Phương án một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sẽ tạo ra 4 đột phá

Phương án tổ chức một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, có thể xem là một trong những bước đổi mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao soạn thảo phương án này) xung quanh vấn đề trên.
Phương án một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sẽ tạo ra 4 đột phá

Thưa ông, tại sao phương án thi này được nhiều ý kiến coi là bước đột phá của ngành theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo?

Vấn đề cốt lõi của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là sẽ chuyển nền giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức cho người học sang phát triển hài hòa phẩm chất, năng lực người học; chuyển từ trang bị kiến thức sang thực học, thực nghiệm; chuyển hệ thống giáo dục mang tính tương đối đóng sang hệ thống giáo dục mở.

Theo tinh thần đó, việc thực hiện phương án kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia sẽ thay đổi cách thức kiểm tra đánh giá từ học thuộc sang kiểm tra vận dụng kiến thức, chính là chuyển từ mục tiêu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học.

Việc thay đổi này sẽ kéo theo sự thay đổi nội dung phương pháp học, xác định nhiệm vụ dạy học… Trong 9 nhiệm vụ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo coi nhiệm vụ đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu đảm bảo chất lượng là một bước đột phá.

Vậy phương án này sẽ tạo những bước đột phá gì?

Phương án này được kỳ vọng sẽ làm giảm áp lực thi nhiều đợt cho học sinh, có tính tới bài toán tiết kiệm chi phí phục vụ công tác thi cử cho toàn xã hội và có điểm mới sau:

Thứ nhất, kết quả kỳ thi sử dụng để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có thể tuyển những thí sinh có năng lực phù hợp các ngành đào tạo.

Thứ hai, với những thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT, không thi đại học, cao đẳng, Bộ sẽ tổ chức các cụm thi ở địa phương do chính địa phương chủ trì. Bộ cũng sẽ tổ chức thi theo cụm nhiều hơn so với trước đây, tạo điều kiện cho thí sinh ở vùng sâu, vùng xa dự thi.

Thứ ba, công tác chấm thi do giảng viên, giáo viên các trường đại học, cao đẳng và THPT tham gia.

Thứ tư, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Bộ cũng cho phép mỗi thi sinh thi tối đa 8 môn thi, nhằm giúp thí sinh phát huy hết năng lực và tăng thêm cơ hội vào các trường đại học, cao đẳng.

Với những học sinh, học viên không được học Ngoại ngữ, hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng, thì không bắt buộc phải thi. Thí sinh được chọn môn thay thế trong số các môn tự chọn.

Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.

Thứ năm, phương thức thi THPT năm 2015 tạo thuận lợi cho thí sinh ở chỗ, các em biết kết quả thi tốt nghiệp THPT là bao nhiêu thì có quyền nộp hồ sơ vào trường đại học, cao đẳng phù hợp với năng lực, số điểm mà các em đã đạt được. Vì vậy, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ đảm bảo cho thí sinh đạt điểm cao, thì chắc chắn sẽ đỗ đại học, cao đẳng, giảm hồ sơ “ảo” cho các trường.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT không phải duy nhất để các trường đại học, cao đẳng dựa vào đó để tuyển sinh. Khác với kỳ thi “3 chung” trước đây các trường đại học, cao đẳng buộc phải sử dụng kết quả thi để tuyển sinh, thì nay, các trường được tự chủ tuyển sinh, Bộ chỉ cung cấp cơ sở dữ liệu của kỳ thi THPT quốc gia để các trường tuyển sinh. Các trường có phương thức lựa chọn là sử dụng toàn bộ kết quả đó để tuyển sinh, hoặc sử dụng một phần kết quả.

Song phương án trên, nhiều trường đại học lại tỏ ra lo ngại về chất lượng tuyển sinh và học sinh cũng lo lắng khi có sự thay đổi đột ngột này?

Hiện tại, Bộ đã công bố phương án thi để các trường chủ động việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học 2014-2015.

Với kỳ thi THPT năm 2015, học sinh không phải lo lắng, vì vẫn học như bình thường, chương trình sách giáo khoa không thay đổi. Đề thi theo 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ, thí sinh đã được làm quen ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

Về hình thức thi, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, thí sinh thi tự luận, thời gian 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, thời gian 90 phút. 

Về nguyên tắc, Bộ không khống chế các trường tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, Bộ cũng mong muốn nhiều trường sử dụng kết quả này để không tổ chức thêm nhiều kỳ thi bổ sung, gây tốn kém và áp lực nặng nề cho thí sinh.            

Tin bài liên quan