Hơn 5 năm qua, sự phối hợp này đã có những kết quả đáng mừng. Theo đó, lực lượng cảnh sát kinh tế các địa phương đã phát hiện, điều tra, xử lý 70 vụ việc. Kết quả, khởi tố điều tra 46 vụ, với gần 130 bị can, tổng thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng; đã xử lý hành chính 18 vụ. Tổng số tiền thu hồi được hơn 20 tỷ đồng.
Điển hình, năm 2012, PC46 Bắc Giang khởi tố Vụ án Lợi dụng sự sơ hở trong công tác quản lý phôi thẻ BHYT xảy ra tại BHXH huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, khởi tố 2 bị can, xử lý thu hồi được số tiền 374.047.200 đồng. Hay năm 2014, PC46 Hải Phòng xác lập chuyên án bí số 514L về việc lừa đảo chiếm đoạt tiền bảo hiểm xảy ra tại Công ty Dịch vụ y tế Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng), khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hậu quả gây thiệt hại 5,5 tỷ đồng.
Mở rộng điều tra, PC46 Hải Phòng tiếp tục khởi tố 3 bị can tại Phòng khám đa khoa Quang Thanh về hành vi lập khống 127.330 bảng kê chi phí khám chữa bệnh và chiếm đoạt số tiền 12.915.868.063 đồng. Qua đó, BHXH Việt Nam cũng đúc rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý của mình.
Đồng thời, Tổng cục Cảnh sát đã chỉ ra một số kẽ hở mà tội phạm thường nhắm vào gây án như: Quy định của pháp luật, chuyên môn liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm còn nhiều sơ hở, không đầy đủ, không khoa học nên rất khó xử lý, quy trách nhiệm; các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT còn thấp, tính chất răn đe chưa cao; công tác giám định còn rất yếu và thiếu; một số BHXH tỉnh, thành phố chưa thực sự quan tâm, chú trọng trong chỉ đạo phối hợp thanh tra, kiểm tra về BHXH, BHYT.
Nhằm đẩy mạnh sự phối hợp ăn ý hơn nữa giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát trong ngăn chặn hành vi vi phạm trong BHXH, đại diện Tổng cục Cảnh sát, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chỉ ra một số vấn đề trọng tâm mà cả 2 đơn vị cần quan tâm.
Một là, BHXH Việt Nam là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Lực lượng Cảnh sát kinh tế các cấp phải xác định: Công tác phối hợp với cơ quan bảo hiểm để phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN là trách nhiệm, là việc làm thường xuyên, liên tục và cùng với cơ quan bảo hiểm góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN như: Luật BHXH, Luật BHYT, Bộ luật Hình sự 2015 (trong đó có Điều 214 quy định về Tội gian lận BHXH, BHTN; Điều 215 quy định về Tội gian lận BHYT và Điều 216 quy định về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN); cũng như các văn bản pháp luật liên quan đến công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành... để mọi người dân hiểu rõ và thực hiện tốt các quy định liên quan đến lĩnh vực này.
Ba là, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói chung và lực lượng cảnh sát kinh tế nói riêng phải chủ động triển khai các biện pháp công tác công an, phối hợp với các đơn vị, địa phương làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi, vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.
Chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tổng kết những phương thức, thủ đoạn của các vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN để tổ chức tập huấn theo chuyên đề cho cán bộ chiến sỹ làm công tác theo dõi, nắm tình hình trong lĩnh vực này.
Bốn là, giữa lực lượng cảnh sát kinh tế và cơ quan bảo hiểm các cấp phải thường xuyên cung cấp, trao đổi kịp thời các thông tin liên quan đến các hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Định kỳ có báo cáo tổng kết, đánh giá công tác phối hợp của hai bên, đồng thời, cùng nhau tăng cường tổ chức hội thảo chuyên đề trao đổi và cung cấp thông tin; tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao năng lực phát hiện, thu thập thông tin phục vụ điều tra các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm...
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý các doanh nghiệp, cơ sở y tế và cá nhân có vi phạm về bảo hiểm để chia sẻ thông tin, làm công tác phòng ngừa nghiệp vụ chung trong lĩnh vực này.