Tỷ trọng doanh thu từ PVN giảm từ 85% về 25%
Trước đây, PVI là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và đại diện vốn là PVN. Sau khi PVI thực hiện cổ phần hóa (2006) và bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, đến nay, PVN đã giảm sở hữu xuống còn 35% và PVI có 2 cổ đông chiến lược nước ngoài gồm HDI Global (thuộc Tập đoàn Talanx đến từ Đức) nắm 35,74% vốn và quỹ đầu tư của Chính phủ Oman nắm 11,58% vốn.
Talanx là một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất châu Âu, hiện quản lý hơn 100 tỷ euro tài sản. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện HDI Global mới chỉ đầu tư vào PVI. Đại diện HDI Global cho biết, rất quan tâm đến việc thoái vốn của PVN và dự tính sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại PVI, song mọi việc còn phải chờ quyết định cuối cùng của PVN.
Tại cuộc trò chuyện mới đây, trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, “Khi còn là thành viên của PVN, PVI có rất nhiều lợi thế, khi gần như độc quyền mảng bảo hiểm dầu khí. Nếu sau này PVN thoái vốn khỏi PVI, giả sử HDI Global mua số cổ phiếu này và trở thành cổ đông nắm quyền chi phối, liệu HDI Global có lo ngại việc mất lợi thế nội ngành sẽ khiến PVI gặp khó không?”, ông U.H. Wollschlager, Giám đốc tài chính HDI Global cho biết, đúng là trước đây, khi PVN còn nắm quyền chi phối, PVI được hưởng lợi lớn từ mạng lưới của Tập đoàn, nhưng vài năm gần đây, mức độ phụ thuộc đã giảm khá đáng kể.
“5 năm qua, từ khi HDI Global trở thành cổ đông chiến lược, hoạt động kinh doanh bán lẻ của PVI dần khởi sắc. Thực tế cho thấy, ở các thị trường đang phát triển như Việt Nam, tiềm năng ở mảng bán lẻ là rất lớn, khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân cần mua bảo hiểm để bảo vệ cho các tài sản của mình như ô tô, nhà… Mô hình tại PVI hiện tương tự với HDI Global, khi trước đây HDI Global cũng tập trung vào các sản phẩm bảo hiểm công nghiệp, nhưng giờ đã có cả những sản phẩm bảo hiểm về bán lẻ…”, ông Wollschlager nói.
Việc thoái vốn của PVN tại PVI còn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp bảo hiểm khác, nhất là các doanh nghiệp lớn muốn lấn sâu hơn ở mảng “bán buôn” là bảo hiểm cho ngành dầu khí.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI cho biết, hiện nay, tỷ trọng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm liên quan đến PVN đã giảm xuống còn 25% tổng doanh thu, trong khi trước đây có thời điểm lên đến 85%.
“Sự phát triển của PVI những năm qua cho thấy, Công ty không còn phụ thuộc quá nhiều vào PVN. PVI đã báo cáo phương án thoái vốn và nếu thoái thành công số vốn này (35%), PVN sẽ thu về một khoản tiền rất lớn”, ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch PVI, bên cạnh hiện thực hóa lợi thế nội ngành, sự phát triển thời gian qua còn thể hiện rõ nỗ lực cạnh tranh ngoài ngành của PVI, nhằm vươn ra cạnh tranh quốc tế. Hiện PVI là nhà bảo hiểm công nghiệp đứng đầu thị trường, không chỉ trong lĩnh vực dầu khí, mà cả hàng không, hàng hải, điện lực. PVI đang cung cấp nhiều chương trình bảo hiểm cho Vietnam Airlines, Vietjet Air, Helicopter, Vinalines, Vinashin…
Không có chuyện chỉ định thầu
Thực tế, việc thoái vốn của PVN tại PVI còn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp bảo hiểm khác, nhất là các doanh nghiệp lớn muốn lấn sâu hơn ở mảng “bán buôn” là bảo hiểm cho ngành dầu khí. Với lợi thế có cổ đông lớn là PVN, các doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, PVI gần như “một mình một ngựa” ở mảng bảo hiểm dầu khí. Sân chơi bảo hiểm dầu khí gần như được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, chứ không phải đấu thầu công khai.
Tuy nhiên, Chủ tịch PVI phủ nhận điều này và khẳng định, mảng dầu khí vẫn được đấu thầu một cách sòng phẳng.
“Từ nhiều năm nay, đặc biệt sau khi có quy chế đấu thầu bảo hiểm được ban hành năm 2014, PVN mở cửa cho tất cả các nhà cung cấp bảo hiểm trong và ngoài nước tham gia cung cấp dịch vụ cho các dự án, tài sản… được quản lý bởi PVN. Lợi thế lớn nhất mà PVI có được khi là thành viên của PVN đó là chúng tôi hiểu hơn ai hết các rủi ro của PVN, nên PVI đã thiết kế được các chương trình bảo hiểm phù hợp nhất với yêu cầu của PVN, đảm bảo quản trị rủi ro với chi phí hiệu quả nhất cho PVN. Vì vậy, có thể khẳng định, PVI đã phát triển dựa trên năng lực cạnh tranh. Nếu các cổ đông nước ngoài tăng sở hữu tại PVI và PVN thoái vốn, thì Công ty vẫn có sự tăng trưởng tốt”, ông Tuấn nói.