QE sẽ là “hạt giống” khủng hoảng của Eurozone

QE sẽ là “hạt giống” khủng hoảng của Eurozone

(ĐTCK) Lo sợ rơi vào tình trạng giảm phát giống như Nhật Bản bắt đầu ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách ở khu vực đồng euro (eurozone).

Lạm phát ở liên minh tiền tệ này tiếp tục bò lùi, còn 0,3% trong tháng 8. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tính xem có nên làm theo các ngân hàng trung ương Mỹ, Anh và Nhật Bản, triển khai một chương trình nới lỏng định lượng, mua tài sản với khối lượng lớn (QE).

“Nhưng một chiến dịch như vậy sẽ không ngăn chặn được một ‘thập kỷ lạc lối’ giống như Nhật Bản”, Michael Heise, Kinh tế trưởng của Allianz nói. “Nó, trên thực tế, có thể dẫn đến tình huống rất khó xử mà châu Âu muốn tránh”.

Michael Heise đã đưa ra 5 lý do tại sao ECB không nên nới lỏng định lượng. Thứ nhất, lạm phát thấp gần đây một phần là hậu quả của sự suy giảm giá dầu và các hàng hóa khác. Điều đó cũng phản ánh những điều chỉnh cần thiết ở khu vực ngoại vi eurozone - tiết chế tiền lương - và ảnh hưởng của hoạt động cải cách cơ cấu khiến giá cả giảm xuống trên mọi lĩnh vực. Đây thực sự là những gì mà các nước như Hy Lạp và Bồ Đào Nha cần làm để khôi phục năng lực cạnh tranh và cải thiện sức mua.

Không có dấu hiệu về một vòng luẩn quẩn giữa kỳ vọng lạm phát giảm và chi tiêu dè xẻn. Tỷ lệ lạm phát sẽ tăng dần trở lại khi kinh tế hồi phục.

Thứ hai, mặc dù ECB có một vài lựa chọn khi thực hiện chương trình QE, nhưng có những phản biện quan trọng. Việc mua chứng khoán hay trái phiếu doanh nghiệp có tài sản thế chấp sẽ phơi nhiễm các doanh nghiệp châu Âu với rủi ro tín dụng. Nếu ECB mua các trái phiếu chính phủ eurozone theo tỷ lệ tương ứng với GDP của mỗi nước, sự can thiệp của Ngân hàng sẽ được tập trung vào Đức, nơi lợi suất trái phiếu ở mức thấp nhất khu vực, hiện dưới 1% đối với trái phiếu 10 năm. Nhưng bất kỳ chương trình mua tài sản nào tập trung vào các nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn sẽ dẫn đến một sự phân phối lại rủi ro - rất khó được chấp nhận về mặt chính trị - trong khu vực và tạo nên những động lực không hay cho chính sách tài khóa.

Thứ ba, tác động của biện pháp gia tăng nới lỏng tiền tệ đến sản lượng và giá cả sẽ là không đáng kể. Đó là lý do vì sao suy thoái ở nhiều nơi trong eurozone lại được gây ra bởi tác động của sự bùng nổ nợ công và tư nhân. Các hộ gia đình và doanh nghiệp đã mắc nợ không thể vay thêm, trái lại, họ muốn trả bớt nợ. Điều này khiến cho chính sách tiền tệ trở nên không hiệu quả.

Thứ tư, rủi ro từ chính sách nới lỏng tiền tệ thái quá đang ngày một lớn. Rủi ro đối với ổn định tài chính đang tăng lên khi các nhà đầu tư ùa vào những tài sản rủi ro hơn để tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn. Một vài loại tài sản, như trái phiếu doanh nghiệp, được giao dịch ở các mức giá tựa như bị thổi phồng.

Thứ năm, nới lỏng tiền tệ thêm nữa sẽ trì hoãn những điều chỉnh cần thiết trong bảng cân đối của các ngân hàng và doanh nghiệp châu Âu. Sự dư thừa thanh khoản giá rẻ từ Ngân hàng Trung ương cho phép các ngân hàng thương mại tiếp tục làm chỗ dựa cho các con nợ ốm yếu. Đây chính xác là kiểu “cho vay xác chết” từng tiêu diệt tăng trưởng kinh tế ở Nhật Bản trong hơn 1 thập kỷ.

Với nhiều ngân hàng ở Nam Âu, thanh khoản của ECB đã thay thế thị trường tiền tệ. Nhưng không thể coi là hợp lý nếu loại bỏ các nguyên tắc thị trường trong một thời gian dài.

ECB đúng là có chức năng người cho vay cuối cùng ở khu vực đồng euro. Nhưng Ngân hàng đã gây ngập lụt thanh khoản cho cả nền kinh tế châu Âu.

Thông điệp chính sách của ECB không nên bao gồm các cam kết thêm rằng, thanh khoản miễn phí sẽ có mãi mãi. Các ngân hàng nên được nói cho biết rằng, sớm hay muộn thì lãi suất cũng sẽ trở lại mức bình thường.

Chính sách tiền tệ tự nó sẽ không đưa được nền kinh tế eurozone trở lại với tăng trưởng. Cải thiện thị trường lao động và môi trường đầu tư, cải cách tài khóa và điều chỉnh chi tiêu công theo hướng đầu tư hỗ trợ tăng trưởng trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng và giao dịch là những gì châu Âu phải tập trung thực hiện lúc này.

Tin bài liên quan