PVI sẵn sàng chia sẻ rủi ro tại Formosa và Bình Dương

(ĐTCK) Đó là khẳng định của ông Trịnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm PVI với Báo Đầu tư Chứng khoán trước sự kiện một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị thiệt hại do một số nhóm người quá khích tấn công thời gian gần đây. Ông Tuấn nhấn mạnh, DN có thể an tâm vì thiệt hại này sẽ được bồi thường nếu thuộc điều khoản mở rộng của Hợp đồng bảo hiểm.

Thưa ông, gần đây xảy ra một số vụ gây thiệt hại từ 1 vài nhóm người quá khích tại các nhà máy, xưởng sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Liệu các thiệt hại này có được bồi thường bảo hiểm không, thưa ông?

Hiện nay, theo mẫu Hợp đồng bảo hiểm tài sản thông thường (mọi rủi ro tài sản, mọi rủi ro xây dựng lắp đặt ...) của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam thì không bảo hiểm cho các thiệt hại xuất phát từ các hành động nổi loạn, bạo động dân sự, đình công, bế xưởng hoặc hành động của những người tham gia gây rối lao động…. Tuy nhiên, trong thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn thường cung cấp bảo hiểm cho các thiệt hại nói trên dưới hình thức điều khoản mở rộng kèm theo đơn bảo hiểm chính. Vì vậy nếu trong hợp đồng bảo hiểm có điều khoản mở rộng nêu trên thì sẽ được phía bảo hiểm bồi thường. Tuy nhiên, mức độ bồi thường sẽ phụ thuộc vào mức giới hạn và điều kiện bảo hiểm được quy định trong điều khoản mở rộng trong hợp đồng bảo hiểm.

Là nhà bảo hiểm đứng đầu của đơn bảo hiểm xây dựng lắp đặt cho nhà máy Formosa Hà Tĩnh vừa xảy ra xô xát hôm 14/5, không biết Bảo hiểm PVI có cung cấp bảo hiểm mở rộng cho các thiệt hại vật chất có nguyên nhân từ các hành động quá khích nêu trên hay không, thưa ông?

Ngay trong giai đoạn tư vấn chủ đầu tư mua đơn bảo hiểm xây dựng lắp đặt, chúng tôi cũng đã xác định đây là công trình lớn và phức tạp với sự tham gia của rất nhiều nhà thầu, số lượng công nhân trong nước và nước ngoài trên công trình lúc cao điểm lên tới hàng chục nghìn người. Chính vì vậy, Bảo hiểm PVI đã thiết kế và cung cấp điều khoản bảo hiểm mở rộng cho hành động đình công, bạo loạn với mức giới hạn bồi thường phù hợp với quy mô của dự án. 

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bảo hiểm PVI đã có những hỗ trợ, bồi thường như thế nào cho chủ đầu tư và các nhà thầu?

Ngay sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc nêu trên, với vai trò nhà bảo hiểm đứng đầu, Bảo hiểm PVI đã chủ động liên hệ, phối hợp và hướng dẫn chủ đầu tư và các nhà thầu trong việc xác định các thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm. Nếu xác định có thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm, Bảo hiểm PVI sẽ khẩn trương bồi thường thiệt hại, tuân thủ đúng các quy định của hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài ra, hiện nay Bảo hiểm PVI cũng đang khẩn trương tiến hành giám định một số vụ việc tương tự thuộc phạm vi bảo hiểm của các khách hàng khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP. HCM. Ghi nhận ban đầu cho thấy các thiệt hại này là không lớn, hoàn toàn nằm trong năng lực tài chính vững mạnh của Bảo hiểm PVI.

Là nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 Việt Nam, Bảo hiểm PVI có lời khuyên gì về công tác phối hợp giải quyết bồi thường bảo hiểm đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi những hành động quá khích nói trên, thưa ông?

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần phải tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo của chính quyền địa phương để hạn chế tối đa việc phát sinh thêm các thiệt hại từ các hành động quá khích. Thứ hai, nếu có tổn thất có khả năng phát sinh trách nhiệm của nhà bảo hiểm, các doanh nghiệp cần khẩn trương thông báo và phối hợp chặt chẽ với công ty bảo hiểm trong việc xác định mức độ thiệt hại, ngăn ngừa và hạn chế tổn thất. Tiến độ giải quyết bồi thường bảo hiểm phụ thuộc vào mức độ tích cực hợp tác của doanh nghiệp và kinh nghiệm giải quyết khiếu nại của công ty bảo hiểm, mà cụ thể là năng lực tổ chức giám định và mức độ chuyên sâu nghiệp vụ của cán bộ giải quyết khiếu nại.

Tin bài liên quan