Sứ mệnh “giải cứu” HP
HP là tập đoàn công nghệ thông tin đa quốc gia có trụ sở tại Palo Alto, California (Mỹ). Đây là một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, với các sản phẩm công nghệ đa dạng. Tuy nhiên, khi Meg Whitman trở thành CEO HP vào tháng 9/2011, hãng sản xuất máy tính nổi tiếng này đang trong trạng thái trì trệ.
Mảng PC không còn sinh lợi, cũng chẳng mấy ý nghĩa theo hướng cung cấp giải pháp trọn gói cho khách hàng doanh nghiệp. Năm 2012, HP thậm chí đã để mất vị trí nhà cung cấp PC hàng đầu thế giới vào tay Lenovo. Công ty đã sa thải hai CEO trước đó là Mark Hurd và Léo Apotheker chỉ trong 13 tháng.
Năm 2014, CEO Meg Whitman đã đưa ra một quyết định táo bạo: chia tách HP thành 2 công ty hoạt động độc lập với nhau: HP Enterprise với mảng kinh doanh bo mạch chủ và các dịch vụ doanh nghiệp, còn lại là Công ty mẹ HP Inc với mảng kinh doanh máy tính và máy in.
Cùng với quyết định chia tách, Whitman tiếp tục lãnh đạo HP Enterprise tập trung vào dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu, cho thấy hướng đi dứt khoát của nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới này.
“Tương lai thuộc về kẻ nhanh chân”, đó là câu nói mà Meg Whitman dùng để giải thích cho quyết định chia tách “gã khổng lồ công nghệ” HP.
Sau khi chia tách, nữ CEO đã tập trung vào chiến lược cắt giảm chi phí cho HP Enterprise. Theo đó, bà loại bỏ các mảng đầu tư ít hứa hẹn, đồng thời chú trọng phát triển các sản phẩm cốt lõi cho trung tâm dữ liệu.
Meg Whitman cũng tiết lộ kế hoạch thay thế 60% số nhân viên trong mảng dịch vụ công nghệ thông tin của Công ty bằng những nhân công rẻ hơn đến từ Costa Rica, Philippines, Bulgaria và Ấn Độ để cắt giảm chi phí. Quý II năm ngoái, HP Ennterprise công bố lợi nhuận tăng 1% so với cùng kỳ năm trước đó, ghi dấu mức tăng trưởng lợi nhuận đầu tiên sau 5 năm gần nhất.
Không dừng lại ở đó, Whitman tuyên bố rằng, Công ty đã có một hợp đồng mới cho phép tách các dịch vụ doanh nghiệp của HP Enterprise và hợp nhất với hãng dịch vụ công nghệ thông tin Computer Sciences. Theo đó, mảng kinh doanh công nghệ thông tin của HP Enterprise sẽ được tách ra và sáp nhập với Computer Sciences Corp (CSC) để tạo thành một công ty mới, với tên gọi SpinCo. Thỏa thuận này sẽ giúp cho HP Enterprise tiết kiệm khoảng 1 tỷ USD chi phí hoạt động mỗi năm.
Như vậy, sau nhiều nỗ lực cải tổ, HP Ennterprise sẽ được chia thành 3 công ty con hoạt động độc lập với nhau. Thông tin này đã khiến cổ phiếu HP Enterprise tăng vọt.
Theo Bloomberg, Meg Withman đã nhận được khoản thù lao 35,6 triệu USD cho năm tài khóa 2016 sau những nỗ lực cắt giảm chi phí cho Công ty, trong bối cảnh các nhà cung cấp dịch vụ đám mây hàng đầu thế giới đang cạnh tranh gay gắt.
Những cột mốc đáng nhớ khác trong sự nghiệp
Ngay khi tốt nghiệp trường kinh doanh Harvard, Meg Whitman đã đầu quân cho tập đoàn hàng tiêu dùng P&G. Trong một cuộc phỏng vấn với Forbes, Whitman từng chia sẻ về kỷ niệm của mình tại đây:
“Họ bảo tôi đi tìm hiểu xem kích cỡ của nắp lọ dầu gội đầu thế nào là hợp lý. Lúc ấy, tôi đã định nói rằng, đây thật là công việc ngớ ngẩn nhất, nhưng rồi tôi lại nghĩ mình nên hoàn thành công việc một cách tốt nhất có thể. Tôi sẽ làm nó nghiêm túc. Tôi sẽ đưa phương pháp và cách phân tích tốt nhất... Họ đã muốn dạy tôi về những nguyên tắc, chuẩn mực của P&G… Tôi đã đến gặp các nhóm đối tượng, đưa cho khách hàng sản phẩm và đánh giá tiện ích của sản phẩm đó”, Whitman kể cột mốc đáng nhớ đầu tiên của mình.
Nữ CEO nói rẳng, những việc này đã được P&G làm từ trước, song Công ty muốn dạy cho các nhân viên mới về quy trình thực hiện công việc, bởi đây là yếu tố rất quan trọng.
Cột mốc thứ hai trên chặng đường sự nghiệp của Meg Whitman là vào những năm 1980, khi đang làm việc tại Disney.
