Hàng cháo của cô Hồng ở quận 4 là địa chỉ được nhiều người Sài Gòn lui tới vào mỗi sáng dù không biển hiệu, không bàn ăn.
Các công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu đến nấu nướng được bắt đầu từ 2h sáng. Cháo ở đây chỉ có da heo và huyết ăn kèm.
Giá (đỗ) sống được rửa sạch và để trong rổ. Khi có khách gọi món, bà Hồng sẽ nắm chút giá cho vào trong tô rồi múc vài ba vá cháo lấp đầy.
Bà Hồng cho hay: "Cháo nấu đơn giản nhưng cách đong gạo, nêm nếm, chọn nguyên liệu đều được mẹ tôi truyền lại. Mấy chục năm nay tôi vẫn giữ nguyên".
Đến các vật dụng như tô đá, muỗng nhôm ngày trước vẫn được quán sử dụng để phục vụ khách. Do vậy, quán ăn này còn gợi lại nhiều ký ức đối với những người từng gắn bó với các món đồ này.
Hạt gạo được nấu nở bung và có màu cánh gián. Một tô cháo ở đây có giá 5.000 đồng.
"Hồi đó mẹ tôi chủ yếu mở bán cho người lao động chân tay. Giá khi đó chỉ vài trăm đồng. Bây giờ 5.000 đồng là lên dữ lắm rồi...". chủ quán kể. Mỗi ngày, quán nấu hơn 6 kg gạo và chỉ bán khoảng 3 tiếng là dọn.
Huyết không quá mềm và nát. Mỗi tô có khoảng 5 miếng.
Da heo giòn sựt được nhiều khách ưa thích khi gọi thêm tô thứ hai. Có người ăn một lượt 3 tô mà vẫn chưa thấy đã.
Khách có thể gọi cháo quẩy ăn kèm để no hơn. Giá một tô quẩy chiên giòn là 5.000 đồng.
Ở đây, khách vãng lai hay người ăn quen trên chục năm đều có. Hiện sống ở quận 7 và làm nghề lái xe tải, anh Hoàng kể đã ăn ở đây được hơn 4 năm. "Mỗi sáng, sau khi kết thúc giao hàng mà còn thời gian, tôi đều ghé quán cháo của cô Hồng. Có bữa ăn 2, 3 tô mà không thấy ngán", anh Hoàng nói.
Còn chú Tám (ngụ quận 4) tóc đã hai màu thì chậm rãi nói: "Tôi ăn ở đây từ hồi giá một tô cháo chỉ có vài đồng bạc. Bây giờ vật giá thay đổi nên giá cũng tăng theo nhưng 5.000 đồng vẫn còn quá rẻ".