Theo dự thảo, NĐT nước ngoài được phép sở hữu 100% cổ phần tại CTCK

Theo dự thảo, NĐT nước ngoài được phép sở hữu 100% cổ phần tại CTCK

Phương án nới room cho công ty chứng khoán, chưa ổn!

(ĐTCK) Dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang hoàn chỉnh đưa ra phương án nới "room”, nhằm thu hút vốn ngoại đầu tư vào tổ chức kinh doanh chứng khoán. 

Tuy nhiên, giới đầu tư nhìn nhận, phương án này còn nhiều điểm phải xem xét lại.

Vẫn khó cho vốn ngoại

Khoản 9, Điều 71 dự thảo Nghị định quy định: "NĐT nước ngoài quy định tại khoản 21, Điều 2 Nghị định này được mua cổ phần, phần vốn góp để sở hữu không hạn chế vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán theo nguyên tắc: chỉ tổ chức nước ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 10 Điều này được mua để sở hữu từ 51% trở lên vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán; việc mua cổ phần, phần vốn góp, tham gia góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán của NĐT nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”.

Tuy nhiên, khi quy định về cơ cấu cổ đông, thành viên góp vốn tại CTCK, điểm a, khoản 7, Điều 71 yêu cầu phải có tối thiểu 2 cổ đông sáng lập. Câu hỏi đặt ra là NĐT nước ngoài được phép mua cổ phần không hạn chế tại tổ chức kinh doanh chứng khoán có phải luôn duy trì 2 cổ đông sáng lập trong cơ cấu cổ đông hay không? Điểm b, khoản 7, Điều 71 quy định: “Tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của các cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là tổ chức tối thiểu là 65% vốn điều lệ, trong đó các tổ chức là DN bảo hiểm, ngân hàng thương mại sở hữu tối thiểu 30% vốn điều lệ”.

Bên cạnh đó, khi quy định về điều kiện đối với tổ chức thành lập tại nước ngoài tham gia góp vốn thành lập, mua để sở hữu từ 51% trở lên vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán Việt Nam, điểm b, khoản 10, Điều 71 yêu cầu NĐT nước ngoài phải xuất trình văn bản chấp thuận của cơ quan cơ quan quản lý, giám sát chuyên ngành ở nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm về việc cho phép NĐT đó góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam. Ý kiến từ thị trường cho rằng, đây là quy định không thể thực hiện được trên thực tế, vì theo thông lệ quốc tế, cơ quan quản lý nước ngoài không can thiệp vào công việc đầu tư, kinh doanh của DN ở ngoài lãnh thổ của cơ quan quản lý đó.

Một vấn đề khác là dự thảo đã quy định chi tiết điều kiện để các NĐT nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào các tổ chức kinh doanh chứng khoán Việt Nam, nhưng lại còn quy định việc mua cổ phần, phần vốn góp, tham gia góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán của NĐT nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo giới đầu tư, hiện UBCK đã cấp giấy phép cho công ty quản lý quỹ và CTCK có 100% vốn nước ngoài hoạt động theo quy định tại Nghị định 58 hiện hành, mà không cần có hướng dẫn của Bộ Tài chính. Bởi vậy, việc yêu cầu NĐT nước ngoài phải đợi thêm hướng dẫn của Bộ Tài chính như dự thảo là không cần thiết. 

Mở cửa phải thông thoáng

Giới đầu tư đề nghị, trong khoản 9, Điều 71 của dự thảo cần bãi bỏ hai nội dung: "tuân thủ quy định tại khoản 7, 8 Điều này” (về cơ cấu cổ đông, thành viên góp vốn tại CTCK, công ty quản lý quỹ) và “việc mua cổ phần, phần vốn góp, tham gia góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán của NĐT nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”.

Về các điều kiện đối với tổ chức thành lập tại nước ngoài tham gia góp vốn thành lập, mua để sở hữu từ 51% trở lên vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán quy định tại khoản 10, Điều 71 của dự thảo, nên bỏ 2 trong 4 điều kiện là: "Chịu sự giám sát thường xuyên, liên tục của cơ quan quản lý, giám sát chuyên ngành ở nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và được cơ quan này chấp thuận bằng văn bản về việc góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam”; “Cơ quan quản lý, giám sát chuyên ngành ở nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và UBCK đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương về trao đổi thông tin, hợp tác quản lý, thanh tra, giám sát TTCK”.

Tin bài liên quan