Hoạt động sản xuất - kinh doanh ít chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, thậm chí còn được hưởng lợi từ việc giá dầu khí giảm mạnh, nhưng cổ phiếu Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power - mã chứng khoán: POW) cứ ì ạch xung quanh mệnh giá. Tất nhiên, thị trường luôn có lý do.
Phiên IPO của PV Power diễn ra đầu năm 2018 được đánh giá là thành công khi thu hút gần 2.000 nhà đầu tư tham gia. Hơn 468 triệu cổ phần được bán hết với giá bình quân 14.938 đồng/cổ phiếu, mang về cho Nhà nước 6.996,5 tỷ đồng.
Từ đợt đấu giá, có thể thấy nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng của PV Power và đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của doanh nghiệp sau khi chuyển thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, kết quả hoạt động kinh doanh của PV Power lại khiến nhiều cổ đông thất vọng.
Năm 2018, Công ty không chia cổ tức. Năm 2019, Công ty chia cổ tức 3%. Năm 2020, PV Power lên kế hoạch doanh thu 35.448 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 2.043 tỷ đồng, lần lượt giảm 1,4% và 28,4% so với mức thực hiện năm 2019. Nếu kết quả kinh doanh năm 2020 đúng với kế hoạch đặt ra thì PV Power có thể không chia cổ tức hoặc cổ tức rất thấp.
Theo báo cáo tài chính, đến 31/12/2019, PV Power có 5.867 tỷ đồng đầu tư vào 15 doanh nghiệp khác, phải trích lập dự phòng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, cổ tức lợi nhuận được chia chỉ có 14,2 tỷ đồng.
Một số công ty con của PV Power như CTCP Máy và thiết bị dầu khí PVM, Thủy điện Đăkdring, Thủy điện Hủa Na, Dịch vụ kỹ thuật Điện lực dầu khí… có hiệu quả hoạt động không cao. Một số công ty liên kết hoạt động yếu kém, tiêu biểu như CTCP Thủy điện Nậm Chiến (PV Power nắm 30,72% cổ phần), thành lập từ 2003 song đến nay chưa từng chia cổ tức. Năm 2018, công ty này đứng đầu danh sách nợ thuế do Cục Thuế tỉnh Sơn La công bố.
CTCP Dịch vụ kỹ thuật Điện lực dầu khí Việt Nam, vốn điều lệ 150 tỷ đồng, PV Power chiếm 51% cũng suy giảm lợi nhuận trong ba năm gần đây: lợi nhuận sau thuế 2017 là 25,6 tỷ đồng, năm 2018 là 16,7 tỷ đồng và năm 2019 là 14 tỷ đồng.
Công ty này đang phải nỗ lực tái cơ cấu nhân sự, tăng năng suất lao động. Đến 31/12/2019, tổng số cán bộ nhân viên là 471 người, giảm 90 người so với đầu năm. Quỹ tiền lương được quyết toán của doanh nghiệp này là 100 tỷ đồng.
CTCP Thủy điện Hủa Na có vốn điều lệ 256 tỷ đồng, trong đó phần vốn góp của PV Power chiếm 81%.
Các báo cáo của Thủy điện Hủa Na về hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2019 nhiều lần đề cập đến việc xây dựng định mức lao động, định mức kinh tế kỹ thuật, định mức vật tư, thiết bị dự phòng, rà soát tiết giảm tối đa các khoản chi phí, chỉ thực hiện những hạng mục thực sự cần thiết, mang lại hiệu quả cho đơn vị.
Tuy nhiên, công tác này chưa có hiệu quả rõ rệt khi hơn 10 năm nay, Công ty chưa hề chia cổ tức.
Tại CTCP Máy Thiết bị dầu khí PV Machino, vài năm vừa qua, lợi nhuận hàng năm của PVM đều nhỏ hơn doanh thu tài chính.
Mỗi năm, 3 liên doanh cơ khí với Nhật Bản chia tiền lãi về cho PVM khoảng 70 - 100 tỷ đồng, thế nhưng lợi nhuận sau thuế của Công ty chỉ còn vài chục tỷ đồng mỗi năm. Năm 2019, Công ty có khoản chi phí bảo hiểm nhân thọ cho cán bộ nhân viên lên tới hơn 10 tỷ đồng. Việc này khiến cổ đông của Công ty này yêu cầu phải giải trình.
Cổ đông của công ty này nhiều năm có ý kiến về việc bộ máy công ty cồng kềnh, quá nhiều phòng, ban nhân sự, yêu cầu tinh lọc mảng kinh doanh thương mại, cắt giảm nhân sự những bộ phận không hiệu quả, thua lỗ liên tục.
CTCP Thủy điện Đăkdring, PV Powersở hữu 95% vốn điều lệ, đã nhiều năm không chia cổ tức. Website công ty công bố rất ít thông tin khiến nhà đầu tư muốn tìm hiểu cũng khó khăn.
Theo báo cáo của PV Power, năm 2019, Công ty tiếp tục tái cấu trúc, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. Chẳng hạn, Công ty thực hiện sắp xếp nhân sự tại Công ty mẹ và các chi nhánh PV Power Cà Mau, PV Power NT, PV Power Hatinh.
Công ty thông qua cơ cấu tổ chức một số đơn vị thành viên, ban hành quy chế quản lý người đại diện vốn của PV Power tại các doanh nghiệp khác. Công ty đang nghiên cứu phương án chuyển đổi các chi nhánh sang công ty cổ phần...
PV Power cũng tái cấu trúc các khoản đầu tư khi thoái vốn tại CTCP Điện lực dầu khí Bắc Kạn với giá 10.900 đồng/cổ phiếu, thu về 88,6 tỷ đồng.
Hiện PV Power muốn thoái vốn tại CTCP EVN Quốc tế nhưng đang khó khăn tìm người mua.
Tại ĐHCĐ vừa qua, ông Lê Như Linh Tổng giám đốc PV Power chia sẻ với cổ đông rằng, Công ty đã tập trung sắp xếp tinh gọn bộ máy, giảm các khâu trung gian, kiện toàn bộ máy các chi nhánh, thông qua cơ cấu tổ chức bộ máy của PV Power NT2, PV Power Services, PV Power DHC...
Dù rất mong muốn nâng cao tỷ suất lợi nhuận nhưng việc này cũng cần có lộ trình. Cổ đông của PV Power chỉ còn biết hy vọng Tổng công ty sẽ đẩy nhanh lộ trình này để kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có sự đột phá, thay vì mức cổ tức khiêm tốn 3%.