Theo đó, Ngân hàng ACB đăng ký bán ra 3 triệu cổ phiếu PVT từ 20/3 đến 18/4 để cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Nếu bán thành công, ACB sẽ giảm sở hữu tại PVT từ 9.056.850 đơn vị, tỷ lệ 3,89% vốn, xuống còn 6.056.850 đơn vị, tỷ lệ 2,6% vốn.
Được biết, ông Nguyễn Văn Hòa hiện là người đại diện phần vốn góp của ACB tại PVT và đang giữ vị trí Thành viên HĐQT PVT. Cá nhân ông Hòa không nắm giữ cổ phiếu PVT nào.
Khối lượng giao dịch và giá cổ phiếu PVT trong 3 tháng qua. Nguồn: HOSE.
Trong 3 tháng qua, từ 17/12/2013 đến 17/3/2014, cổ phiếu PVT đã tăng mạnh từ 12.700 đồng lên 16.000 đồng (giá chốt ngày 17/3), tương ứng mức tăng gần 26%. Thanh khoản của mã này cũng luôn ở mức cao với số lượng giao dịch bình quân 2,5 triệu đơn vị mỗi phiên.
Nếu tính theo giá chốt ngày 17/3, ACB sẽ thu về trên 48 tỷ đồng khi bán hết số cổ phiếu đăng ký.
Đây cũng là một trong 2 mã mới được thêm vào danh mục của quỹ VNM ETF. Các chuyên gia cho rằng, việc ACB thực hiện bán ra PVT giúp cho chiến lược đầu tư của quỹ này ít bị ảnh hưởng khi không phải mua lượng lớn cổ phiếu PVT trên sàn giao dịch. Ước tính trong kỳ cơ cấu lần này, quỹ sẽ mua vào khoảng 14,6 triệu cổ phiếu PVT.
Tại phiên 18/3, cổ phiếu PVT đã vọt tăng trần lên 17.100 đồng ngay từ đầu phiên, giao dịch rất sôi động khi đã khớp được hơn 5 triệu đơn vị và vẫn còn dư mua giá trần (tại thời điểm 10h).