Phòng chống dịch ở khu công nghiệp, cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp đang rất phức tạp và có nhiều khu công nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động. Theo các nhà chuyên môn, cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để giảm thiểu nguy cơ lây lan trước, trong và sau khi phục hồi sản xuất.

Ngoài sàng lọc nguồn lây, cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền

Biện pháp khả dĩ nhất để chống lây lan dịch trong các nhà máy, khu công nghiệp là phải quản lý được tình hình dịch tễ của khu vực, công nhân tuyệt đối không di chuyển ra khỏi khu vực đó, phải kiểm soát được diễn biến dịch thông qua các xét nghiệm và thực hiện tốt 5K, bởi chỉ cần 1 công nhân vi phạm thì dịch sẽ lan ra nhanh chóng và gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Tôi được biết, hiện nay, tất cả các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương đã được các địa phương lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh hỗ trợ trong công tác xét nghiệm tất cả các công nhân và việc lập các trạm kiểm soát, test nhanh tại các khu công nghiệp là rất cần thiết, giúp sàng lọc và phát hiện nguồn lây.

Ngoài ra, theo quan sát của tôi, nguồn lây chính ở khu công nghiệp là từ bên ngoài vào, nên khâu kiểm soát công nhân là vô cùng quan trọng. Vì thế, cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền để công nhân hiểu và hạn chế di chuyển trong giai đoạn này.

Ưu tiên các dây chuyền tự động hóa 100%

Ông Nguyễn Bá Lai, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây
Ông Nguyễn Bá Lai, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây

Với các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp, để hạn chế tối đa Covid-19 tái xâm nhập thì ngoài thực hiện nghiêm túc các quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế, các doanh nghiệp cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp khác như rà soát các biện pháp phòng chống dịch của doanh nghiệp, giãn cách, giãn tiến độ sản xuất, lập vách ngăn bàn ăn và điều chỉnh giờ ăn ca để đảm bảo khoảng cách an toàn...

Cùng với đó, cần xây dựng các phương án ứng phó khi có trường hợp mắc Covid-19, tổ chức phòng chống dịch, truy vết qua quản lý ca làm việc, camera… Người lao động phải đo thân nhiệt ở cổng công ty và khai báo y tế mỗi ngày.

Với đặc thù môi trường làm việc trong không gian chung quy mô lớn, phòng điều hòa, đòi hỏi quan trọng là khu vực làm việc của công nhân phải được vệ sinh khử khuẩn hàng ngày và định kỳ theo quy trình vệ sinh nhà xưởng GMP. Ví dụ, tại Dược Hà Tây, để đảm bảo môi trường làm việc và phòng ngừa việc lây nhiễm qua hệ thống điều hòa trung tâm, Công ty không chỉ nghiêm chỉnh thực hiện bảo dưỡng, bảo trì điều hòa theo quy trình GMP, mà còn tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo vận hành điều hòa trung tâm với không khí trong lành, tăng cường làm sạch, khử trùng màng lọc và linh kiện. Công ty cũng phát động phong trào giữ gìn vệ sinh nơi làm việc, duy trì 5K, hạn chế nói chuyện trong suốt quá trình làm việc.

Khi được phép hoạt động trở lại, các doanh nghiệp, nhà máy nên ưu tiên các dây chuyền tự động hóa 100%. Xác định các vị trí công việc cần quay trở lại văn phòng ngay, hay tạm nghỉ hoặc tiếp tục làm việc từ xa, từ đó thiết lập lịch trình quay trở lại làm việc ở cấp độ nhân viên theo từng khu vực, bao gồm lựa chọn nhân viên nếu số người quay lại vượt mức đăng ký. Cùng với đó là việc thiết kế nơi làm việc cho phép giữ khoảng cách an toàn: Đưa ra quy định để tránh tập trung đông đúc trong không gian làm việc; thiết kế lại không gian làm việc cá nhân để tạo khoảng cách giữa các nhân viên; thiết kế lại/đóng các không gian làm việc chung để tạo giãn cách; đầu tư vào các công cụ/cơ sở hạ tầng để hỗ trợ làm việc từ xa một cách an toàn.

Trong quá trình hoạt động, cần thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường làm việc an toàn: Đôn đốc công tác vệ sinh trong nhà xưởng và vệ sinh ngoại cảnh hàng ngày, tăng cường kiểm tra, giám sát bếp ăn tập thể, yêu cầu dọn dẹp nghiêm ngặt, thường xuyên; thiết lập các biện pháp đánh giá sức khỏe (ví dụ như kiểm tra nhiệt độ, vận động trong lúc làm việc…) phù hợp với các chính sách và quyền riêng tư.

Tin bài liên quan