Qantas quay về với thị trường châu Á

Qantas quay về với thị trường châu Á

(ĐTCK-online) Trong tuần qua, ông Alan Joyce, Giám đốc điều hành (CEO) của Qantas Airways Ltd., hãng hàng không lớn nhất Australia đã chính thức công bố một số điều chỉnh mới trong chiến lược phát triển của Hãng.

Qantas quay về với thị trường châu Á ảnh 1

CEO Qantas Alan Joyce

Đầu tiên, Qantas sẽ cắt giảm 1.000 việc làm trong tổng số 36.000 nhân viên của mình, nhằm tái cơ cấu hoạt động của các đường bay quốc tế. Các vị trí bị ảnh hưởng gồm cán bộ quản lý, phi công, tiếp viên, kỹ sư và nhân viên hành chính tại sân bay. Trong số 1.000 nhân viên bị cắt giảm có tới 350 người làm việc ở bộ phận các chuyến bay quốc tế đường dài (sang châu Âu, châu Mỹ).

Thứ hai, Qantas đã ký thoả thuận với Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus đặt mua 110 máy bay Airbus A320, trong đó có 78 chiếc máy bay A320neo đời mới. Đồng thời. Qantas xin lùi thời gian nhận 6 chiếc máy bay lớn nhất thế giới hiện nay A380 tới 6 năm, tức là bắt đầu từ ngày 1/6/2018, Qantas mới nhận bàn giao máy bay A380 mới. Hiện tại, với việc đang khai thác 10 chiếc A380, Qantas là nhà khai thác A380 lớn thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên, chi phí để duy trì máy bay A380 khá tốn kém, mà hiệu suất khai thác lại không được như mong muốn. Động thái trên cho thấy, Qantas sẽ tập trung hơn cho các chặng bay quốc tế tầm gần (trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương), thay vì bay đến Mỹ và châu Âu.

Ông Alan Joyce phát biểu: “Chúng tôi rất vui khi đầu tư vào dòng máy bay A320 đạt hiệu quả nhiên liệu cao của Airbus, bao gồm những chiếc A320neo mới, như một phần của kế hoạch chuyển đổi sang các đường bay quốc tế của Qantas và việc mở rộng đường bay xuyên châu Á của Jetstar”.

Thứ ba, Qantas sẽ chú trọng tới việc tham gia vào liên doanh với các hãng hàng không trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thay vì chỉ là một hãng hàng không của Australia. Trước mắt, Qantas sẽ chọn Singapore là điểm trung chuyển chính trên các đường bay sang châu Âu và Mỹ (thay vì Hồng Kông và Bangkok như hiện nay).

Thứ tư, trong tương lai, Qantas sẽ thành lập một hãng hàng không mới có trụ sở ở châu Á. Hãng này sẽ có tên hoàn toàn mới, biểu tượng mới. Tất nhiên, Qantas sẽ là cổ đông lớn nhất.

Giới đầu tư vẫn phản ứng khá dè dặt với các kế hoạch trên của Qantas, khi vào cuối tuần qua, tại Sở GDCK Sydney (Australia), giá cổ phiếu của Qantas tăng 2% lên mức 1,57 AUD/cổ phiếu.

Ở Australia, có hẳn một đạo luật có tên gọi là Qantas Sale Act, bảo đảm Qantas luôn có trụ sở chính đặt tại Australia và phải do doanh nghiệp Australia nắm cổ phần chi phối. 

Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Australia Anthony Albanese cam kết sẽ xem xét kỹ toàn bộ kế hoạch mới mà ông Alan Joyce  vừa công bố, nếu phát hiện thấy có dấu hiệu nào không phù hợp với Luật Qantas Sale Act, thì sẽ yêu cầu Qantas chỉnh sửa ngay lập tức.

Ngày 23/8, Qantas đã công bố kết quả kinh doanh của năm tài chính vừa qua (kết thúc vào ngày 30/6/2011). Kết quả này nhìn chung khá khả quan, với lợi nhuận thuần của Qantas là 250 triệu AUD  (263 triệu USD), tăng gấp hơn 2 lần so với năm ngoái (112 triệu AUD). Doanh thu cũng tăng 8% lên mức 14,9 tỷ AUD.

Theo nhiều nhà phân tích, thực ra, những kế hoạch điều chỉnh chiến lược của Qantas mà ông Alan Joyce vừa công bố với báo giới không gây bất ngờ với nhiều người.

Tháng 3 vừa qua, nhằm đối phó với xu hướng giá nhiên liệu tiếp tục tăng, Qantas đã cắt giảm quy mô hoạt động trên nhiều đường bay quốc tế, cũng như giảm số máy bay hoạt động, số cán bộ quản lý và tiếp tục duy trì trợ giá nhiên liệu.

Trong một động thái khác, ngày 15/8 vừa qua, Qantas Airways cùng Hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines và Tập đoàn thương mại Mitsubishi Corp. (đều của Nhật Bản) đã công bố quyết định thành lập một hãng hàng không nội địa giá rẻ hoạt động ở thị trường Nhật Bản, mang tên Jetstar Japan, dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2012. Liên doanh này do mỗi bên góp 1/3 cổ phần và có tổng vốn ban đầu 1,6 tỷ USD. Các chuyên gia hàng không quốc tế nhận xét, có nhiều yếu tố thuận lợi khiến cho Qantas chuyển hướng mạnh về châu Á.

Thứ nhất, theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), lợi nhuận của các hãng hàng không châu Á năm nay ước đạt 2,1 tỷ USD, chiếm hơn 50% lợi nhuận của ngành hàng không dân dụng toàn cầu (4 tỷ USD).

Thứ hai, ông Alan Joyce có nhiều năm làm việc ở châu Á, nên hiểu rõ thị trường này. Ông gia nhập Qantas năm 2000. Tháng 10/2003, ông được bổ nhiệm làm CEO Jetstar Airways (một công ty con của Qantas) chuyên hoạt động ở một số thị trường châu Á, để rồi cuối tháng 11/2008 đảm nhiệm chức CEO của Qantas.

“Trước đây chúng ta thường bay qua các nước châu Á trên đường đến các nước châu Âu, chứ không phải là đích đến. Còn nay chúng tôi bay đến các nước châu Á như là điểm đến cuối cùng. Chúng ta cần phải quay về với các thị trường châu Á trước khi quá muộn. Qantas muốn phát triển cùng châu Á”, ông Alan Joyce nhấn mạnh.