“Tôi đã học được cách cổ vũ cho chính mình. Môi trường ở Disney gần như chỉ toàn đàn ông. COO của Disney, Frank Wells, bảo với tôi rằng, cô cũng thông minh như những gã đó thôi, cô phải đứng dậy mà phát biểu trong cuộc họp, hãy tạo ra tiếng nói cho mình. Câu nói đó đã thực sự đánh dấu một bước ngoặt trong tôi. Tôi đã tự dặn mình rằng, khi nào có điều gì sáng suốt thì hãy nói, còn không thì đừng nên nói gì. Phải đến 3/4 số người ở đó toàn nói những điều ngớ ngẩn”, Withman chia sẻ.
Tuy vậy, nơi thực sự khiến Meg Withman tỏa sáng không phải là P&G hay Disney, mà là eBay. Meg Whitman từng có 10 làm CEO ở eBay (1998-2008). Năm 1998, Meg nhìn thấy cơ hội đưa eBay lên thị trường chứng khoán và chỉ trong 5 năm sau đó, eBay đã thành công với tốc độ khó tin trong lịch sử kinh doanh ở Mỹ, phát triển nhanh và mạnh hơn cả Microsoft, Dell, Amazon, hay Wal-Mart. Thời đó, eBay giống như Uber ngày nay, là 1 trong những thương hiệu đình đám nhất giới công nghệ.
Trong nhiệm kỳ CEO của Withman, lợi nhuận của eBay đã tăng từ 5,7 tỷ USD lên 8 tỷ USD. Cổ phần của Whitman ở eBay cũng tăng vọt trong thời gian đó, giúp bà trở thành một trong những nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ.
Hiện tại, theo thống kê của Forbes, với khối tài sản 2,3 tỷ USD, Meg Withman đứng thứ 6 trong danh sách “Những phụ nữ tự thân giàu nhất nước Mỹ năm 2016”, đồng thời được xếp ở vị trí thứ 9 trong danh sách “100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2016”.
Quyền lực và giàu có, song nữ CEO 60 tuổi từng chia sẻ rằng, nếu có thể quay ngược thời gian về năm 17 tuổi, bà muốn trở thành một kỹ sư.
“Nếu có lời gì để nói với chính mình khi 17 tuổi, tôi sẽ bảo bản thân nên tập trung nhiều hơn vào khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật hay toán học, thay vì học kinh doanh. Hiện nay, chúng ta đang sắp đi hết chặng đường khởi đầu của cuộc cách mạng công nghệ”, Meg Whitman nói.
Những phụ nữ quyền lực nhất thế giới trong lĩnh vực kinh doanh năm 2016 (Theo Forbes)
Meg Whitman , Giám đốc điều hành (CEO) của công ty công nghệ Hewlett Packard Enterprise (HP Enterprise)
Mary Barra, 55 tuổi, CEO General Motors
Mary Barra gia nhập General Motors (GM) khi mới 18 tuổi và là nữ giám đốc đầu tiên của một tập đoàn ô tô toàn cầu. Dưới sự lãnh đạo của bà, bất chấp những khó khăn khách quan từ thị trường thế giới, doanh thu của GM vẫn tăng vọt trong thời gian qua. Bà là một trong 3 nữ CEO được mời vào Ban cố vấn kinh tế của Tổng thống Donald Trump, cùng với Ginni Rometty (CEO IBM) và Indra Nooyi (CEO PepsiCo).
Sheryl Sandberg, 47 tuổi, COO Facebook
Nắm giữ vị trí COO, Sheryl Sandberg được xem như trợ thủ chính, hỗ trợ cho CEO Mark Zukerberg với quyền lực cao nhất và hiểu rõ Công ty hơn cả Mark. Sheryl Sandberg cũng chính là người có công giúp Facebook đạt doanh thu quảng cáo kỷ lục, lên tới 4 tỷ USD trong năm 2011. Forbes ước tính tài sản hiện tại của bà là 1,37 tỷ USD.
Susan Wojcicki, 48 tuổi, CEO Youtube
Được bổ nhiệm làm CEO của Youtube từ năm 2014, Susan Wojcicki được mệnh danh là “người quan trọng nhất của Google mà chưa từng được biết tới”, bởi những đóng góp lớn để tạo ra hàng chục tỷ USD doanh thu cho Google mỗi năm. Forbes ước tính tài sản hiện tại của bà vào khoảng 350 triệu USD.
Ginni Rometty, 59 tuổi, CEO IBM
Hơn 3 năm sau khi nắm quyền điều hành tại IBM, Ginni Rometty đã giúp tập đoàn này vượt qua hàng loạt khó khăn và dần lấy lại được vị thế của mình trong làng công nghệ thế giới. Bà là người đã đưa ra những quyết định táo bạo, nhưng rất hiệu quả khi chuyển định hướng phát triển sang lĩnh vực phần mềm phân tích dữ liệu, điện toán đám mây và công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Indra Nooyi, 61 tuổi, CEO PepsiCo
Indra Nooyi là người đã vạch ra nhiều chiến lược thành công tại PepsiCo, chẳng hạn như tập trung vào thiết kế, hay đổi hướng từ các sản phẩm nước ngọt có gas sang các sản phẩm đồ uống có lợi cho sức khỏe. Dưới sự dẫn dắt của bà, doanh thu của PepsiCo đã tăng tưởng đều đặn 1 tỷ USD mỗi năm trong 1 thập kỷ qua.