Hàng không, một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, đang mong mỏi sớm được mở lại hoạt động. Ảnh: Đ.T.

Hàng không, một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, đang mong mỏi sớm được mở lại hoạt động. Ảnh: Đ.T.

Phục hồi nền kinh tế: Các lựa chọn chính sách nào cho Việt Nam? (Bài 4)

0:00 / 0:00
0:00
Mở cửa để doanh nghiệp hoạt động trở lại phải là mục tiêu đầu tiên phải làm trước khi bắt đầu các kế hoạch phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, thách thức để mở lại thực sự rất lớn.

Đại dịch Covid-19 vẫn chưa biết lúc nào kết thúc, mọi thứ phía trước vẫn còn bất định. Tuy nhiên, một điều mà chúng ta biết chắc chắn sẽ xảy ra, đó là hành vi kinh doanh và tiêu dùng sẽ thay đổi vĩnh viễn hậu đại dịch. Doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ khẩn cấp của Nhà nước. Nhưng để các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả, doanh nghiệp nhận hỗ trợ cũng phải có khả năng thay đổi để phục hồi. Chính sách kinh tế cũng phải thay đổi trong môi trường mới này.

Bài 4: Thách thức lớn từ thực thi

Mở cửa để doanh nghiệp hoạt động trở lại phải là mục tiêu đầu tiên phải làm trước khi bắt đầu các kế hoạch phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, thách thức để mở lại thực sự rất lớn, nhất là ở cấp độ thực thi.

Doanh nghiệp không thể tự mở cửa

Ngay lúc này, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I Group đang trong tâm thế chờ đợi.

Sau khi TP.HCM ban hành Chỉ thị 18/2021/CT-UBND về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, ông tin là tỉnh Bình Dương sẽ có những động thái tương tự.

Ở Bình Dương, phần lớn nhà máy vẫn đang ngừng hoạt động, trừ các nhà máy đã chạy theo mô hình 3 tại chỗ từ trước. Nhưng việc mở lại ra sao, quyết định kế hoạch sản xuất thế nào, ít nhất là cho vài tháng cuối năm, của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào các quy định về phòng, chống dịch của Trung ương, của chính quyền các địa phương, điều mà doanh nghiệp không thể chủ động được vào lúc này.

“Hiện tại, doanh nghiệp đang gặp 2 khó khăn chính, đó là vốn lưu động và lao động. Khoảng 1/3 lao động đã về quê và để họ quay lại nhà máy là việc khó”, ông Tín cho biết.

Nhiều hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề đã cảnh báo điều này ngay từ khi tỷ lệ doanh nghiệp phải tạm ngừng do không đáp ứng được yêu cầu của mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” lên tới 60-70% ở nhiều ngành, như dệt may, chế biến thủy sản, gỗ…

Nhưng, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong số 30% nhà máy chế biến thủy sản tại khu vực từ Nam Trung bộ đổ vào các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì được sản xuất, lượng công nhân giữ lại cũng chỉ chiếm 10-50% tổng số lao động. Với tình trạng này, VASEP tính toán, các nhà máy chế biến thủy sản đã mất đi trên 300.000 lao động trực tiếp…

Như vậy, giả thuyết các doanh nghiệp được mở cửa trở lại, thì việc tìm kiếm đủ 100% lao động để chạy 100% công suất gần như không thể làm được trong vài tháng tới. Đó là chưa kể, nếu các hướng dẫn về y tế đặt ra các yêu cầu về lao động phải đã khỏi bệnh hoặc đã tiêm đủ vắc-xin thì thách thức còn lớn hơn.

“Để hoạt động trở lại bình thường, thì công nhân phải ở vùng xanh, đi theo cung đường xanh để đến làm việc ở nhà máy xanh. Việc nhà máy xanh, thì doanh nghiệp phải làm. Đi làm theo cung đường xanh, thì doanh nghiệp cũng cố gắng lo được. Còn để có công nhân ở tại vùng xanh, thì ngoài khả năng của doanh nghiệp”, ông Tín thẳng thắn.

