Bà Cao Thị Ngọc Dung

Bà Cao Thị Ngọc Dung

PNJ tập trung năng lực lõi để phát triển bền vững

(ĐTCK) Trả lời Báo ĐTCK nhân dịp ĐHCĐ năm nay, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết: định hướng của PNJ là tiếp tục tập trung vào năng lực cốt lõi sản xuất, kinh doanh nữ trang để phát triển bền vững.

Đồng thời, PNJ hiện đang trong quá trình tái cơ cấu hệ thống quản trị và bộ máy điều hành để tiếp tục giữ vững vị trí số một trên thị trường Việt Nam và hướng đến trở thành nhà bán lẻ hàng đầu châu Á.

Chính sách của NHNN và những khó khăn của thị trường đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành. Vì sao PNJ vẫn đạt mức lợi nhuận khả quan trong năm qua?

Hoạt động kinh doanh nữ trang những năm vừa qua hết sức khó khăn, do sức mua giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Đặc biệt, những thay đổi về chính sách quả lý của Nhà nước đối với thị trường vàng đã có tác động nhất định đến hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, trong đó có cả PNJ. Tuy nhiên, kể từ những năm đầu tiên đi vào hoạt động đến nay, chủ trương và chiến lược của Công ty đã chọn năng lực lõi là phát triển sản xuất, kinh doanh trang sức để đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận, do đó, sự sụt giảm về kinh doanh vàng miếng cũng không ảnh hưởng lớn đến kết quả lợi nhuận của Công ty.

Hơn nữa, để thích ứng với tình hình thị trường, PNJ đã thực hiện nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách hàng trước bối cảnh kinh tế có khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. Cụ thể, khác với trước đây, hiện nay sản phẩm nữ trang PNJ được sản xuất với trọng lượng nhẹ, mảnh, mỏng hơn, nhưng các thiết kế vẫn đảm bảo độ tinh xảo, sang trọng, đặc biệt, vẫn đáp ứng nhu cầu sản phẩm to, nhưng trọng lượng rất nhẹ, giá trị hợp lý… Điều này đã thể hiện khá rõ trong kết quả kinh doanh năm 2012: lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng chỉ chiếm khoảng 5% tổng lợi nhuận; doanh thu vàng trang sức vẫn tăng trưởng ổn định, đạt 3.647 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 254 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch của cả năm; tỷ lệ cổ tức đảm bảo ở mức 23%.

 

Vậy kế hoạch kinh doanh của PNJ trong năm 2013 ra sao, thưa bà?

Năm 2013, sức mua cũng chưa cải thiện nhiều, song chúng tôi vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng 20% doanh thu và lợi nhuận chưa hợp nhất tương đương với năm 2012. PNJ có niềm tin vào độ trễ của chính sách nên mặc dù tình hình kinh doanh trong quý I không đạt như mong muốn, Công ty vẫn kỳ vọng vào 3 quý còn lại của năm. Nếu như trong năm 2011, PNJ có lợi nhuận bất thường từ kinh doanh vàng miếng và năm 2012 có lợi nhuận từ việc thoái vốn thì năm 2013, Công ty sẽ phải đẩy mạnh hơn nữa đối với mảng hoạt động cốt lõi bằng nhiều giải pháp khác nhau nhằm đảm bảo tăng lợi nhuận. Theo đó, PNJ đặt mục tiêu trong năm 2013: doanh số vàng trang sức phải tăng 18%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 241 tỷ đồng; cổ tức dự kiến 20%. Đặc biệt, Công ty sẽ tiếp tục triển khai dự án tái cấu trúc nhằm đưa công tác quản lý đạt hiệu quả cao nhất.

 

PNJ đẩy mạnh phát triển hơn nữa đối với năng lực cốt lõi như thế nào?

Xí nghiệp nữ trang PNJ mới được đưa vào hoạt động cuối năm 2012 tại Gò Vấp, TP. HCM (với công suất 4 triệu sản phẩm/năm) chính là lợi thế rất lớn trong việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trang sức. Trong những năm qua, do hạn chế về mặt bằng sản xuất nên PNJ cũng chưa thể đẩy mạnh hoạt động bán buôn và xuất khẩu trang sức, nhưng hiện tại, khi Xí nghiệp nữ trang dần đi vào hoạt động ổn định, Công ty PNJ sẽ khai thác tối đa dư địa của thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hệ thống quản trị và công nghệ thông tin cũng được cải tiến theo nhu cầu phát triển cùng với chất lượng nguồn nhân lực được nâng tầm với chuẩn mực chuyên nghiệp theo yêu cầu tái cấu trúc sẽ giúp cho PNJ có những bước đi vững chắc hơn và phát huy tối đa hoạt động cốt lõi và thế mạnh vốn có của mình.

