Ông Jerome Powell sẽ tiếp tục là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ông Jerome Powell sẽ tiếp tục là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thêm một nhiệm kỳ nữa.

Phố Wall “khoái” ông Powell

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giới đầu tư chứng khoán Mỹ đã thở phào trước việc ông Jerome Powell được tái bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trước khi chủ nhân chiếc ghế Chủ tịch Fed nhiệm kỳ mới ngã ngũ, có những đồn đoán rằng bà Lael Brainard sẽ được bổ nhiệm thay cho ông Powell, do sức ép từ phía Đảng Dân chủ cầm quyền.

Bình luận về việc ông Powell tiếp tục đảm nhận cương vị Chủ tịch Fed, Keith Lerner, đồng Giám đốc Đầu tư tại Truist Advisory Services cho biết: “Nhìn chung, Phố Wall có cái nhìn tích cực về việc này, vì nó đảm bảo tính liên tục của chính sách tại thời điểm có nhiều tranh luận về chiến lược lãi suất”.

Ông Powell được các đảng viên Cộng hòa và Đảng Dân chủ ôn hòa ưa thích bởi những phản ứng chính sách tiền tệ phù hợp của ông trong giai đoạn đại dịch đã giúp ngăn chặn tình trạng suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trước khi quyết định bổ nhiệm được công bố, thị trường tài chính Mỹ đã lo ngại việc bà Brainard sẽ thay thế ông Powell, bởi bà Brainard là người có lập trường mềm mỏng hơn nhiều so với đương kim Chủ tịch Fed. Điều này nghĩa là ngân hàng trung ương có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để tăng lãi suất so với dưới thời ông Jerome Powell, mở đường cho sự leo thang cao hơn của lạm phát – mối lo lớn nhất của Phố Wall hiện nay.

Ông Powell cùng với tân Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard sẽ phải đối mặt với những thách thức mới, đó là lạm phát tăng nhanh, trầm trọng hơn do gián đoạn chuỗi cung ứng và cuối cùng cần phải thu hẹp một số chính sách hỗ trợ mà ngân hàng trung ương đã đưa ra trong thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch.

Lạm phát đang gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng Mỹ, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng với tốc độ hàng năm nhanh nhất trong hơn 20 năm qua. Chỉ số CPI tháng 10 của nước này tăng hơn 6%, trong khi mục tiêu lạm phát mà Fed đề ra là 2%, điều đó ảnh hưởng đến một loạt mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao của người dân Mỹ.

Trước diễn biến lạm phát, ngân hàng trung ương Mỹ đã quyết định sẽ thu hẹp dần gói nới lỏng định lượng thông qua chương trình mua trái phiếu. Tuy vậy, thông điệp từ cuộc họp Ủy ban Thị trường mở của Fed tiến hành vào đầu tháng 11 của Chủ tịch Jerome Powell là chưa có kế hoạch đẩy sớm lộ trình nâng lãi suất và lạm phát cao xuất phát từ yếu tố mang tính tạm thời, đó là vấn đề của chuỗi cung ứng.

Dù vậy, một số người cho rằng ông Powell đang đánh giá thấp mối đe dọa của lạm phát vốn tăng rất nhanh.

Một số người lo lắng rằng ông Powell đã đánh giá thấp mối đe dọa của lạm phát khi nghĩ rằng nó chỉ là vấn đề của chuỗi cung ứng, thay vì nhìn nhận nó như một sự việc có thể tác động lâu dài. Tuy vậy, trước mắt, thông tin ông Powell sẽ làm thêm nhiệm kỳ thứ hai giúp thị trường chứng khoán Mỹ tránh được cú sốc từ hiệu ứng “tân quan, tân chính sách”.

Các nhà phân tích thị trường nói rằng, thông tin này có khả năng hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển trong tương lai, vì các nhà giao dịch chứng khoán đã “quen thuộc” với ông Powell và hiểu được phần nào các kế hoạch và mục tiêu của ông đối với nền kinh tế từ các cuộc họp báo và thông báo trước đây.

Bailey của FBB cho biết: “Việc ông Powell vẫn giữ được ghế Chủ tịch có nghĩa là thị trường chứng khoán sẽ ít bất ổn hơn, các nhà đầu tư có thể cảm thấy ít sợ rủi ro hơn khi họ cân nhắc việc đầu tư nhiều tiền hơn vào thị trường chứng khoán. Đối với Boneparth tại Bone Fide Wealth, việc ông Powell làm Chủ tịch là một điều tích cực đối với các nhà hoạch định tài chính và các tài khoản mà họ quản lý”.

Tin bài liên quan