PVA vay nợ lớn

PVA vay nợ lớn

Nợ phải trả của PVA tại thời điểm 30/6 gần 2.000 tỷ đồng, gấp gần 10 lần vốn điều lệ 220 tỷ đồng của công ty.

Nửa đầu năm 2010, cổ phiếu họ dầu khí gần như chiếm vị trí độc tôn tại sàn Hà Nội. Hàng loạt mã dầu khí liên quan đến xây dựng-bất động sản lên sàn và tăng giá mạnh, trong số đó PVA (Công ty cổ phần Tổng công ty Xây lắp dầu khí Nghệ An) là một trong những cái tên nổi trội nhất.

 

Thời điểm 2010, chỉ trong vài tháng PVA đã tăng giá gấp 3-4 lần và trở thành cổ phiếu "hot" nhất thị trường lúc bấy giờ, nhà đầu tư mua PVA đơn thuần chỉ vì thấy cổ phiếu này đang lên, còn hoạt động thế nào không cần biết. Hoạt động PVA khi đó cũng không có gì đặc sắc, vài ba dự án tại khu vực miền Trung nhưng không phải dự án bất động sản lớn.

 

Khi thị trường điều chỉnh do áp lực giải chấp, nhà đầu tư lại xem PVA như là "chỉ báo" (cùng với MCG), nếu PVA không còn "nằm sàn" tức là áp lực giải chấp chấm dứt, ngược lại thị trường vẫn còn nhiều rủi ro.

 

Còn nhớ vào đầu năm 2010, khi đó PVA vẫn chưa "nổi" thì "nợ phải trả" của công ty chỉ xấp xỉ 400 tỷ đồng. Nhưng chỉ sau 6 tháng, cũng là giai đoạn PVA "tăng nóng", thì "nợ phải trả" đã tăng gần 4 lần lên xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, tức trong giai đoạn này mỗi tháng PVA vay thêm 200 tỷ đồng, mà số tiền này lại gấp đôi vốn điều lệ của công ty.

 

Nhờ đẩy nợ vay lên cao nên tổng tài sản của PVA cũng tăng nhanh chóng, từ hơn 500 tỷ đồng lên xấp xỉ 1.800 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng. Sẽ có nhiều người đặt vấn đề: Liệu có thể xếp PVA vào hàng "đại gia" hay không? Nhưng nếu không phải "đại gia" thì ai dám cho PVA vay nhiều tiền chỉ trong thời gian ngắn như vậy?

 

Cũng có thể với cái mác "dầu khí" nên PVA được/bị nghĩ là “đại gia” là điều dễ hiểu. Nhưng đó cũng là tất cả những gì PVA thể hiện và sau đó là những ngày tháng chìm dần rồi... lặn dần.

 

Đầu tháng 5/2010, giá cổ phiếu của PVA tạo đỉnh ở mức 110.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với giá trị vốn hóa hơn 1.100 tỷ đồng. Cuối tuần qua, PVA đóng cửa tại mức giá 4.400 đồng/cổ phiếu, vốn hóa chưa đến 100 tỷ đồng. Hồi đầu năm, "ăn theo" một giai đoạn phục hồi ngắn của thị trường, PVA cũng tăng từ 4.000 đồng/cổ phiếu lên 12.000 đồng/cổ phiếu, nhưng từ tháng 5 đến nay cổ phiếu này đã giảm dần đều và trở lại khoảng giá 4.000 đồng/cổ phiếu.

 

So với các "anh em" làm bất động sản mang họ "dầu khí", PVA đã chẳng có gì nổi trội chứ chưa nói đến việc "lấy số" với các đối thủ bên ngoài. Tại đại hội cổ đông tổ chức cuối tháng 4 năm nay, PVA vẫn "mạnh miệng" đưa ra kế hoạch đầu tư hàng chục dự án, bao gồm của công ty mẹ 4 dự án và các công ty con 5 dự án.