PNJ tập trung năng lực lõi để phát triển bền vững ảnh 1Xí nghiệp nữ trang PNJ tại Gò Vấp, TP. HCM được xem là xí nghiệp nữ trang lớn nhất tại Việt Nam hiện nay

 

Đánh giá của bà về tiềm năng thị trường và nhu cầu nữ trang của người tiêu dùng?

Trong năm 2012 vừa qua, tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, dẫn đến sức mua các ngành hàng tiêu dùng bị giảm mạnh như: thời trang giảm tới 40 - 50%, trong khi ngành hàng nữ trang chỉ giảm 12%. Qua đó cho thấy, đối với thị trường Việt Nam , lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trang sức vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác. Bởi các lý do: thứ nhất, quan niệm của người châu Á về tích trữ vàng vẫn là ưu tiên hàng đầu, văn hóa tiêu dùng và tiết kiệm trong vàng luôn tồn tại và phát triển; thứ hai, khi nền kinh tế phát triển thì văn hóa tiêu dùng cũng sẽ phát triển theo, nên khách hàng sẽ chọn mua những sản phẩm có uy tín, thương hiệu. Mặt khác, nếu tính trên bình quân đầu người thì trọng lượng nữ trang sở hữu của người Việt Nam hiện nay so với các nước trong khu vực châu Á vẫn còn khá thấp. Do vậy, nhu cầu về trang sức vẫn còn rất lớn.

Theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới, năm 2012, thị trường trang sức của Việt Nam giảm 12%, nhưng trong bối cảnh đó, doanh thu trang sức vàng PNJ vẫn đạt mức tăng trưởng 3%. Điều đó chứng tỏ, trang sức vàng vẫn luôn là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu và trang sức PNJ vẫn luôn được người tiêu dùng tin yêu.

 

Bà có thể chia sẻ việc PNJ tái cấu trúc và hiệu suất đem lại khi thực hiện dự án này?

Để thực hiện điều này, PNJ đã thuê công ty tư vấn nước ngoài đánh giá lại những gì PNJ đang có như: tiềm năng cơ sở vật chất, tiềm năng con người và kể cả đánh giá lại hệ thống quản trị sản xuất, kinh doanh để từ đó có thể xác định lại tầm vóc và vị thế của PNJ với vị trí số 1 trên thị trường Việt Nam và top đầu khu vực châu Á. Trên cơ sở đó, PNJ đã thay đổi cơ cấu tổ chức cũng như bộ máy điều hành để đáp ứng tiêu chuẩn quản trị quốc tế. Sau khi sắp xếp, đưa hệ thống quản trị mới vào áp dụng, chúng tôi đã tiết giảm được chi phí vận hành, đồng thời bảo đảm tăng tiền lương cho nhân viên. Bộ máy quản trị mới tinh gọn và hiệu quả hơn, góp phần đảm bảo mục tiêu kiểm soát chi phí vận hành để tăng lợi nhuận.

 

Xin bà cho biết định hướng phát triển của PNJ trong 10 năm tới?

Để thực thi được sứ mệnh và tầm nhìn của PNJ mà chúng tôi đã xác định, trong 10 năm tới, PNJ sẽ tập trung vào 3 định hướng chính sau: thứ nhất, sẽ tập trung xây dựng Xí nghiệp nữ trang PNJ có công nghệ sản xuất hiện đại, sản lượng cao, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, đáp ứng đủ cho thị trường; thứ hai là đầu tư hơn nữa vào công tác thiết kế, trong thời gian qua và hiện tại, PNJ luôn chú trọng vào khâu này, Công ty đã thuê các chuyên gia thiết kế nước ngoài về huấn luyện cho đội ngũ thiết kế của PNJ; thứ ba, PNJ sẽ khai thác đồng bộ 3 thị trường gồm thị trường bán buôn, thị trường bán lẻ và xuất khẩu, trong đó, thị trường bán lẻ vẫn được xác định đem lại nguồn doanh thu trọng yếu. Trong hoạt động kinh doanh, những năm qua, PNJ chỉ mới tập trung ở các quận trung tâm của thành phố lớn. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới, tăng độ phủ bán hàng. Ngoài ra, PNJ sẽ đẩy mạnh bán sỉ nữ trang cho các tiệm vàng trên cả nước. Lâu nay, PNJ vẫn có thế mạnh trong việc cung ứng hàng sỉ, nhất là ở các tỉnh vùng sâu, đặc biệt kể từ sau khi Nghị định 24 ra đời, các tiệm vàng trở nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm trang sức có tên tuổi, do đó, nhu cầu nữ trang PNJ chắc chắn sẽ nhiều hơn.