Toàn địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 800 người thuộc diện phải giám sát

Toàn địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 800 người thuộc diện phải giám sát

Phòng dịch do virus Corona: Hà Nội dự chi 321 tỷ đồng cho công tác phòng, chống

Liên Sở Tài chính và Y tế thành phố Hà Nội đã đề xuất và trình UBND thành phố bổ sung kinh phí đợt I là 321 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch do virus Corona mới (2019-nCoV). Tại thời điểm này, các trạm y tế đã có đủ cơ sở vật chất để cách ly được khoảng 5.000 người, nếu có yêu cầu.

Rút kinh nghiệm từ Vĩnh Phúc để tránh lây lan dịch bệnh

Chiều 7/2, tại buổi làm việc trực tuyến với các sở, ngành địa phương về công tác phòng chống dịch nCoV, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nghe các quận, huyện báo cáo về tình hình cách ly, giám sát người về từ vùng dịch. 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động cách ly những người có nguy cơ cao, Chủ tịch Hà Nội cho biết hiện nay trên toàn địa bàn thành phố khoảng 800 người thuộc diện phải giám sát. Tuy nhiên, tại quận Hà Đông có 1 trường hợp đã có quyết định giám sát tại nhà nhưng hiện lực lượng chức năng chưa tìm thấy. Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo quận phải tìm bằng được trường hợp này.

"Vì đã có bài học từ tỉnh Vĩnh Phúc là xảy ra lây chéo từ bệnh nhân đi từ Vũ Hán về cho mẹ đẻ, em ruột. Đặc biệt là 17 ngày sau mới phát bệnh", ông Chung lo ngại.

Do đó, Chủ tịch thành phố yêu cầu gia đình có người thân đi từ Trung Quốc về thì phải cách ly 14 ngày. Với những trường hợp nghi nhiễm virus Corona thì cách ly tuyệt đối tại cơ sở y tế. Những người đi từ Hồ Bắc (Trung Quốc) hoặc quá cảnh tại tỉnh này phải được coi như trường hợp mắc bệnh và cách ly tại Bệnh viện Công an thành phố.

Đồng thời, người đứng đầu Thành phố yêu cầu Sở Y tế phải phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân, nhất là với những trường hợp cách ly, khi dùng khẩu trang xong phải cho vào túi nilon, khử khuẩn rồi mới bỏ vào thùng rác. Nếu chúng ta không thực hiện nghiêm túc việc này, nguồn khẩu trang thải ra thị trường có thể là nguồn phát tán vi rút, lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.

Về vấn đề khẩu trang, đại diện Sở Công Thương Hà Nội thông tin thêm, hiện nay có 12 nước với trên 50 doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu màng lọc, kháng khuẩn cũng như than hoạt tính cho Việt Nam để sản xuất khẩu trang cũng như nước sát khuẩn.

Đề xuất hơn 320 tỷ đồng để mua sắm thiết bị phục vụ dịch bệnh

Cập nhật tình hình dịch bệnh, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV. Bên cạnh đó, có 48 trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV đang được giám sát tại bệnh viện, trong đó 7 trường hợp đến từ Vũ Hán, 37 trường hợp đến từ các vùng khác của Trung Quốc, 4 trường hợp công tác tại sân bay Nội Bài.

Theo thông của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy, phân lập thành công nCoV, từ đó có khả năng xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm bệnh; đồng thời sẽ có khả năng xét nghiệm được số lượng lớn trong trường hợp cần thiết.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, ngày 6/2, Liên Sở Tài chính và Y tế đã đề xuất và trình UBND thành phố bổ sung kinh phí đợt I là 321 tỷ đồng cho công tác phòng, chống nCoV. Đặc biệt, đến thời điểm này, các trạm y tế đã có đủ cơ sở vật chất để cách ly được khoảng 5.000 người, nếu có yêu cầu.

Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chuẩn bị 2 khu vực kê được gần 1.000 giường, đảm bảo các vật dụng cần thiết, tẩy trùng, vệ sinh toàn bộ khu vực; phân khu các khu vực chức năng của bác sĩ, quản lý... đồng thời bố trí khu vực bếp để bảo đảm ăn uống, sinh hoạt hàng ngày và khu sinh hoạt riêng cho gia đình bệnh nhân. 

Đại diện ngành Giáo dục Thủ đô cho biết đã tích cực triển khai công tác phòng dịch tại các trường học trên địa bàn; tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết 16/2.

Đại diện Sở Du lịch cũng cho biết, trước tình hình dịch bệnh, Hà Nội đã không tổ chức du lịch đến vùng có dịch và số khách đã hủy tour đến Hà Nội là hơn 14,8 nghìn người. Hơn 14,9 nghìn khách hủy tour đi nước ngoài, trong đó có hơn 8 nghìn khách đến Trung Quốc...

Tin bài liên quan