Phỏng vấn “nhà báo” Nguyễn Văn Tèo

Phỏng vấn “nhà báo” Nguyễn Văn Tèo

(ĐTCK) Họ chẳng phải dân báo chí chuyên nghiệp, nhưng xưa nay các cụ bảo, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nên việc các đại gia rẽ sang nghề báo là chuyện thường.

Họ chẳng phải dân báo chí chuyên nghiệp, nhưng xưa nay các cụ bảo, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nên việc các đại gia (hoặc suýt soát đại gia) nửa đường rẽ sang nghề báo là chuyện thường ngày ở huyện. Vốn thường nghe những tấm gương Rupert Murdoch, hay Michael Bloomberg ra rả bên tai, lại sớm nhận biết “quyền lực” của thông tin dư luận, nên dạo này doanh nhân xứ Việt đổ sang làm báo ào ào.

Người ta đồn rằng, thị trường báo chí bùng nổ trong mấy năm gần đây có sự góp phần không nhỏ, khi công khai khi bí mật, của nhiều doanh nhân. Kể ra thì báo chí thời nay phần nhiều là làm dịch vụ thông tin. Các doanh nhân, túi vừa rủng rỉnh tiền, trong đầu lại lắm cơ mưu, nếu có một tờ báo thì tiền kiếm về có khi dễ như múa tay trong bị.

Nhân ngày lễ trọng của giới báo chí, phóng viên Tý của tuần báo tài chính nọ được cử phỏng vấn doanh nhân Tèo, Chủ tịch tập đoàn đầu tư Thất Vọng, một doanh nhân làm báo đang nổi như cồn. Cứ nghĩ “ông bầu” trong giới truyền thông sẽ vui lắm vì được tôn vinh trong ngày báo chí, nhưng khi phóng viên vừa bày tỏ ý định, vị doanh nhân kia đã giãy như đỉa phải vôi.

Tèo: Thôi ông ạ. Nếu định phỏng vấn doanh nhân làm báo điển hình thì ông nên đi tìm người khác. Dân kinh doanh rẽ sang làm báo bây giờ thiếu gì. Với lại, tôi chỉ làm báo và kinh doanh báo chí ở sau cánh gà, không thể lộ diện được!

Tý: Đúng là doanh nhân làm báo giờ không thiếu. Nhưng hoành tráng như anh thì không nhiều. Này nhé, tập đoàn của anh đã có mấy mã niêm yết trên sàn, anh lại đứng sau một tờ thời báo chuyên về tài chính. Quyền lực kinh tế, quyền lực thông tin thế còn gì.

Tèo: Chỗ quen biết nên nói thật nhé. Tôi đang đau đầu vì công ty thì làm ăn bết bát. Cứ nhìn giá cổ phiếu giờ chỉ mua được cốc trà đá thì các anh biết cả. Còn dự án báo chí, tôi đã đầu tư cả tỷ bạc, mới chỉ làm xong mỗi cái trang web thì kinh tế suy thoái, làm tiếp chỉ có chết. May mà còn chưa ra báo giấy, chứ nếu không thì tập đoàn chắc phá sản vì đầu tư vào báo chí cũng nên!

Tý: Nhiều tờ báo giấy vẫn sống khỏe nhờ bán báo đấy chứ?

Tèo: Những tờ nghiêm chỉnh thì họ có nền tảng từ lâu. Cũng muốn đi theo định hướng “Sốc, Sến, Sếch” của anh em nhà lá cải, lá nho, nhưng khổ nỗi mình toàn thông tin kinh tế, lấy gì để giật gân. Dân kinh doanh bây giờ ngày càng siết chặt thắt lưng. Mua vài tờ báo cũng đong lên đong xuống đấy ông ạ.

Tý: Thế định hướng thành lập tập đoàn truyền thông của anh thành “chân tươi, chân héo” à?

Tèo: Giữ được một chân tươi cũng chẳng dễ đâu nhà báo ạ. Duy trì mỗi tờ báo mạng cũng phải co kéo lắm. Trang của tôi giờ chỉ còn vài nhân sự chuyên nghề copy and paste để đăng lại tin từ các báo mạng thôi.

Tý: Nếu nó đã không mang lại lợi nhuận, sao anh không bán quách đi cho rảnh nợ?

Tèo: Nếu bán được, lỗ một chút thì tôi cũng bán rồi. Khổ lắm anh ạ. Khi mới bắt tay vào làm, mình “đếm cua trong lỗ” thu về mỗi năm hàng chục tỷ đồng, chứ đâu nghĩ có ngày hôm nay.

Mà ban đầu, tôi cũng nghĩ kinh doanh báo chí cũng đơn giản như kinh doanh các mặt hàng khác. Thua thì bán rẻ, thậm chí bán cả dây chuyền sản xuất để thu hồi vốn. Nhưng sản phẩm báo chí thì tôi chưa có, ngoài cái trang mạng ngày càng nhạt vì toàn tin bài lấy lại. Còn dây chuyền sản xuất là đội ngũ phóng viên, biên tập viên, trước cũng nhiều người giỏi đấy, nhưng kinh tế khó khăn, tiền đâu mà “nuôi” nên họ đi cả. Những người ở lại phần đông là… chẳng có chỗ nào để đi, nên tôi cho nghỉ việc gần hết luôn. Giờ chỉ còn cái giấy phép. Nhưng nếu muốn nhượng lại cho người khác để gỡ gạc ít vốn, cũng chưa chắc có người mua.

Tý: Thế giờ anh tính ra sao?

Tèo: Thì biết làm sao nữa. Đầu tư vào lĩnh vực mình không am hiểu, thua thì phải chịu thôi. Nhưng vẫn đau lắm. Cứ đi cười các bác khác đầu tư ra ngoài ngành nghề chính mà mình cũng lại đâm đầu vào. Kinh doanh báo chí mà dễ thế thì thế giới đã có hàng trăm, hàng nghìn Rupert Murdoch, hay Michael Bloomberg rồi.

Tý: Anh có nhắn nhủ gì tới bạn bè - những người đang có ý định nhảy sang làm báo và kinh doanh báo chí không?

Tèo: Còn nhắn nhủ gì. Bài học thành công thì mình chả có. Toàn bài học thất bại.

Tý: Đó cũng là những kinh nghiệm quý mà anh phải trả bằng nhiều tỷ đồng chứ. Hay là anh định giấu nghề?

Tèo: Giấu gì đâu. Chỉ ngại vạch áo cho người xem lưng thôi. Nếu có nhắn nhủ thì tôi chỉ nói rằng, “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Với những ai đã bước sang lĩnh vực này thì đừng coi đó là nghề kiếm ăn. Cái nghề viết lách hay quản lý những người viết lách mà không có đam mê, chỉ có toan tính thì dễ… “người tính không bằng trời tính” anh ạ! Như tôi đây này. Híc híc!!