Kết quả kinh doanh tiêu cực của hãng sản xuất chip Nvidia tiếp tục gây áp lực lớn lên phố Wall khi mở cửa phiên giao dịch cuối tuần qua. Trong đó, cổ phiếu Nvidia giảm 18,8%, còn chỉ số bán dẫn Philadelpia giảm 1,2%.
Áp lực của nhóm cổ phiếu công nghệ khiến các chỉ số chính của phố Wall chủ yếu dao động dưới tham chiếu trong phiên sáng cuối tuần, nhưng sau đó, các chỉ số đã hồi phục khi nhận được các thông tin tích cực.
Cụ thể, trả lời phóng vấn trên CNBC, Phó chủ tịch Fed và được bổ nhiệm Richard Clarida cho biết, lãi suất của Mỹ gần đạt được ước tính của Fed về mức trung lập. Ông cũng cho rằng, có một số bằng chứng về sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu.
Theo dự báo, gần như chắc chắn Fed sẽ có thêm 1 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay vào tháng 12, nhưng sau phát biểu của Clarida, nhiều dự báo cho rằng, tốc độ tăng lãi suất có thể sẽ giảm trong năm tới và điều này đã hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, việc Tổng thống Trump bất ngờ cho biết, chính quyền của ông có thể sẽ không áp thêm thuế đối với các hàng hóa của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh gửi Washington danh sách các biện pháp mà họ sẵn sàng thực hiện nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại cũng hỗ trợ tích cực cho tâm lý nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư đang hướng tới cuộc họp G20 vào cuối tháng này, tại đó lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp nhau. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng chờ đợi cuộc họp tháng 12 của Fed.
Kết thúc phiên 16/11, chỉ số Dow Jones tăng 123,95 điểm (+0,49%), lên 25.413,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,07 điểm (+0,22%), lên 2.736,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 11,16 điểm (-0,15%), xuống 7.247,87 điểm.
Dù hồi phục 2 phiên cuối tuần, nhưng với 3 phiên giảm mạnh trước đó, đặc biệt là phiên đầu tuần khiến phố Wall chấm dữ chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 2,22%, S&P 500 giảm 1,61% và Nasdaq giảm 2,15%.
Chứng khoán châu Âu dù mở cửa với sắc xanh tốt, nhưng sau đó lại đồng loạt quay đầu và đóng cửa trong sắc đỏ khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit của Anh. Ngoài ra, sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ sau kết quả kinh doanh tồi tệ của Nvidia, nhà sản xuất chịp của Mỹ công bố trong phiên trước đó cũng góp phần khiến chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 16/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 24,13 điểm (-0,34%), xuống 7.013,88 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 12,67 điểm (-0,11%), xuống 11.341,00 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 8,42 điểm (-0,17%), xuống 5.025,20 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng điều chỉnh trở lại sau 3 tuần tăng liên trước đó. Cụ thể, trong tuần chỉ số FTSE 100 giảm 1,29%, chỉ số DAX giảm 1,63%, chỉ số CAC 40 giảm 1,60%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ sau kết quả kinh doanh tiêu cực của Nvidia trên thị trường chứng khoán Mỹ. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lại tăng điểm sau thông tin Trung Quốc đã lên danh sách các nhượng bộ về giảm nhiệt căng thẳng thương mại với Mỹ.
Kết thúc phiên 16/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 123,28 điểm (-0,57%), xuống 21.680,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 10,94 điểm (+0,41%), lên 2.679,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 80,19 điểm (+0,31%), lên 26.183,52 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm mạnh 2,56% sau khi gần như không đổi tuần trước, trong khi Hang Seng hồi phục 2,27% và Shanghai Composite cũng hồi phục 3,09%.
Sau phát biểu của Phó chủ tịch Fed, đồng USD giảm và kích giá vàng đi lên mạnh trong phiên cuối tuần, đánh dấu 1 tuần giảm trọn vẹn và là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của kim loại quý.
Kết thúc phiên 16/11, giá vàng giao ngay tăng 8,1 USD (+0,67%), lên 1.221,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 7 USD/ounce (+0,48%), lên 1.222,0 USD/ounce.
Sau 2 tuần giảm liên tiếp, giá vàng đã có tuần hồi phục tích cực trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần giá vàng giao ngay tăng 0,97% và giá vàng tương lai tăng 1,11%.
Với những diễn biến trong tuần qua, cùng các thông tin hỗ trợ, cả giới đầu tư và phân tích đều có cái nhìn lạc quan trở lại về xu hướng của giá vàng trong tuần mới.
Cụ thể, theo khảo sát, trong 15 chuyên gia trả lời cuộc khảo sát tuần này, có 9 người, chiếm 60% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, cao hơn nhiều con số 20% trong tuần trước, trong khi đó có 3 người, chiếm 20% dự báo giá vàng giảm, thấp hơn nhiều con số 60% của tuần trước và 3 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 20%.
Trong khi đó, trong 502 người tham gia cuộc khỏa sát trực tuyến, có 311 người, chiếm 60% dự báo giá vàng sẽ tăng, cao hơn con số 48% của tuần trước; 123 lượt, chiếm 26% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn con số 29% của tuần trước và 68 lượt người, chiếm 14% dự báo giá vàng đi ngang.
Giá dầu thô tiếp tục giữ được sự ổn định trong phiên cuối tuần, nhưng không tránh khỏi tuần giảm thứ 6 liên tiếp.
Kết thúc phiên 16/11, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,00 USD (+0,00%), đứng ở mức 56,46 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,14 USD (+0,21%), lên 66,76 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tiếp tục giảm 6,20% và giá dầu thô Brent giảm 4,87%.