QIA đâu có đầu tư dàn trải

QIA đâu có đầu tư dàn trải

(ĐTCK) Theo nhiều nhà phân tích, thoạt nhìn thì QIA có vẻ đầu tư khá dàn trải, nhưng thực sự toàn là những khoản đầu tư “ra tấm, ra miếng”, vào toàn những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.

Challenge, tờ tạp chí kinh doanh hàng đầu của Pháp số ra tuần trước đã dành trọn 12 trang (chưa kể trang bìa) để nói về hiện tượng Qatar, quốc gia có vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất hiện nay và điểm mặt hàng loạt doanh nhân có máu mặt của nước này, trong đó tập trung vào ông Shekh Tamim Bin Hamad Al- Thain, Chủ tịch Ban giám đốc Qatar Investment Authority (QIA), tập đoàn quản lý và kinh doanh vốn nhà nước của Qatar.

Bài báo có tựa đề, nguyên văn tiếng Pháp: Les Secrets du plus gros investisseur du monde (tạm dịch: Những bí ẩn của nhà đầu tư lớn nhất thế giới). Theo  Challenge, trong 3 năm qua, Qatar đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất thế giới bằng việc thông qua QIA, Qatari Diar, Qatar National Bank... mỗi năm đầu tư từ 20 đến 30 tỷ USD ra nước ngoài. Theo số liệu chính thức, tính đến cuối tháng 1/2012, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Qatar đạt 210 tỷ USD, trong đó riêng QIA chiếm tới 135 tỷ USD.

Tạp chí đã liệt kê ra một danh sách dài các dự án đầu tư lớn ở một số nước châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Sỹ, Tây Ban Nha (xem box đi kèm). Các tác giả Anne - Marie Rocco, Delphine Déchaux đã nêu ra một thực tế là QIA đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực từ tài chính - ngân hàng, bất động sản, dịch vụ bán lẻ, năng lượng đến sản xuất ô tô... và cả bóng đá. Cụ thể, QIA đã đầu tư mua 70% cổ phần của đội bóng Paris Saint Germain (hiện đang dẫn đầu Giải ngoại hạng Pháp) và sở hữu đội bóng Malaga CF của Tây Ban Nha.

Đấy là mới tính các khoản đầu tư của QIA ở châu Âu, chưa tính đến châu Á, châu Mỹ và các khu vực khác. Mới đây, QIA đã lập ra một quỹ đầu tư con tại Indonesia có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD.

Tạp chí đã đưa ra một thông tin gây chú ý là Chủ tịch Ban giám đốc tập đoàn đầu tư khổng lồ này là ông Sheik Tamim Bin Hamad Al-Thani, mới hơn 31 tuổi. Không chỉ có vậy, ông đã được tiểu vương Sheikh Hamad Bin Jassem bin Jabr Al - Thani chọn là người kế vị, cho dù ông chỉ là con trai thứ 4 trong tổng số 9 người con. Bản thân tiểu vương Sheikh Hamad bin Jassem bin Jabr Al - Thani trên danh nghĩa vẫn là Giám đốc điều hành (CEO) của QIA, song công tác điều hành chủ yếu do đội ngũ chuyên gia cấp cao (kể cả chuyên gia nước ngoài) đảm nhiệm.

Ông Sheik Tamim Bin Hamad Al- Than đã được giáo dục rất bài bản từ nhỏ theo phong cách phương Tây. Ông này được theo học các trường nổi tiếng dành riêng cho giới quý tộc ở Anh từ bậc phổ thông, như Harrow, Sherborne. Sau khi tốt nghiệp Học viện quân sự lừng danh Sandhurst của Anh, ông đã được gửi vào quân đội một thời gian cho biết… mùi lính.

Giờ đây, ngoài chức danh Chủ tịch Ban giám đốc QIA, ông còn nắm hơn 10 chức khác, mà nghe đều rất oai. Đó là Phó tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Qatar; Chủ tịch Ủy ban Olympic Qatar; thành viên Ủy ban Olympic quốc tế; Chủ tịch Hội đồng tối cao về công nghệ thông tin và truyền thông….

Theo nhiều nhà phân tích, thoạt nhìn thì QIA có vẻ đầu tư khá dàn trải, nhưng thực sự toàn là những khoản đầu tư “ra tấm, ra miếng”, vào toàn những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Porche, Volkswagen, Credit Suisse…, nên không lo “cụt vốn”, mà trái lại được ăn theo rất khá.

“Nói có sách mách có chứng” xin nêu ngay một vdẫn chứng cụ thể. Cuối tuần qua, Volkswagen đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2011 (kết quả đầy đủ vvà chính thức sẽ được công bố vào ngày 12/3 tới). Theo đó, năm 2011, lợi nhuận thuần của Volkswagen đạt 15,41 tỷ euro (20,5 tỷ USD), tăng gấp hơn 2 lần so với con số 6,84 tỷ euro của năm 2010; doanh thu cũng tăng 26% đạt 159,3 tỷ euro. Hơn thế nữa, trong năm 2010, Volkswagen bán được gần 8,27 triệu xe các loại, tăng 14,7% so với năm 2010 và quan trọng hơn là soát ngôi vị thứ 2 thế giới của Hãng Toyota (Nhật Bản), chỉ kém có General Motors (GM của Mỹ). Như thế thì QIA đầu tư vào Volkswagen là quá được còn gì!           

Danh mục đầu tư của QIA vào châu Âu

 

Vương quốc Anh

- Ngân hàng Barclays (6% cổ phần)

- Sở Giao dịch chứng khoán London (15% cổ phần)

- Chuỗi hệ thống siêu thị Sainsburry’s (26% cổ phần)

- Trung tâm thương mại cao cấp Harrods

- Các dự án bất động sản lớn như Canary Wharf, Chelssea Barack, Shell Centre, làng thế vận hội 2012 tại London 

 

Đức

- Hãng sản xuất ô tô Volkswagen (7% cổ phần)

- Hãng sản xuất ô tô Porsche (10% cổ phần)

- Tập đoàn xây dựng Hochtief (9 % cổ phần)

 

Pháp

- Các tập đoàn kinh tế: Veolia (5% cổ phần);

Suez Environnements (6% cổ phần)

Vinci (5% cổ phần)

Lagardère (10% cổ phần)

- Các khách sạn hạng sang tại Paris, như Le   Royal Monceau Rafles; Centre Kléber; Peninsula...

 

Tây Ban Nha

Tập đoàn năng lượng Ibeldrola (6% cổ phần)

 

Thuỵ Sỹ

- Tập đoàn tài chính - Ngân hàng Credit Suisse (6% cổ phần)

- Các khách sạn hạng sang như Schwiezerhof ở Bern; Eoyal Sovay ở Lausanne.