mức cao lịch sử mới. Trong phiên thứ Ba, các chỉ số chính của phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng, nhưng sau đó đã quay đầu điều chỉnh sau khi một quan chức của chính quyền Mỹ cho Reuters biết rằng, Washington và Bắc Kinh đang tiếp tục thực hiện một thỏa thuận thương mại tạm thời, nhưng nó có thể không được hoàn thành kịp thời để các nhà lãnh đạo hai nước ký kết tại Chile vào tháng tới.
Thu nhập quý III của các công ty S&P 500 phần lớn tốt hơn mong đợi, với hơn 77% trong số 236 công ty báo cáo cho đến nay vượt qua kỳ vọng lợi nhuận, theo dữ liệu của Refinitiv. Tuy nhiên, thu nhập dự kiến sẽ giảm 1,9% trong quý này.
Trong một diễn biến khác, trước khi Fed tổ chức cuộc họp định kỳ bắt đầu từ thứ Ba này, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại chỉ trích Fed trên Twitter.
Kết thúc phiên 29/10, chỉ số Dow Jones giảm 19,30 điểm (-0,07%), xuống 27.071,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,53 điểm (-0,08%), xuống 3.036,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 49,13 điểm (-0,59%), xuống 8.276,85 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng quay đầu điều chỉnh nhẹ, ngoại trừ chứng khoán Pháp, cắt đứt mạch 6 phiên tăng liên tiếp trước đó do kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố và sự thận trọng của nhà đầu tư trước cuộc họp của Fed vào tuần này với dự báo cơ quan này sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ 3 trong năm nay.
Kết thúc phiên 29/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 25,02 điểm (-0,34%), xuống 7.306,26 điểm. Chỉ số DAX 2,09 điểm (-0,02%), xuống 12.939,62 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 9,58 điểm (+0,17%), lên 5.740,14 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng khi giới đầu tư kỳ vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, thì các thị trường khác quay đầu điều chỉnh do áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu công nghệ, cùng tâm lý chờ đợi kết quả chính thức từ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Ngoài ra, chứng khoán Hồng Kông còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều khả năng kinh tế thành phố sẽ tăng trưởng âm do khủng hoảng chính trị.
Kết thúc phiên 29/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 106,86 điểm (+0,47%), lên 22.974,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 25,87 điểm (-0,87%), xuống 2.954,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 104,50 điểm (-0,39%), xuống 26.786,76 điểm. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 0,91 điểm (-0,04%), xuống 2.092,69 điểm.
Giới đầu tư trên thị trường vàng cũng thận trọng chờ đợi cuộc họp của Fed khiến giá vàng chỉ lình xình đi ngang trong gần như suốt phiên thứ Ba trước khi đóng cửa tiếp tục giảm. Tuy nhiên, mức giảm nhẹ hơn nhiều so với phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 29/10, giá vàng giao giảm 4,9 USD (-0,33%), xuống 1.487,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 5,1 USD (-0,34%), xuống 1.490,7 USD/ounce.
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu tiếp tục giảm khi bước vào phiên giao dịch thứ Ba, nhưng sau đó đã dần hồi phục với việc giá dầu thô Brent đảo chiều thành công, còn giá dầu thô Mỹ hạn chế đà giảm.
Giá dầu thô hồi phục nhờ kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và kỳ vọng kho dự trữ sản phẩm tinh chế của Mỹ tuần trước giảm. Cụ thể, theo thăm dò của Reuters, kho dự trữ xăng của Mỹ tuần trước dự kiến giảm 2,2 triệu thùng, trong khi sản phẩm dầu diesel và dầu nóng sẽ có tuần giảm thứ 6 liên tiếp.
Kết thúc phiên 29/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,27 USD (-0,48%), xuống 55,54 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,02 USD (+0,03%), lên 61,59 USD/thùng.