Trong khi đó, theo Conference, niềm tin của người tiêu dùng giảm, nhưng trong báo cáo này lại có những điểm tích cực. Với các biện pháp hỗ trợ kinh tế, chỉ số niềm tin hiện tại tăng lên 81,7, mức cao nhất 6 năm. Tuy nhiên, khi hỏi về triển vọng tương lại, chỉ số niềm tin người tiêu dùng lại giảm mạnh xuống 75,7 từ mức 80,8 trong tháng Giêng.
Những dữ liệu này khiến chứng khoán Mỹ điều chỉnh trong phiên giao dịch thứ Ba, tuy nhiên kết quả kinh doanh tốt của Home Depot, giúp cổ phiếu này tăng 4% đã hãm đà giảm của Phố Wall.
Kết thúc phiên 25/2, chỉ số Dow Jones giảm 27,48 điểm (-0,17%), xuống 16.179,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,49 điểm (-0,13%), xuống 1.845,12 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 5,38 điểm (-0,13%), xuống 4.287,59 điểm.
Các nhà đầu tư đang hướng chú ý về phiên điều trần của Chủ tịch FED Janet Yellen trước Quốc hội Mỹ vào thứ Năm tới đây để biết chính sách của FED như thế nào. Phát biểu của bà Yellen trước Thượng viện sẽ cho biết chính sách sắp tới của FED và nhà đầu tư sẽ biết được thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào tới nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Ngoài ra, qua phiên điều trần này, giới đầu tư cũng biết được lịch trình cắt giảm gói kích thích kinh tế QE3 của FED trong thời gian tới ra sao.
Phiên điều trần này sẽ có ảnh hưởng mạnh tới thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường vàng, hàng hóa khác, cũng như các thị trường chứng khoán khác trên toàn cầu.
Chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm điểm trong phiên thứ Ba, bởi các cổ phiếu khai mỏ. Cổ phiếu ngành khai khoáng giảm khi mức tiêu thụ tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ nguyên liệu lớn nhất của các doanh nghiệp châu Âu giảm và triển vọng kinh tế Trung Quốc không mấy tích cực.
Kết thúc phiên 25/2, chỉ số FTSE tại Anh giảm 35,36 điểm (-0,52%), xuống 6.830,50 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 9,59 điểm (-0,10%), xuống 9.699,35 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 4,58 điểm (-0,10%), xuống 4.414,55 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản phục hồi mạnh trở lại nhờ ảnh hưởng của chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên trước đó, thì chứng khoán Hồng Kông, nhất là chứng khoán Trung Quốc lại giảm mạnh. Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh hơn 2% khi giới đầu tư lo ngại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ rút hơn 100 tỷ nhân dân tệ khỏi hệ thống tài chính. Ngoài ra, những thông tin không mấy tích cực về kinh tế lớn thứ 2 thế giới được công bố tuần trước cũng khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Kết thúc phiên 25/2, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản giảm 27,99 điểm (-0,19%), xuống 14.837,68 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 71,36 điểm (-0,80%), xuống 22.317,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 42,74 điểm (-2,04%), xuống 2.034,22 điểm.
Dù chứng khoán toàn cầu điều chỉnh giảm trong phiên thứ Ba và thông tin không mấy khả quan từ Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, nhưng giá vàng vẫn duy trì đà tăng nhờ cuộc khủng hưởng ở Ukraina. Kết thúc phiên 25/2, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 5,00 USD (+0,37%), lên 1.341,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 3,7 USD (+0,28%), lên 1.340,3 USD/ounce.
Giá dầu giảm mạnh trở lại trong phiên 25/2 sau khi leo lên mức cao nhất trong năm trong phiên đầu tuần nhờ thông tin ngừng hoạt động sản xuất tại Libya và Nam Sudan. Kết thúc phiên 25/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,99 USD (-0,97%), xuống 101,83 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,13 (-1,03%), xuống 109,51 USD/thùng.