Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Phố Wall vừa leo đỉnh vừa thấp thỏm chờ FED

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế khả quan giúp phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm và S&P 500 thiết lập đỉnh cao mới. Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn còn khi giới đầu tư đang hướng về bài phát biểu của Chủ tịch FED vào thứ Sáu.

Phố Wall bước vào phiên giao dịch thứ Năm với nhiều thông tin kinh tế tích cực. Theo dữ liệu vừa được công bố, doanh số bán nhà tăng lên mức cao nhất 10 tháng, hoạt động sản xuất của khu vực Đại Tây Dương đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2011 vào tháng 8 và triển vọng kinh tế trong tương lai cũng phát triển vững chắc trong tháng trước. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh 14.000, xuống 298.000, theo dữ liệu ban đầu.

Dữ liệu kinh tế tích cực giúp phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm, trong đó, chỉ số S&P 500 thiết lập 2 kỷ lục trong phiên là leo lên mức cao nhất và đóng cửa ở mức cao nhất từ trước đến nay. Cả 2 mức đỉnh này đều được xác lập trong ngày 24/7 trước đó. S&P 500 đang hướng đến mốc 2.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử.

Dù tâm lý hứng khởi với dữ liệu kinh tế khả quan và kết quả kinh doanh ấn tượng của một số doanh nghiệp vừa công bố, nhưng giới đầu tư phố Wall vẫn thấp thỏm chờ đợi bài phát biểu của bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) ở cuộc họp tại Jackson Hole, Wyoming vào thứ Sáu (22/8). Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, FED sẽ không tăng lãi suất sớm giống như biên bản cuộc họp tháng 7 vừa được công bố.

Kết thúc phiên 21/8, chỉ số Dow Jones tăng 60,36 điểm (+0,36%), lên 17.039,49 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,86 điểm (+0,29%), lên 1.992,37 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 5,62 điểm (+0,12%), lên 4.532,10 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại sau phiên điều chỉnh ngày thứ Tư. Chứng khoán châu Âu tăng nhờ dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ và dữ liệu về tăng trưởng khu vực tư nhân của Đức. Chỉ số PMI của Đức trong tháng 8 đạt 54,9 cao hơn mức 50, mức cho thấy có sự gia tăng trong sản xuất khá cao.

Tuy nhiên, cũng giống như phố Wall, các nhà đầu tư chứng khoán châu Âu cũng chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch FED vào thứ Sáu.

Kết thúc phiên 21/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 22,18 điểm (+0,33%), lên 6.777,66 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 86,96 điểm (+0,93%), lên 9.401,53 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 52,14 điểm (+1,23%), lên 4.292,93 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 9 liên tiếp, lên mức cao nhất 3 tuần khi đồng USD tăng mạnh so với đồng yên sau dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan được công bố.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lại giảm mạnh khi dữ liệu PMI trong lĩnh vực của Trung Quốc trong tháng 8 giảm xuống 50,3 từ mức 51,7 trong tháng 7.

Kết thúc phiên 21/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 131,75 điểm (+0,85%), lên 15.586,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 165,66 điểm (-0,66%), xuống 24.994,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 9,75 điểm (-0,44%), xuống 2.230,46 điểm.

Giá vàng chịu áp lực lớn với dữ liệu kinh tế vừa được công bố và biên bản cuộc họp của FOMC vừa được công bố. Trong báo cáo này, tuy FED quyết định sẽ giữ lãi suất thấp trong thời gian dài sau khi kết thúc chương trình mua trái phiếu vào tháng 10 tới đây. Tuy nhiên, nhiều thanh viên theo chủ nghĩa cứng rắn cho rằng, với dữ liệu kinh tế khả quan hiện nay, cùng thị trường lao động đang cải thiện, FED có thể sớm tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Những thông trên khiến đồng USD tăng vọt và gây áp lực trở lại lên giá vàng, đẩy giá kim loại quý này giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng.

Kết thúc phiên 21/8, giá vàng giao ngay giảm 15,10 USD (-1,17%), xuống 1.276,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 19,8 USD (-1,53%), xuống 1.275,4 USD/ounce.

Giá dầu tăng trở lại sau giữ liệu kinh tế khả quan.

Kết thúc phiên 21/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,51 USD (+0,54%), lên 93,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,35 USD (+0,34%), lên 102,63 USD/thùng.

Tin bài liên quan