 

Nhưng chỉ cần nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của PVA, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những dự án này chỉ là dự án "nói" hoặc dự án "giấy". "Nợ phải trả" của PVA tại thời điểm 30/6 đã lên đến gần 2.000 tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với vốn điều lệ gần 220 tỷ đồng của công ty.

 

Giả định lãi suất vay là 12%/năm, nếu vay 2.000 tỷ đồng, tiền lãi mỗi năm là 240 tỷ đồng, tương đương với vốn điều lệ của PVA. Trong "nợ phải trả" của PVA có gần 200 tỷ đồng "người mua trả tiền trước", chỉ những khoản tiền đóng vào các dự án, nhưng so với tổng số nợ vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ.

 

Qua đây cho thấy, hơn 2 năm qua, chỉ riêng việc giải quyết áp lực nợ vay, PVA đã không thể làm nổi, trái lại xu hướng lại có vẻ nặng nề hơn nữa. Nợ lớn như vậy thì tiền đâu để PVA theo đuổi hàng chục dự án của mình?

 

6 tháng đầu năm, PVA vẫn công bố lãi gần 2,5 tỷ đồng, nhưng con số này chẳng thấm vào đâu so với số nợ hàng nghìn tỷ đồng như đã nói ở trên, trái lại còn gây rất nhiều phản cảm. Trên bảng cân đối kế toán của PVA, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 30/6 chỉ hơn 100 triệu đồng, tiền và các khoản tương đương tiền hơn 16 tỷ đồng.

 

Năm 2011, kế hoạch tăng thêm 400-500 tỷ đồng vốn điều lệ của PVA mặc dù thất bại nhưng đã khiến không ít nhà đầu tư "ngạc nhiên" vì sự tự tin thái quá của PVA. Thị trường bất động sản năm 2011 đã rất khó, nhà đầu tư cũng chẳng còn tiền để mua thêm cổ phiếu, với một cổ phiếu như PVA lại càng không.

 

Có ý kiến cho rằng, dường như ban lãnh đạo công ty hoặc không hiểu rõ tình hình chung của thị trường, hoặc cố đấm ăn xôi với phương án tăng vốn này. Rốt cuộc thì dù giả thiết nào xảy ra cũng cho thấy sự bế tắc của PVA trong việc huy động nguồn vốn.

 

Xa hơn nữa, nó cũng là minh chứng cho ý định ăn xổi của một loạt doanh nghiệp lên sàn trong giai đoạn 2009-2010 nhằm tận dụng nguồn tiền của thị trường. Nhưng dường như, việc đánh cược một cách thái quá việc huy động vốn để kinh doanh vốn cần yếu tố dài hạn, bài bản với những phiên tăng nóng của thị trường đã khiến các doanh nghiệp trả giá rất đắt, từ chỗ "gần trở thành đại gia" đã sớm bị ngã ngựa.

 

Giờ đây, việc PVA trở về thời hoàng kim xưa có lẽ còn rất xa, thậm chí không bao giờ. Nhưng tìm được lối ra khả dĩ nhất đối với PVA cũng không đơn giản.

 

Tập đoàn dầu khí chẳng phải là cổ đông lớn của PVA, mà cho dù có thì với hoạt động bất động sản được xem là trái ngành, PVA cũng không có cửa được hỗ trợ. Còn với thực lực sẵn có của PVA, các dự án như tại thị trường bất động sản khu vực tỉnh Nghệ An không có điểm gì có thể thu hút được khách hàng cũng như nhà đầu tư.

 

Đặt trường hợp PVA có muốn bán các dự án của mình đi nữa cũng chưa chắc đã thực hiện được, vì ngay cả TP HCM và Hà Nội còn một loạt dự án "đắp chiếu" thì tại Nghệ An khó lòng thoát khỏi xu hướng chung. Trong khi đó, áp lực nợ vay vẫn hàng ngày đè nặng lên PVA... Một tương lai bất định dường như đang chờ PVA.