Sự thiếu hụt lao động không chỉ nằm ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, mà còn ở cả nhóm lao động có tay nghề, chuyên gia nước ngoài. Rất nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị thống nhất hướng dẫn về cách ly y tế với chuyên gia nước ngoài, nhưng nhiều địa phương vẫn đang áp dụng khác nhau, kể cả với các trường hợp đã có hộ chiếu vắc-xin. “Nhiều lúc, chúng tôi không biết giải thích với chuyên gia của mình như thế nào về sự khác biệt này”, bà Nguyễn Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nói.

Trong khi đó, các hướng dẫn về cách ứng xử trong các tình huống dịch bệnh xuất hiện, có F0 trong doanh nghiệp thế nào, khoanh vùng hẹp là theo tổ, đội sản xuất, nhưng nếu có F0 thì doanh nghiệp có được hoạt động không cho đến giờ vẫn chưa rõ.

Khi góp ý cho Dự thảo Hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 mà Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện, dự kiến sẽ ban hành sớm trong đầu tháng 10 này, nhiều doanh nghiệp vẫn lo địa phương sẽ lại khóa luôn cả doanh nghiệp, thậm chí cả cụm doanh nghiệp nếu các quy định không được làm rõ, thống nhất trên toàn quốc. Khi đó, kế hoạch nhanh chóng mở cửa trở lại, thu hút lao động, nối lại các chuỗi sản xuất, hoàn tất các hợp đồng đã ký hay lên kế hoạch cho các hợp đồng mới của doanh nghiệp sẽ lại đổ bể.

Nhưng, ngay cả khi các giả thuyết trên được giải, thì thiếu vốn cũng khiến các kế hoạch trở lại của doanh nghiệp vô cùng bấp bênh. Con số 46% trong số hơn 21.000 doanh nghiệp chỉ còn dòng tiền duy trì hoạt động dưới 3 tháng mà Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đưa ra cách đây 1 tháng là thực tế đáng lo ngại.

Nếu ai cũng chọn cách làm dễ

Ngày 2/10, một ngày sau khi Cục Hàng không Việt Nam có văn bản xin ý kiến về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, UBND TP. Hải Phòng đã có công văn trả lời: “Đề nghị Cục Hàng không Việt Nam tạm thời chưa khai thác các đường bay chở khách đi/đến TP. Hải Phòng”.

Trước đó, Hà Nội cũng có đề nghị tương tự với cả hàng không và đường sắt. Lý do là để đảm bảo mục tiêu ưu tiên hàng đầu là sức khỏe cho nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô.

“Tôi thực sự thất vọng, không hiểu tại sao Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương phía Bắc tiếp tục chọn cách đóng cửa trong bối cảnh hiện nay. Đây là cách dễ nhất đối với các nhà quản lý, nhưng như vậy là đẩy khó khăn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp”, ông Cung chia sẻ quan điểm, cùng với nhiều tâm tư.

Cũng phải nói rõ, Cục Hàng không Việt Nam đã xin ý kiến của 19 tỉnh, thành phố có các cảng hàng không, sân bay về việc trên theo yêu cầu của Bộ Giao thông - Vận tải, để chuẩn bị cho Kế hoạch khai thác vận tải hàng không nội địa giai đoạn I, dự kiến áp dụng từ ngày 5/10/2021. Ý kiến của các tỉnh, thành phố là cơ sở để Cục Hàng không Việt Nam quyết định việc cấp phép khai thác các đường bay đi/đến các cảng hàng không nằm trên địa bàn. Đây cũng là bước đầu tiên để thực hiện 4 giai đoạn trong Kế hoạch, trong đó giai đoạn 4 là trở lại trạng thái bình thường.

Tất nhiên, Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác đều có lý do để đóng cửa, thắt chặt các yêu cầu phòng chống dịch bệnh, áp đặt các điều kiện ra/vào địa phận khó khăn hơn khi đặt sinh mạng của người dân lên trên hết, nhưng ông Cung cho rằng, lãnh đạo chính quyền các địa phương này có lẽ đã quên… mục tiêu kép mà Chính phủ đã xác định khi bước vào cuộc chiến chống Covid-19 hồi tháng 4/2021.

“Các địa phương cần phải tìm mọi cách để doanh nghiệp không phải đóng cửa, chứ không thể vin vào lý do chống dịch cứng nhắc như vậy”, ông Cung nêu quan điểm.

Vấn đề ở chỗ, khi không thống nhất trong thực thi các chính sách, điều hành của Chính phủ ở các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp sẽ rất khổ, vì hoạt động sản xuất, kinh doanh không thể giới hạn theo địa bàn hành chính.

Suốt 2 tháng 8 - 9/2021, thời điểm TP.HCM và khu vực lân cận cũng như Hà Nội vào đỉnh dịch, buộc phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các doanh nghiệp lao đao, kiệt quệ không chỉ bởi dịch bệnh, mà còn bởi các quy định khác nhau trong phòng, chống dịch bệnh của các địa phương.

Quốc lộ 1A - huyết mạch giao thông hàng hóa của nền kinh tế bị các chốt phòng chống dịch của các địa phương chặt ra làm nhiều đoạn. Có thời điểm, thời gian vận tải đoạn Hà Nội - Hải Phòng lên tới 15-20 giờ/lượt, tức là 1 xe chở hàng đi và về Hà Nội - Hải Phòng giờ mất 2 ngày/chuyến hàng, thay vì 2 chuyến/ngày như thường lệ.

Đó là chưa kể những bất an của doanh nghiệp khi quy định thay đổi không kịp tuân thủ, như các lần công bố quy định về giấy đi đường của Hà Nội giữa các đợt giãn cách xã hội… Và cả những chậm trễ, khó khăn trong triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp...

Ngay trong cuộc làm việc bàn về kế hoạch phục hồi kinh tế giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuối tuần trước, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã kể lại tình huống đi làm việc với một số địa phương vùng xanh, để bàn về kế hoạch mở cửa lại du lịch, nhưng nhận lại sự thờ ơ.

“Chúng tôi đã xây dựng khung an toàn với du lịch, từ lưu trú, ăn uống, vận chuyển… Nhưng mọi nỗ lực, sự chuẩn bị sẽ thành vô ích nếu không có sự đồng thuận, thống nhất trong quy định về phòng chống dịch, trong thực hiện mục tiêu kép…”, vị đại diện lên tiếng đầy tâm tư.

Rõ ràng, như sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nỗ lực đẩy mạnh mọi biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới... để tăng trưởng kinh tế tốt hơn vẫn chưa đến được mọi nơi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu

1. Các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động, phương án phải bảo đảm an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

2. UBND tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể (có thể hình thành nhiều tổ công tác) để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm vừa duy trì sản xuất - kinh doanh, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế…; xem xét quy định cho mở lại một số dịch vụ cần thiết để phục vụ đời sống người lao động; phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý và thống nhất phương án di chuyển của người lao động giữa các địa phương nhằm bảo đảm an toàn phòng chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tại cá địa phương dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

3. Bộ Y tế ban hành các quy định cụ thể về giãn cách, xét nghiệm trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; quy định về điều kiện sản xuất và cách thức xử lý khi phát hiện người lao động trong khu, cụm công nghiệp nhiễm Covid-19…

4. Bộ Giao thông-Vận tải hướng dẫn các địa phương bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh…

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế.

6. Bộ tài chính, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các chính sách, quy định về miễn giảm thuế; ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất, tín dụng cho các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 105/2021/NQ-CP.

Nguồn: Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 3/10/2021 về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Tin bài liên quan